Suốt bao năm nay, người ta vẫn nói mãi về những lợi ích của thiền định trong mọi khía cạnh của cuộc sống như giảm stress, tăng cường sức khỏe, thư giãn tâm trí,...
Tuy nhiên, rất ít người đề cập tới những khó khăn sẽ gặp phải trong quá trình tập thiền. Họ không biết rằng chính các trở ngại này sẽ là người thầy tuyệt vời nhất trên con đường lĩnh hội vẻ đẹp thực sự của thiền định.
Nghi ngờ
Trong thời gian đầu, người tập thường nghi ngại về độ hiệu quả của thiền định. Họ nghĩ rằng: "Cái này có thể giúp người khác, nhưng chưa chắc đã ổn với mình".
Đôi khi lo lắng là điều tốt, giúp chúng ta nhìn sự việc kỹ hơn trước khi tin tưởng. Tuy nhiên, nghi ngờ quá mức sẽ đẩy chúng ta ra xa khỏi thiền định trước khi nó kịp giúp mình.
Giải pháp: Chúng ta cần phải nhớ rằng suy nghĩ chỉ là suy nghĩ; chúng không phải sự thật. Khi chúng ta cảm thấy nghi ngờ, hãy ghi nó ra.
Bạn sẽ nhận ra đằng sự nghi ngờ chính là nỗi sợ và nhanh chóng vượt qua chúng để quay trở lại việc luyện tập.
Bồn chồn
Có một điều là, chúng ta không thể nào ngồi yên một chỗ trong thời gian dài, nhất là khi tâm trí thì lại quá bận rộn.
Từ bé, chúng ta đã luôn được dạy phải hoạt động luôn tay, luôn chân.
Vì thế, tĩnh tâm là điều rất khó. Bạn sẽ thấy tâm trí mình quẩn quanh hàng ngàn điều những việc cần làm, đếm từng phút trôi qua cho tới khi quá trình tập thiền kết thúc. Đây là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên.
Giải pháp: Bạn cần biết rằng bồn chồn hay chán nản cũng chỉ là cảm giác. Nếu để ý, bạn sẽ thấy đằng sau vỏ bọc bồn chồn hay chán nản ấy là sự lo lắng và sợ hãi.
Dù vậy, bạn không cần tìm hiểu sâu để loại bỏ những cảm xúc đó, mà chỉ nên gọi tên và thừa nhận chúng.
Thậm chí, bạn có thể nhìn mọi thứ với tinh thần của một người chưa biết gì và tò mò về cảm giác bồn chồn. Hoặc nếu vẫn thấy không thể ngồi yên, tại sao bạn không thử tập chánh niệm theo kiểu vận động?
Bực mình
Cảm giác bực tức có thể tới vì nhiều lý do. Có thể chúng ta không có một buổi tập thiền như ý muốn, hoặc có tiếng động lạ trong phòng.
Đôi khi đó chỉ là sản phẩm phụ của sự bồn chồn. Nói cách khác, chúng ta bực mình vì cảm thấy bồn chồn trước đó.
Giải pháp: Dù muốn kháng cự lại cảm giác bực mình, chúng ta cũng phải nhớ rằng, càng kháng cự lại càng không được.
Việc cần làm là coi nó như một phần của thiền định. Chúng ta phải nhận diện được sự bực tức, cho phép nó len lỏi trong lòng mình. Bởi lẽ, cảm giác bực mình đó cũng sẽ sớm qua nhanh như khoảnh khắc nó tới.
Buồn ngủ
Hầu hết mọi người đều không ngủ đủ 8 tiếng/ngày. Do đó, chuyện bạn cảm thấy buồn ngủ khi đang tập thiền là hết sức bình thường.
Cơ thể luôn muốn làm điều nó thích: nghỉ ngơi. Chúng ta cũng trở nên buồn ngủ sau mỗi giờ tập thiền mệt mỏi hay quá sức.
Vì vậy, buồn ngủ có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần được nghỉ ngơi, hay đó chỉ là một loại cảm xúc cần được thể hiện.
Giải pháp: Nếu thỉnh thoảng bạn ngủ quên khi đang thiền, hãy cứ coi đó như một giấc chợp mắt cần thiết.
Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra quá thường xuyên, bạn hãy tập ngồi thẳng lưng, đứng dậy, he hé mắt hoặc vã nước lên mặt trước khi bắt đầu.
Nếu các phương pháp vẫn không có hiệu quả, hãy thử thiền trước khi đi ngủ. Như vậy, bạn sẽ thấy ngủ ngon giấc hơn.
Ham muốn
Khi thiền, rất có thể bạn sẽ thấy tâm trí mình trôi dạt về một nơi hoàn toàn khác. Bạn có thể thèm ăn hoặc nghĩ ngợi về chủ đề thức ăn.
Thậm chí, sự ham muốn này còn xuất hiện từ sớm, khi bạn muốn có điều gì đó xảy ra để bản thân không phải tập thiền nữa. Trạng thái này khiến khiến chúng ta không thể tập trung thiền và châm ngòi cho sự bồn chồn, bực tức,...
Giải pháp: Nếu bạn thấy cảm xúc này xuất hiện trước khi tập thiền, hãy nghĩ đến những thứ bạn có thể tập, thay vì những thứ không thể.
Nếu tâm trí bạn trôi dạt về một nơi khác trong lúc tập, hãy thả lỏng cả cơ thể và tinh thần, để cho những dòng suy nghĩ đó qua đi và tập trung trở lại vào bài tập thiền.
Nếu bạn vẫn không ngừng bị phân tâm, hãy chuyển sang phương pháp thiền tập trung vào suy nghĩ.