Kinh doanh điện thoại nhiều năm tại Thanh Hoá, ngày 3/6/2021 là ngày đầu tiên mà cửa hàng của anh Nguyễn Quốc Đạt có được đơn hàng đầu tiên vào lúc… 4h chiều. "Không hiểu chuyện gì xảy ra. Anh em bỏ đi đâu hết cả rồi", anh Đạt than thở trên mạng xã hội.
Cùng ngày, chị Nguyễn Thị Hiền, mở cửa hàng chuyên bán sản phẩm Apple tại Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) cho biết chỉ vừa "mở hàng" vào lúc 17.25 phút với một chiếc iPhone 11 Pro Max 64 GB qua sử dụng.
"Chết đói đến nơi", "anh chị em có việc gì cho em theo với", "chuẩn bị ra đường ăn xin" là những câu "đùa nhưng thật" của giới kinh doanh di động những ngày này. Theo chia sẻ của một số chủ hàng, doanh số điện thoại của họ giảm thê thảm so với giai đoạn trước khi dịch bệnh bùng phát lần 4.
"Có ngày chỉ bán được 3-4 máy trong khi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên, quảng cáo online vẫn phải chi đủ không thiếu đồng nào", chị Hiền chia sẻ. Theo ước tính của các chủ hàng, doanh số smartphone giai đoạn này giảm 50-70%.
Giới kinh doanh di động kêu trời vì tình hình kinh doanh ế ẩm hiện tại.
Thông thường các năm, đây cũng là giai đoạn thấp điểm của thị trường. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát tại nhiều địa phương, diễn biến phức tạp càng khiến cho việc kinh doanh của các cửa hàng gặp khó khăn. Không chỉ các cửa hàng nhỏ, các đại lý lớn cũng gặp ảnh hưởng vì đại dịch.
Đại diện Thế Giới Di Động – nhà bán lẻ di động lớn nhất Việt Nam, cho biết đến hết ngày 31/5, đơn vị này có 631 shop bị tác động do Covid, trong đó có 116 shop đóng cửa chỉ phục vụ bán online và 515 shop hạn chế bán hàng với quy mô chỉ 5-20 người. FPT Shop, nhà bán lẻ lớn thứ 2 cũng có 60 cửa hàng chuyển sang bán online.
Để tự cứu mình trong giai đoạn này, các cửa hàng, hệ thống bán lẻ cũng nhanh chóng đưa ra hàng loạt giải pháp. Trong đó, 2 biện pháp đáng chú nhất vẫn là giảm giá sản phẩm và đẩy mạnh bán hàng online.
Nhìn vào bảng giá các sản phẩm di động giai đoạn này, dễ nhận thấy có hàng loạt model đang được giảm giá sâu. Gần đây nhất, các cửa hàng đồng loạt giảm giá các model iPhone, mức giảm từ 700.000 đến 1,5 triệu đồng cho hầu như tất cả model. Các mẫu điện thoại Galaxy của Samsung, điện thoại Oppo, Vivo hay Xiaomi cũng đều được giảm giá để kích thích mua sắm.
Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng đưa ra chương trình ship hàng miễn phí cho người mua trong giai đoạn này như một hình thức khuyến mại cho người dùng trong bối cảnh họ làm việc ở nhà, hạn chế ra ngoài và tiếp xúc số đông. Tại các đại lý lớn, người dùng khi mua hàng online còn được giảm giá sản phẩm.
Giảm giá, đẩy mạnh bán hàng online là cách để các cửa hàng vớt vát khách trong mùa dịch.
Theo chia sẻ của các cửa hàng, biện pháp này phần nào phát huy hiệu quả khi các đơn hàng online tăng lên rõ rệt. Đại diện của FPT Shop cho biết lượng đơn hàng online tăng 14-20% trong những ngày này.
Với các cửa hàng nhỏ, họ còn linh động tặng thêm các gói bảo hành hoặc đẩy mạnh hình thức livestream trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội để tăng tương tác và trực tiếp bán hàng.
Mặc dù vậy, đại diện nhiều cửa hàng thừa nhận đây là một trong những giai đoạn kinh doanh khó khăn nhất trong nhiều năm làm nghề của họ.
"Chúng tôi, cũng như một số ngành kinh doanh khác đã cố gắng cầm cự trong hơn một năm qua. Dịch càng kéo dài, doanh số đi xuống như hiện tại thì chúng tôi càng ‘cạn lực’", anh Nguyễn Quốc Đạt nói. Với diễn biến hiện tại, chưa có dấu hiệu cho thấy tình hình kinh doanh của các cửa hàng này sẽ sớm khởi sắc trở lại.