Sau một thời gian khá dài, phim truyền hình Việt Nam dường như lép vế trước tác phẩm của các nước bạn. Khán giả dần mất hứng thú vì phim Việt Nam đa số đi theo kịch bản quen thuộc như các mâu thuẫn trong công ty, tình tay ba hay những phim hình sự mà cảnh sát bắt được tội phạm một cách không thuyết phục.
Không có nút thắt, thiếu đi sự kịch tính chính là yếu điểm mà phim truyền hình Việt Nam gặp phải suốt thời gian dài. May mắn thay, có đến ít nhất 5 bộ phim được chiếu trong năm vừa qua đã cùng thổi một làn gió mới vào ấn tượng của khán giả về phim ảnh nước nhà.
Sitcom "quốc dân": Gia đình là số 1
Từ trước tới giờ, nếu tầm ảnh hưởng của phim truyền hình phía Bắc chiếm gần hết sự quan tâm của khán giả thì sitcom Gia đình là số 1 lại là lựa chọn gần như duy nhất của khán giả phía Nam.
Được mua bản quyền từ series đình đám của Hàn Quốc "High Kick", Gia đình là số 1 được thực hiện với kinh phí cao, trở thành dự án sitcom được đầu tư nhiều nhất từ trước đến nay của Việt Nam, dài 208 tập với kinh phí lên đến 250 triệu đồng/tập.
Chọn chất liệu gần gũi và khung giờ phát sóng khá hợp lý, Gia đình là số 1 dần trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cơm tối của người miền Nam. Ban đầu, bộ phim gặp phải khá nhiều nghi ngại, bởi bản gốc có tên "High kick" của xứ sở kim chi đã là một hình tượng quá đẹp.
Thế nhưng điều thú vị mà bộ phim mang tới, đó là vẫn kịch bản với câu chuyện vui buồn về gia đình có ba thế hệ ấy, nhưng toàn bộ ekip phim đã "làm lại" chứ không phải "chép lại". Khán giả luôn bắt gặp những gì gần gũi nhất, hài hước nhất và Việt Nam nhất trong mỗi thước phim.
Những đạo lý, bài học và giá trị nhân văn mà bộ phim muốn truyền tải cứ nhẹ nhàng chạm đến trái tim và tiềm thức của khán giả như thế.
Không khác nhiều so với bản gốc, đây vẫn là câu chuyện rất đời, rất chân thực xoay quanh một gia đình có ba thế hệ sống chung dưới một mái nhà.
Và lẽ dĩ nhiên, những xung đột là không thể tránh khỏi, nhất là khi mọi người có cá tính quá mạnh và đối lập nhau. Đó cũng chính là chất keo kết dính toàn bộ chuyện phim, giữa các thành viên với xã hội và giữa các thành viên với nhau.
Tuy bộ phim không được bàn tán nhiều trên mạng xã hội nhưng nó lại trở thành một "thói quen" của đại đa số gia đình từ khi phát sóng đến bây giờ.
Cứ đến giờ phát sóng, người ta lại bật tivi như một phản xạ để xem Gia đình là số 1. Hiện tại bộ phim đang đứng đầu danh sách bình chọn Hạng mục phim truyền hình của We Choice Awards 2017.
http://kenh14.vn/day-la-5-bo-phim-da-lam-thay-da-doi-thit-phim-truyen-hinh-viet-nam-trong-mat-khan-gia-20171229235945029.chn
Nỗi ám ảnh nhiều năm của con dâu: Sống chung với mẹ chồng
Bộ phim gây sốt từ khi công bố trích đoạn trên fanpage, thu được hơn 6 triệu lượt xem trong 3 ngày. Sau đó, nhà đài quyết định tăng sóng thành 3 tuần/tập vì nhu cầu khán giả quá lớn. Nhà nhà, người người đều nói về Sống chung với mẹ chồng như một hiện tượng thực sự suốt mùa hè trên truyền hình.
Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc, mang hết những mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu lên phim để khiến ai cũng phải thấy mình trong đó, rồi bán tán, mổ xẻ. Thậm chí, có những câu thoại đã trở thành "huyền thoại".
Người ta vẫn hay nói, nghệ thuật là tấm gương phản chiếu cuộc sống, và nghệ thuật chỉ có thể chạm tới trái tim khán giả bằng nội dung. Nếu để đánh giá trên những tiêu chí ấy, thì Sống chung với mẹ chồng thực là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hào.
Khỏi phải bàn nhiều về vấn đề này. Ngay khi cái tên bộ phim được nhắc đến, là khán giả đã lập tức bị thu hút. Đây có thể không phải bộ phim đầu tiên nói về mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, nhưng lại là bộ phim đầu tiên lột tả được tất thảy những gì đang diễn ra trong cuộc sống mà không che đậy, không cường điệu.
Người phán xử: Phim hình sự "kiểu mới"
Vẫn khai thác theo hướng phim hình sự, phản ánh được một góc khuất của tội ác trong cuộc sống, nhưng Người phán xử đã lấy lòng khán giả Việt bởi cách thể hiện. Trước giờ, dòng phim này chỉ được lòng người đã đứng tuổi, bởi nó nói về sự mưu trí và khó khăn của những người công an nhân dân.
Và điều này, đối với lứa khán giả trẻ, đã trở nên nhạt nhẽo khi họ được tiếp xúc với nhiều phim cùng thể loại của nước ngoài. Nhưng với Người phán xử thì khác, nếu như chỉ coi là một hiện tượng có lẽ vẫn chưa đủ.
Bộ phim được mua bản quyền từ Israel, với nhiều đột phá trong cách thể hiện nội dung đối với phim truyền hình. Khán giả không phải thấy những màn truy đuổi, đánh đấm nửa vời mà thực sự là những thước phim được đầu tư đúng chất, đúng thể loại, thể hiện ý muốn đổi mới thật sự của nhà sản xuất.
Đặc biệt, việc trở lại của những nghệ sĩ gạo cội như NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Anh, Chu Hùng bên cạnh những diễn viên trẻ thực lực như Việt Anh, Hồng Đăng đã khiến bộ phim có một linh hồn, chứ không chỉ là một cái vỏ hào nhoáng.
Người phán xử còn thể hiện sự cố gắng phục vụ khán giả của nhà sản xuất khi theo dõi sát sao ý kiến, phản hồi để quay thêm những tập bổ sung, những phân đoạn "fan service", tạo ra "vũ trụ điện ảnh VTV" mà vốn chẳng ai ngờ một bộ phim truyền hình sẽ "chịu khó" để làm.
Chuyện tình dài và li kì đáng nể: Tuổi thanh xuân 2
Là phần tiếp theo trong sản phẩm hợp tác văn hoá quan trọng của truyền hình Việt, Tuổi Thanh Xuân 2 vẫn tiếp tục chứng tỏ sức hút với người xem đài. Đây không đơn thuần là một dự án hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Tuổi Thanh Xuân còn là một tác phẩm hiếm hoi tạo được sự quan tâm đối với những khán giả trẻ tuổi.
Phần 2 của bộ phim thừa hưởng thành công từ phần trước, cùng bộ đôi diễn viên Hàn – Việt Nhã Phương & Kang Tae Oh chinh phục trái tim khán giả trẻ, thế nên hiệu ứng tốt là điều có thể đoán trước.
Bộ phim quy tụ rất nhiều yếu tố để thu hút khán giả, như là dàn diễn viên đẹp tiêu chuẩn, mối tình nhẹ nhàng, gần gũi, bối cảnh lãng mạn tại Hàn Quốc và đặc biệt là giọng ca ngọt ngào trong bản OST.
Ở phần 2, thêm những chi tiết rắc rối ban đầu khiến cho khán giả hơi "sốc". Thế nhưng chính bởi những nút thắt ấy, giá trị đích thực của tình yêu càng được đẩy lên cao trào. Trong giải thưởng của VTV vừa qua, Tuổi Thanh Xuân 2 luôn dẫn đầu ở các hạng mục bình chọn, chứng tỏ sự quan tâm rất dữ dội của khán giả trẻ.
Dù có thể họ chỉ yêu mến các diễn viên nhưng đây cũng là một yếu tố "sống còn" của một bộ phim giải trí khi thu hút nhà đầu tư.
Cú nổ cuối năm trên truyền hình: Thương nhớ ở ai
Ngay sau Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng, một quả bom nổ chậm của truyền hình đã được khai ngòi. Đó chính là Thương nhớ ở ai.
Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng "Bến không chồng" của nhà văn Dương Hướng, được chỉ đạo bởi đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh, một bộ sậu tên tuổi cùng thời gian chuẩn bị ròng rã 3 năm nên không khó để dự đoán được chất lượng của phim.
Tuy từng được nhận định là một bộ phim khá "kén" khán giả nhưng thật bất ngờ, sau khi lên sóng, Thương nhớ ở ai lại tạo nên một cơn "sốt" mạnh mẽ trên màn ảnh nhỏ. Khán giả không chỉ theo dõi Thương nhớ ở ai trên sóng truyền hình mà còn đặc biệt quan tâm tới những tin tức về bộ phim cũng như dàn diễn viên.
Trên fanpage chính thức của Thương nhớ ở ai trên Facebook, phim cũng nhận được vô số lời khen và đánh giá tích cực từ phía cư dân mạng.
Thông qua bộ phim, rất nhiều những câu chuyện cũ đã được khơi lại. Không chỉ là tư tưởng trọng nam khinh nữ được biểu đạt một cách châm biếm, mà còn có cả nỗi đau từ phong trào cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ.
Đặc biệt, với hơn 2000 cảnh phim cần kĩ xảo được chuẩn bị trong 3 năm ròng rã, Thương nhớ ở ai đang chứng minh rằng không chỉ phim điện ảnh mới được đầu tư lớn.
Kết
Bằng cách điểm lại 5 bộ phim ăn khách nhất truyền hình Việt Nam năm vừa qua, dễ dàng nhận thấy các nhà sản xuất đã biết cách nấu bữa cơm cho tròn vị. 5 bộ phim này vừa đủ từ cảm xúc, ấn tượng cho đến kỉ niệm về phim.
Tất cả không bị đẩy lên quá đà để gây lố, cũng không bị đứt mạch khiến khán giả tụt hứng. Vậy là, vẫn những món ăn cũ, nhưng chỉ cần nêm nếm cách khác, thì bữa cơm đã được "thay da đổi thịt" để thu hút hơn.
"WeChoice Awards" - giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Bình Tĩnh Sống.
Hơn cả sự lạc quan và tinh thần bền bỉ vượt qua khó khăn của cuộc đời, "Bình tĩnh sống" còn có thể hiểu là một lời khích lệ cũng như nhắc nhở về cách sống và cách đối diện với cuộc đời của mỗi người.
Hãy cùng chúng tôi tôn vinh và bình chọn cho những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng tại http://wechoice.vn/.
Thời gian bình chọn từ ngày 21/12/2017 đến ngày 20/01/2018.
Trân trọng cảm ơn Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã đồng hành cùng giải thưởng WeChoice Awards 2017 và giúp lan tỏa thông điệp Bình tĩnh sống đến cộng đồng.