47 năm trước, cô bé Hoàng Soái là học sinh lớp 5 tại một trường tiểu học ở quận Hải Điến, TP Bắc Kinh, Trung Quốc. Một ngày nọ, Hoàng Soái bị cô giáo phê bình trước lớp vì không tuân thủ kỷ luật lớp học. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến nữ sinh này.
Tối hôm đó, Hoàng Soái viết nhật ký, hy vọng rằng giáo viên sẽ đối xử kiên nhẫn hơn với học sinh nếu các em mắc phải lỗi lầm. Hoàng Soái không ngờ rằng, cuốn nhật ký đó đã gây ra một trận sóng gió.
Cuốn nhật ký khiến nữ sinh tiểu học bị giáo viên "trù"
Vào thời điểm đó, nhật ký của mọi học sinh trong lớp đều cần được đưa cho giáo viên xem. Khi giáo viên của Hoàng Soái đọc được những dòng em viết, cô này đã rất tức giận. Cô này cho rằng, Hoàng Soái đang chống đối, thách thức quyền hạn của giáo viên.
Ngay lập tức, cô giáo có những hành động "trù dập" như kêu gọi những đứa trẻ trong lớp chỉ trích, thậm chí cô lập Hoàng Soái. Ở thời điểm hiện tại, hành động này có thể gọi là "bắt nạt học đường". Tuy nhiên việc bắt nạt học đường thường xảy ra giữa học sinh, thật khó tưởng tượng việc đó lại được gây ra bởi một giáo viên.
Hoàng Soái thời đi học.
Vì uy quyền của giáo viên, tất cả học sinh trong lớp và sau đó là cả trường đều vu khống và cô lập Hoàng Soái. Điều này khiến nữ sinh lớp 5 rất buồn tủi. Không cầu cạnh được ai giải quyết nên cô bé quyết định viết thư gửi cho Nhật báo Bắc Kinh, hy vọng tờ báo có thể đứng ra làm trung gian hòa giải mối quan hệ giữa mình và cô giáo.
Điều mà Hoàng Soái không ngờ là lá thư của mình đã bị người khác lợi dụng, làm dấy lên một phong trào chê trách phẩm giá của giáo viên. Sau khi bức thư được Nhật báo Bắc Kinh đăng tải, Hoàng Soái cũng lên trang nhất, trở thành đại diện cho phong trào chống đối, chê trách giáo viên. Hoàng Soái trở nên nổi tiếng, không chỉ ở Bắc Kinh mà còn cả nước.
Hậu quả là Hoàng Soái bắt đầu bị đối xử bất công ở trường học, gia đình bị liên lụy. Bố em thậm chí bị điều tra và bị bắt. Dù sau này bố của Hoàng Soái được thả nhưng mẹ em thì rất suy sụp. Bà thường xuyên bị ngất, ảnh hưởng tinh thần nặng nề.
Mối quan hệ bất ngờ với cô giáo từng "trù dập" mình
May mắn thay, Hoàng Soái dù phải chịu nhiều bất công nhưng vẫn rất mạnh mẽ. Thực tế, những dòng nhật ký của em chỉ bày tỏ nguyện vọng của bản thân chứ không hề chỉ trích, phản đối gì phẩm giá của giáo viên.
Sau khi có những trải nghiệm không mong muốn, Hoàng Soái học tập chăm chỉ và được nhận vào khoa Khoa học Máy tính của Đại học Công nghệ Bắc Kinh năm 1979. Tốt nghiệp, Hoàng Soái được phân công làm việc tại Viện Khoa học Máy tính Bắc Kinh. Xuất phát điểm cao hơn khiến Hoàng Soái có ước mơ cao hơn.
Hoàng Soái khi trưởng thành.
Sau hai năm học tập và làm việc tại Viện Khoa học Máy tính Bắc Kinh, Hoàng Soái quyết định bồi dưỡng thêm kiến thức và đi du học ở Nhật. Hoàng Soái đã lấy được bằng Thạc sĩ, ở lại Nhật làm việc tại Viện nghiên cứu Sanwa rồi kết hôn.
Rất nhiều người tò mò, không biết Hoàng Soái có còn thù ghét người giáo viên năm xưa hay không? Sự thật khiến ai nấy đều bất ngờ. Hoàng Soái chẳng những không thù mà khi thi đại học xong, cô còn cùng các bạn đến thăm cô giáo.
Khi nhìn thấy Hoàng Soái, người giáo viên năm xưa đã rất hối hận. Cô giáo này thừa nhận năm đó mình còn trẻ nên có cách kỷ luật học sinh không đúng, đặc biệt là với vụ việc của Hoàng Soái. Thấy giáo viên hối lối, Hoàng Soái cũng bình thản mỉm cười.
Được biết năm 2017, Hoàng Soái qua đời vì bệnh. Những năm còn sống, Hoàng Soái vẫn giữ thói quen viết nhật ký, dù nó từng khiến gia đình cô gặp rắc rối trong quá khứ.