Trong Bản di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời căn dặn đầu tiên của Người là nói về Đảng. Đó cũng là vấn đề Người trăn trở trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Chỉ rõ mục đích cao nhất của Đảng là đấu tranh cho độc lập, tự do, cho ấm no của nhân dân nhưng đồng thời, Người cũng tiên liệu sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, sẽ xuất hiện hoàn cảnh mới với những nguy cơ mới khó lường, nên việc đầu tiên Đảng phải làm là tự chỉnh đốn.
Nhớ lời Bác dặn, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11, khóa 12 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng lại càng thấm thía hơn về tầm nhìn xa, trông rộng của Người.
Trong Di chúc, nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều trăn trở, bởi vai trò và tầm quan trọng của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Những điều Bác nói về Đảng tập trung vào ba vấn đề lớn gồm: Đoàn kết; nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Đây là ba vấn đề quan trọng bậc nhất quyết định sự tồn vong của Đảng.
Đối với vấn đề đoàn kết trong Đảng, Hồ Chí Minh căn dặn “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Doãn Thị Chín, Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đoàn kết trong Đảng phải thể hiện bằng tư tưởng và hành động; trong Đảng không thể có tình trạng “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”; phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Doãn Thị Chín cho biết: “Bằng chính tấm gương sáng của đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tình cảm giai cấp và tình đồng chí trong Đảng, coi đó là một nhân tố quan trọng để đoàn kết trong Đảng.
Người yêu cầu “Đảng phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh nhân tố đạo đức khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền.
Theo Người, Đảng cầm quyền là bước chuyển trọng đại trong sinh hoạt Đảng. Đảng cầm quyền có sứ mệnh lãnh đạo giai cấp và dân tộc xây dựng thành công xã hội mới- xã hội chủ nghĩa. Để hoàn thành sứ mạng đó, Đảng ta phải “là đạo đức, là văn minh”.
Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Đoàn kết, thực hành dân chủ, gắn liền với tự phê bình trong Đảng là vấn đề rất hệ trọng, liên quan đến sức chiến đấu, sự sống còn của toàn Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền.
Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Toàn bản di chúc 1000 từ được cân nhắc kỹ từng câu, từng chữ, vậy nhưng chỉ trong hơn 3 dòng ngắn gọn, cô đọng để nói về Đảng cầm quyền, Bác dùng tới 4 chữ "thật" để nhấn mạnh: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Điều đó đủ hiểu Bác dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề đạo đức trong Đảng, nhất là khi Đảng ở vị thế cầm quyền.
“Sau khi Bác mất, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có hàng loạt Chỉ thị liên quan đến vấn đề xây dựng Đảng, chỉnh đốn đảng thực hiện Di chúc Bác Hồ nhưng những chỉ thị, công văn đó chưa tương xứng với mong muốn của Bác trong vấn đề chỉnh đốn Đảng.
Về vấn đề xây dựng Đảng chúng ta đang còn tiếp tục phấn đấu rất nhiều nữa mới thực hiện ý muốn, mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong Di chúc”, Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng cho biết.
Thực hiện lời căn dặn của Người, gần 50 năm qua, Đảng đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhưng bối cảnh mới cũng đặt ra cho Đảng không ít thách thức và khó khăn.
Thực hiện Di chúc quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11, Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 đến nay, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai.
Qua đó củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Để Đảng thật sự trong sạch, theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng theo lời căn dặn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần coi đây là công việc lâu dài, phải làm kiên trì, liên tục để Đảng xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Ông Nguyễn Túc nhấn mạnh: “Tự đổi mới và chỉnh đốn Đảng là vấn đề mà cả lý luận và thực tiễn đang đặt ra, đòi hỏi thực hiện khẩn cấp bức thiết hơn bao giờ hết.
Thực hiện Di chúc của Bác, tôi cho rằng, điều lớn nhất trong Đảng là phải kiểm điểm việc xây dựng Đảng theo đúng tinh thần Nghị quyết 04 của Trung ương về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng.
Chúng ta kiểm điểm nghiêm túc từ trên xuống dưới, dưới lên trên để không phụ lòng mong muốn của Bác”.
Nhớ lời Bác dặn- Phải giữ gìn Đảng thật sự trong sạch, nhân dân đang trông chờ vào hiệu quả của việc thực hiện đổi mới và chỉnh đốn Đảng.
Để đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được tiến hành trên nhiều phương diện, nhưng trước hết là việc tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng theo lời căn dặn của Người.
Kỷ niệm 49 năm ngày Bác đi xa, ôn lại lời căn dặn đầu tiên của Người trong Di chúc, là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi rọi lại mình; phấn đấu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như di nguyện của Người trước lúc đi xa./.