Phóng sinh là một hoạt động tâm linh tốt để hồi hướng công đức cho gia tiên tiền tổ.
Bản chất của phóng sinh là một việc làm thiện tâm
Phóng sinh là một hoạt động tâm linh tốt để hồi hướng công đức cho gia tiên tiền tổ. Vì từ nhiều đời, nhiều kiếp, ông bà, ông vải nhà mình do vô minh mà tạo nghiệp ác sát sinh. Đến nay, con cháu được học giáo lý nhà chùa, răn dạy về đức hiếu sinh, phóng sinh sẽ giúp cho các hương linh của gia tiên được mát mẻ, bồi thêm công đức, tâm người mất phát sinh hỷ lạc mà được sanh về cõi giới an lành hoặc luân hồi trở lại làm người ở kiếp vị lai.
Chuyện phóng sinh ở nơi cửa Phật từ bi, chắc chẳng ai lạ lẫm gì khi ngày nay, đến hầu hết các chùa, đặc biệt là chùa ở thành phố đều thấy dân địa phương bày bán la liệt các chậu cá cảnh, cá Koi Nhật Bản, ốc, hến, rùa, cá chép, tôm, cua, chim muông... để phục vụ cho các hoạt động phóng sinh. Người đi lễ vì theo tâm lý đám đông, xuất tâm bỏ tiền ra mua những con vật bé nhỏ đó, đem vào chùa cúng để được Phật, thánh chứng minh công đức rồi đem ra ao, hồ, sông... thả.
Ở đầu này, các bậc thiện nam, tín nữ vừa thả những sinh linh bé nhỏ ấy về với môi trường sống của chúng thì đầu kia, người ta lại quăng chài, lưới để bắt chúng bỏ rọ và ngay ngày hôm sau, những chú cá, cua, ốc, rùa... xấu số đó lại được đem bán ở cổng chùa.
Cách đây vài năm, tôi đã từng làm lễ cầu siêu cho gia tiên tiền tổ ở Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA (số 1 phố Đông Tác, quận Đống Đa, Hà Nội). Sau một tuần tu tập miên mật từ thứ 2 đến thứ 6 vào đúng 18h chiều đến 21h tối, tôi đến đó nghe kinh, giảng pháp. Sáng thứ 7, khoảng 6h đạo tràng có mặt ở chân cầu Vĩnh Tuy, sông Hồng, làm lễ "phóng sinh" cho hàng tạ cá, cua, ốc, rùa... Tôi rất lấy làm phấn khích, xung phong đi thuyền ra giữa sông thả từng sọt cá, chậu cá đang bơi và thầm cầu nguyện cho gia tiên tiền tổ sớm được siêu thoát về với cõi Phật thanh tịnh.
Nhưng đâu ngờ rằng, xa xa, những con thuyền nan, thuyền sắt, những bè lưới đã được bủa vây ở hai đầu và chờ chúng tôi làm xong nghi lễ phóng sinh rồi đâu lại vào đấy, cá lại vào lưới, cua lại vào rọ. Và đúng thứ 7 tuần sau, cũng vào giờ này, các nhà tổ chức của trung tâm Liên hiệp lại bỏ một khoản tiền khá lớn nào đó thu được từ chúng tôi - những thiện nam, tín nữ để lại bắt đầu một nghi lễ tâm linh - phóng sinh mới.
Chim vành khuyên bị bán để phóng sinh.
Dần dà tôi mới ngộ ra rằng, cả người đứng ra tổ chức việc này và cả những người dân chài lưới đều là nạn nhân của cái tham, cái si làm cho mờ mắt. Có nhiều người vì lựa chọn nghề theo cha mẹ, ông bà và đến lượt mình lại làm nghề ra khơi đánh bắt cá, tôm thì mắc cái nghiệp sát sinh. Còn những người biết đạo, hiểu rõ lý nhân - quả mà cố tình kinh doanh trên sự kém hiểu biết của tha nhân thì thật nhẫn tâm và tội ác không thể tha thứ. Thực ra, đó là một cái vòng luẩn quẩn, chạy theo chủ nghĩa hình thức, cổ súy cho những hành động đánh bắt, sát sinh, bắt bớ, tàn sát một cách có chủ đích trên quy mô rộng.
Cách phóng sinh đem lại hiệu quả
Vậy chẳng lẽ hoạt động phóng sinh lại không tốt hay sao? Có cách nào để phóng sinh hiệu quả? Thực ra, có mấy cách phóng sinh đem lại lợi lạc cho cả mình và người đã khuất như sau:
1 - Phóng sinh là một biểu hiện của tấm lòng từ bi, của đức hiếu sinh, yêu thương mọi loài chúng sinh và coi sự sống của muôn loài như sự sống của chính mình mà dân ta vẫn truyền tụng câu nói: "Thương người như thể thương thân"; "Cứu vật thì vật trả ân"... Cho nên, cho dù trong hoàn cảnh nào, giàu hay nghèo, "thi ân bất cầu báo" đều được công, được đức vô lượng cả. Chẳng phải đến chùa làm việc thả chim, thả cá mới được công đức. Dù ở đâu, đến đâu phát tâm đến đấy, của ít lòng nhiều thì đều được Bụt (Phật), thánh và các vị thiện thần phù trợ và chứng minh công đức cả.
Chim bồ câu bị bắt để bán cho người muốn phóng sinh.
2 - Phóng sinh theo duyên: Sẵn với tấm lòng từ bi, khi gặp duyên, gặp những cảnh ngộ trớ trêu, cảnh thương tâm hiển hiện ra trước mắt là mình phát tâm cứu giúp, phóng sinh, trả lại tự do cho chúng.
Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã từng nói: "Nhớ câu kiến ngãi bất vi - Làm người thế ấy cũng phi anh hùng" (nghĩa là thấy việc nghĩa, việc thiện mà không làm thì không phải là anh hùng). Hình ảnh thầy Đường Tăng trong bộ phim Tây Du Ký lúc còn nhỏ, trên đường về chùa gặp bác tiều phu tay xách con cá chép nên đã xin chuộc, đem ra sông thả cũng là một tấm gương điển hình.
3 - Phóng sinh như một hình thức của sám hối, giáo dục thế hệ con cháu: Cũng vì từ vô thỉ kiếp mình vô minh mà tạo nghiệp sát sinh, nay mình sám hối, cứ gặp dịp như Rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm - dịp lễ Vu Lan báo hiếu hay như đầu năm mới... chúng ta phóng sinh các con vật về với thế giới tự do cho mọi sự được mát mẻ, tâm mình cũng được gột rửa khỏi những tội lỗi đã gieo, học hạnh bố thí của nhà chùa, "từ - bi - hỷ - xả" để yêu thương mọi vạn loài chúng sinh.
Việc làm từ tâm này sẽ khiến gia tiên tiền tổ cảm thọ được tấm lòng hiếu thuận của con cháu mà sinh tâm hoan hỉ, buông bỏ cõi trần gian để về với cảnh giới tương ưng (cao hơn cõi ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục và atula).
4 - Phóng sinh là một biểu hiện của nét đẹp văn hóa: Từ bao đời nay, ông cha ta đã đúc kết những mảnh đời sống thực để kết thành những câu chuyện huyền thoại, thần tiên, như: "Cứu vật thì vật trả ân"; "Nàng tiên cá"; "Hoàng tử cóc"... nhằm truyền bá một lối sống vị tha, nhân bản, lòng yêu thương giữa con người với thế giới loài vật xung quanh. Âu cũng là cách tốt để giáo dục thế hệ trẻ thuộc nằm lòng các giá trị cao thượng: chân - thiện - mỹ.
5 - Phóng sinh là một biểu hiện của sự tôn trọng sự sống của muôn loài: Thời nhà Lý (1010 - 1225), bộ Luật hình thư được ban hành năm 1042 có nêu rõ: Cấm không được đánh bắt cá, thú rừng vào mùa động hớn, mùa cá đẻ. Cấm không được chặt phá rừng, đốn cây vào mùa xuân. Mọi người đều thấy, còn bộ luật nào nhân văn hơn thế. Ngày nay, chúng ta cũng nên lấy đó làm bài học quý báu cho việc hành xử với môi trường thiên nhiên, tôn trọng sự sống và sự tự do của muôn loài, nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên.
Xin dừng ngay hành động phóng sinh chỉ vì tâm lý đám đông, vì sự ngu tín mà mình cứ tưởng làm được việc phước thiện, vô tình lại tạo tội cho kẻ khác - những kẻ đánh bắt cá, bắt chim... vô lương tâm.