Có rất nhiều bệnh hay gặp mùa đông xuân như: viêm họng, cảm lạnh, viêm xoang, COPD, viêm mũi dị ứng, viêm phổi… Nhưng có 5 bệnh mà bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể mắc phải và thường xuyên gặp trong thời tiết lạnh giá, nồm ẩm đó là: Viêm phế quản cấp, viêm mũi dị ứng, đau –viêm khớp, viêm xoang và đột quỵ.
1. Bệnh viêm phế quản cấp
Viêm phế quản cấp thường là một phần của nhiễm trùng đường hô hấp trên xảy ra ở những bệnh nhân không có các bệnh phổi mãn tính. Nguyên nhân hầu hết là do nhiễm virus.
- Triệu chứng của bệnh là ho khan hoặc ho khạc ít đờm đi kèm với các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên, hoặc các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên xuất hiện trước, thường là > 5 ngày. Đờm có thể trong, có mủ, hoặc đôi khi có máu. Người bệnh sốt nhẹ.
Viêm phế quản cấp thường là một phần của nhiễm trùng đường hô hấp trên xảy ra ở những bệnh nhân không có các bệnh phổi mãn tính. Nguyên nhân hầu hết là do nhiễm virus.
- Điều trị : Nếu bị nhẹ, chỉ cần điều trị giảm triệu chứng, bù dịch và làm cho bệnh nhân dễ thở. Tránh lạm dụng kháng sinh.
- Giải pháp: Ngoài việc điều trị thì việc phòng tránh đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi và ngăn ngừa biến chứng. Bạn nên đeo khẩu trang thường xuyên. Không hút thuốc lá và ngửi khói thuốc. Giữ ấm vùng mũi, ngực, họng khi trời lạnh.
2. Bệnh đau- viêm khớp
Những người bị bệnh về khớp cho biết vào mùa đông nhất là thời tiết lạnh, các khớp của họ trở nên rệu rão, đau nhức mà không rõ nguyên nhân. Thời tiết lạnh, ẩm cũng khiến tình trạng bệnh của những người bị khớp trở nên nặng hơn.
- Triệu chứng: Người bệnh thấy đau, cứng và sưng khớp. Người cảm thấy mệt mỏi, ớn lạnh, khó chịu, sốt. Xung quanh khớp ấm, đỏ. Khi xuất hiện các triệu chứng viêm khớp, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, kiểm tra chất lỏng xung quanh khớp, tình trạng khớp sưng, nóng hoặc đỏ cũng như phạm vi cử động của khớp.
- Điều trị bệnh: Tùy vào vị trí viêm ở các khớp mà bác sĩ có phương án cho thuốc và hướng dẫn cách làm giảm thiểu cơn đau cũng như ngăn ngừa khớp bị tổn thương. Bên cạnh đó có thể chườm đá, dán miếng dán có tác dụng hạn chế cơn đau. Vật lý trị liệu là liệu pháp điều trị sử dụng các bài tập giúp tăng cường các cơ xung quanh khớp bị ảnh hưởng. Dựa trên thể trạng và mức độ viêm khớp của người bệnh, bác sĩ sẽ thiết lập cho họ những bài tập phù hợp.
- Giải pháp: Bạn nên tập thể dục thường xuyên. Vận động nhẹ nhàng kết hợp với các bài tập thể dục phù hợp với tuổi tác, sức khỏe. Không nên gắng sức mỗi khi thấy mệt mỏi. Một chế độ ăn uống cân bằng, đúng cách sẽ giúp bạn duy trì cân nặng ổn định và kiểm soát chứng viêm. Người bệnh viêm khớp nên ăn các loại cá, trái cây tươi, rau xanh, các thực phẩm chứa nhiều canxi và vitamin D. Bạn nên hạn chế ăn các loại thực phẩm tinh chế, thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.
3. Viêm xoang
Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng và viêm một hoặc nhiều xoang do xoang bị tắc nghẽn. Viêm xoang có 2 loại: Viêm xoang cấp tính xảy ra đột ngột và chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Viêm xoang mạn tính là kéo dài, lặp đi lặp lại. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến viêm xoang như: Viêm nhiễm, tăng cơ hội nhiễm siêu vi, vi khuẩn, nhiễm nấm; Người có các khối u trong mũi và trong khu vực xoang; Những người bị vẹo vách ngăn mũi, phì đại cuốn mũi, nghiện thuốc lá, hay bị nghẹt hoặc tắc mũi thương dễ bị viêm xoang.
- Triệu chứng khi bị viêm xoang: Bạn có cảm giác đau đầu. Ho, sốt, có cảm giác bị đè nặng hoặc đau ở trán hoặc mặt. Mũi bị nghẹt và chảy nước mũi, có dịch tiết ra màu xanh hoặc vàng xanh.
- Điều trị dùng thuốc xịt hay nhỏ mũi để giảm cảm giác khó chịu. Nếu bị đau đầu nhẹ có thể dùng thuốc giảm đau. Nếu viêm xoang do nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh. Bạn sẽ phải phẫu thuật nếu như điều trị nội khoa không thích ứng, vách ngăn mũi bị lệch, polyp mũi.
- Phòng ngừa: Bạn cần uống nhiều nước để làm loãng dịch trong mũi. Hạn chế rượu bia, các chất kích thích, có cồn. Không tự ý xịt và nhỏ thuốc khi không có đơn chỉ định của bác sĩ. Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng.
4. Viêm mũi dị ứng
Dù không nghiêm trọng nhưng viêm mũi dị ứng cũng ảnh hưởng đến tâm trạng và sinh hoạt thường ngày. Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích thích và viêm không phải do virus, vi khuẩn mà do các tác nhân từ môi trường như lông sâu, bướm, phấn hoa, lông động vật, khói bụi, mạt nhà.
- Triệu chứng: Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là do cơ thể giải phóng histamin khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng. Những người có cơ địa dị ứng, tiền sử gia đình mắc bệnh dị ứng… Các triệu chứng khi bị viêm mũi dị ứng là chảy nước mũi, mắt, nghẹt mũi, ngứa mũi, đỏ mắt, hắt xì liên tục. Người bệnh khó thở, mệt mỏi. Tuy không phải bệnh nghiêm trọng nhưng các triệu chứng kéo dài sẽ gây khó chịu, mệt mỏi… gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc, học tập.- Điều trị: Bạn có thể dùng các loại thuốc kháng histamin, thuốc nhỏ mắt, thuốc xịt nhỏ mũi để giúp giảm ngứa và các triệu chứng liên quan đến dị ứng khác trong thời gian ngắn.
- Giải pháp: Khi bị viêm mũi dị ứng, cần tăng cường miễn dịch như ăn uống các thực phẩm tươi ngon, uống nhiều nước ép trái cây, ăn nhiều rau xanh. Cần tránh xa những nơi ẩm thấp, môi trường bụi. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân gây dị ứng. Bảo vệ vùng tai và họng tốt sẽ giúp mũi khỏe mạnh, giảm bớt nguy cơ bị viêm mũi dị ứng nặng hơn.
5. Đột quỵ
Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Đó là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: cử động yếu một phần cơ thể, liệt bán hoặc toàn thân, rối loạn cảm xúc, mất ngôn ngữ, thị giác suy giảm... Vì thế người bị đột quỵ cần được phát hiện sớm và cấp cứu trong giờ vàng thì ít để lại di chứng sau này.
- Triệu chứng: Khi bị đột quỵ người bệnh cảm thấy mệt mỏi, cảm thấy hụt hơi,cử động chân tay khó. Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động. Đầu đau dữ dội, thị lực giảm, buồn nôn, nôn. Lúc này bạn cảm thấy khó phát âm, nói bị ngọng.
Đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào.
- Giải pháp: Để phòng tránh đột quỵ yếu tố dinh dưỡng, cách thức sinh hoạt khoa học hằng ngày là giải pháp tối ưu nhất. Ở bữa ăn hằng ngày trong gia đình bạn nên ăn nhiều rau quả, trái cây, các loại đậu, thịt trắng, hải sản.
Mùa đông thời tiết khắc nghiệt, lạnh thì việc giữ ấm cơ thể luôn phải được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là ở người cao tuổi. Tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe. Kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.