Kháng cáo vì cho rằng không phạm tội
TAND tỉnh Bắc Ninh đã có thông báo về việc 5 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ), có đơn kháng cáo Bản án hình sự sơ thẩm số 93/2023/HS-ST ngày 11/8/2023.
Cụ thể, các bị cáo Đặng Quang Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Tây Hồ), Tân Tú Hải (nguyên Tổng giám đốc), Phan Việt Anh (nguyên Phó Tổng giám đốc), Nguyễn Tấn Hoàng (nguyên Trưởng Phòng kinh doanh), đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét lại số tiền đền bù thiệt hại, xác định lại mức độ thất thoát...
Riêng bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà (nguyên Trưởng Ban kiểm soát Công ty Tây Hồ) kháng cáo toàn bộ bản án, cho rằng không phạm tội.
Sau phiên sơ thẩm, con trai bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà cũng đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền, đề nghị xem xét kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình giải quyết vụ án vì cho rằng việc tổ chức điều tra, truy tố, xét xử bà Ngà cùng 4 bị cáo có nhiều vấn đề chưa được sáng tỏ.
5 bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.
Tham gia bào chữa cho bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà , luật sư Phan Quốc Thắng phân tích, việc chuyển nhượng 118 lô đất tại Khu đô thị mới Quế Võ như trong cáo trạng nêu là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nếu 5 bị cáo có sai phạm chỉ là vi phạm Điều lệ, quy chế của doanh nghiệp; vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của người quản lý công ty theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014.
“Việc chuyển nhượng 118 lô đất chưa đủ điều kiện chuyển nhượng cũng là vi phạm hành chính trong kinh doanh bất động sản, những vi phạm này (nếu có) không phải là tội phạm hình sự như kết luận của HĐXX TAND tỉnh Bắc Ninh”, luật sư Thắng lập luận và cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng ở Bắc Ninh đã cố gắng ‘hình sự hóa’ các quan hệ dân sự, kinh tế, ‘hình sự hóa’ hoạt động sản xuất kinh doanh, tranh chấp tại doanh nghiệp.
Theo luật sư, Công ty Tây Hồ là loại hình công ty cổ phần, HĐXX áp dụng Điều 71 Luật doanh nghiệp 2014 để làm căn cứ xem xét trách nhiệm của người quản lý đối với bị cáo Đặng Quang Tuấn, Tân Tú Hải, là trái luật.
Trong vụ án, luật sư Thắng cho rằng “không có khái niệm tài sản nhà nước”, không có “chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước”, không có “người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước” tại Công ty Tây Hồ. Do đó, sẽ không có “khách thể phạm tội”, cũng không có “chủ thể phạm tội”.
“Việc xác định Chu Thị Ngọc Ngà cùng 4 bị cáo bị cáo phạm tội là có dấu hiệu bị truy tố oan sai; Tổng công ty xây dựng Hà Nội – CTCP và Công ty Tây Hồ cũng không phải bị hại...”, luật sư Thắng nêu trong đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Từ những phân tích trên, luật sư Thắng kiến nghị Ban Nội chính Trung ương, lãnh đạo TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, chỉ đạo TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời, chỉ đạo làm rõ các dấu hiệu “truy cứu trách nhiệm hình sự 5 người không có tội”, “làm sai lệch hồ sơ vụ án”...
Được biết, ngày 28/10 vừa qua, Văn phòng Chủ tịch nước đã có văn bản chuyển đơn thư của con trai bị cáo Ngà đến TAND Tối cao, Viện KSND tối cao xem xét. Phía Tòa án, Viện KSND Tối cao, Thanh tra Bộ Công an, cũng chuyển tiếp đơn kiến nghị của luật sư Phan Quốc Thắng đến TAND Cấp cao tại Hà Nội, Viện KSND tỉnh Bắc Ninh, Công an tỉnh Bắc Ninh, để giải quyết, trả lời theo quy định.
Theo bản án sơ thẩm hồi tháng 8/2023, TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên bị cáo Đặng Quang Tuấn 9 năm tù; Phan Việt Anh 5 năm tù; Nguyễn Tấn Hoàng 4 năm tù, về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Riêng Chu Thị Ngọc Ngà bị phạt án cao nhất 13 năm tù giam.
Về dân sự, tòa buộc 5 bị cáo phải liên đới bồi thường cho Công ty Tây Hồ hơn 184 tỷ đồng.
HĐXX sơ thẩm kết luận trong vụ án, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP có 98,83% vốn Nhà nước và nắm giữ 50,09% cổ phần tại Công ty Tây Hồ. Các bị cáo Tuấn, Hải với vai trò là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đại diện vốn của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội tại Công ty Tây Hồ đã bàn bạc, thống nhất với các bị cáo Phan Việt Anh; Chu Thị Ngọc Ngà; Nguyễn Tấn Hoàng thực hiện hành vi bán 118 lô đất ở Khu đô thị mới Quế Võ, không đúng trình tự quy định, không theo kết quả thẩm định giá gây thất thoát hơn 91 tỷ đồng là tài sản Nhà nước và thiệt hại cho nhóm cổ đông khác hơn 92 tỷ đồng.
Khi công bố bản án, HĐXX nhận định, bị cáo Tuấn và Hải, là người được giao quản lý vốn nhà nước, phải chịu trách nhiệm chính. Các bị cáo Ngà, Việt Anh, Hoàng giữ vai trò đồng phạm giúp sức.