Bạn sẽ tưởng tượng ra gì khi nhắc đến loài ruồi? Có phải đó là một sinh vật bẩn thỉu, sống trong những bãi rác và lúc nào cũng làm phiền cuộc sống của con người chúng ta? Nếu chỉ có vậy thì quả thực oan cho những con côn trùng 2 cánh này.
Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Current Biology, các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch của một con ruồi 47 triệu năm tuổi được bảo quản khá nguyên vẹn. Điều này cho phép họ trích xuất và mổ xem có gì chứa trong bụng của nó. Kết quả, họ đã tìm thấy toàn là phấn hoa.
Về mặc kỹ thuật, khám phá này là bằng chứng trực tiếp đầu tiên cho thấy một loài ruồi cổ đại từng ăn vi bào tử của thực vật cận nhiệt đới. Nhưng về mặt trừu tượng, bạn cũng đã nhận ra không phải loài ruồi nào cũng bẩn thỉu.
Những con ruồi cổ đại này từng sống bên cạnh những khóm hoa, giúp chúng thụ phấn giống như ong và không hề làm phiền những con vượn khỉ - là tổ tiên của chúng ta 47 triệu năm về trước.
Có vẻ như sẽ là một thiếu sót khá lớn khi nhắc đến các loài có công thụ phấn cho thực vật, đa số chúng ta chỉ kể ra được những con ong, bướm hoặc cùng lắm là loài chim nhỏ. Rất ít người biết rằng ruồi cũng là một loài công trùng thụ phấn quan trọng, thậm chí đứng hàng top 2 trong số các sinh vật này, sau ong.
Trong quá khứ, ruồi còn là một trong những sinh vật tiến hóa sớm nhất để đảm nhiệm nhiệm vụ này. Hóa thạch mới được tìm thấy trong khu mỏ đá ở gần Frankfurt nước Đức đã là minh chứng rõ rệt nhất cho điều đó.
Nó là xác của một loài ruồi vòi ngắn cổ đại có tên là Hirmoneura messelense, tổ tiên của loài ruồi rối gân (Nemestrinidae) ngày nay và có thể tính là cụ tổ họ 5 đời của những con ruồi nhà mà bạn thường thấy (Muscoidea).
Được bảo quản khá nguyên vẹn và chứa đầy phấn hoa trong bụng, "hóa thạch này cho thấy ruồi vòi ngắn cổ đại đóng một vai trò quan trọng trong việc phát tán phấn hoa cho một số phân loài thực vật", Fridgeir Grímsson, một nhà nghiên cứu từ Đại học Vienna cho biết. "Hàm lượng phấn hoa rất lớn mà chúng tôi phát hiện được trong dạ dày của con ruồi này cho thấy ruồi đã ăn và vận chuyển phấn hoa từ cách đây 47 triệu năm".
Hóa thạch của một con ruồi 47 triệu năm tuổi và bữa ăn cuối cùng trong dạ dày của nó
Ngày nay, những con ruồi gân rối vẫn tồn tại và chúng là một trong những loài ăn phấn hoa giúp thực vật thụ phấn tích cực nhất. Với một chiếc vòi ngắn, chúng rất nổi bật trong thế giới các loài sinh vật có ích này, bởi đa số các loài thụ phấn khác đều có vòi dài và ăn mật hoa chứ không phải phấn hoa.
Các bằng chứng hóa thạch cho thấy việc một loài ruồi cổ đại ăn phấn hoa lại càng hiếm. Nhưng lần này, các nhà khoa học đã có thể tìm thấy một con ruồi vòi ngắn Hirmoneura messelense được bảo tồn khá nguyên vẹn sau hàng chục triệu năm.
Đến nỗi chỉ cần soi kính hiển vi vào ruột và dạ dày của nó, họ đã nhận ra dấu vết của phấn hoa từ ít nhất bốn họ thực vật, bao gồm cây liễu nước và cây thường xuân có thể đã mọc xung quanh bìa rừng của một cái hồ cổ đại.
Các nhà nghiên cứu cũng có thể nhìn thấy những sợi lông dài - còn được gọi là setae - trên ngực hoặc bụng của ruồi. Mặc dù phấn hoa không được tìm thấy trên những sợi lông này, nhưng chúng ta có thể đoán được trong quá khứ chúng cũng có thể đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển phấn khi ruồi bay từ đóa hoa này sang đóa hoa khác.
Không giống như các loài ruồi thăm hoa khác có vòi dài nên thường bay lơ lửng trên cây để kiếm ăn, loài ruồi vòi ngắn đặc biệt này có thể đã đậu vào hẳn bên trong ngọn hoa, "trước khi hút phấn hoa khỏi bao phấn", nhóm nghiên cứu viết.
Những bông hoa mà chúng ăn thường xếp chặt vào nhau, điều này có thể cho phép côn trùng dễ dàng đi lại giữa chúng - ăn hết bữa này đến bữa khác. Ba loại phấn hoa chưa biết trong dạ dày của ruồi cũng cho thấy nó thuộc về cùng một bữa ăn từ các cây bố mẹ mọc gần nhau.
Grímsson giải thích: "Có khả năng loài ruồi này đã tránh các chuyến bay đường dài giữa các nguồn thức ăn, mà chỉ hay tìm kiếm phấn hoa từ những khóm cây có họ hàng gần với nhau".
Hóa thạch của một con ruồi 47 triệu năm tuổi và bữa ăn cuối cùng trong dạ dày của nó
Mặc dù ruồi thăm hoa hiện đại không vận chuyển phấn hoa hiệu quả như ong, nhưng chúng vẫn là loài đứng thứ hai trong số tất cả các côn trùng làm nhiệm vụ này, trên cả bướm và chim.
Nhưng nghiên cứu mới này ủng hộ một giả thuyết cho rằng trong một số môi trường nhiệt đới hiện đại, ruồi thăm hoa có vai trò quan trọng tương đương hoặc thậm chí có thể vượt mặt ong thụ phấn.
Việc chúng ta tìm thấy phấn hoa trong dạ dày của một con ruồi cổ đại cho thấy đó có thể là điều đã xảy ra từ kỷ Jura. "Hóa thạch ruồi gân rối ăn phấn hoa hạt kín này đại diện cho bằng chứng trực tiếp đầu tiên về một loài ruồi thụ phấn", các tác giả kết luận trong nghiên cứu của họ.
Tham khảo Sciencealert