Ngày 07/01/1979, Thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia được giải phóng. Nhân dân Campuchia chào đón bộ đội Việt Nam tiến vào thủ đô. Sự có mặt của quân tình nguyện Việt Nam đã giải thoát cho dân tộc Campuchia thoát khỏi chế độ tàn ác, độc tài nhất trong lịch sử loài người. Đây không những là cuộc chiến tranh tự vệ, chính nghĩa của dân tộc Việt Nam mà còn là một cuộc chiến tranh thấm đượm tính nhân văn và tinh thần quốc tế vô sản cao cả.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV nhân kỷ niệm 45 năm Chiến tranh biên giới Tây Nam, GS-TS Võ Văn Sen, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Việt Nam có lý do chính đáng để đưa quân vào cứu giúp dân tộc Campuchia. Chính Pôn Pốt đã buộc Việt Nam không có lựa chọn nào khác.
Pôn Pốt giết hại 1/4 dân số Campuchia: Biến thái của phong trào nông dân cực tả?
PV: Thưa Giáo sư, nhớ lại những ngày tháng cách đây 45 năm trên đất nước Campuchia, chúng ta không khỏi bàng hoàng vì những tội ác ghê rợn, chống lại loài người của tập đoàn phản động Pôn Pốt. Có một điều hết sức kỳ lạ, Pôn Pốt lại đi tàn sát, giết hại chính đồng bào của mình. Vậy ông có thể lý giải vì sao mà chúng lại có hành động như vậy?
GSTS Võ Văn Sen: Đây là một câu hỏi tưởng dễ, nhưng lại rất khó. Sự thật Pôn Pốt đã làm như vậy trên đất nước Campuchia. Một điều hết sức kỳ lạ, trong lịch sử nhân loại rất ít khi xảy ra. Ví như chủ nghĩa phát xít tiêu diệt người Do Thái, hay những cuộc thanh tẩy chủng tộc trong lịch sử. Còn ở Campuchia là tự diệt chủng 2 triệu người, 1/4 dân số của mình. Cho nên đây vẫn là một điều để người ta tiếp tục nghiên cứu. Tôi thấy có nhiều luận án đang nghiên cứu vấn đề này ở Đại học Columbia.
PV: Với những gì đã được hé mở qua các công trình nghiên cứu, Giáo sư có thể cho biết về nguyên nhân dẫn đến những hành vi tội ác như vậy là gì?
GSTS Võ Văn Sen: Chúng ta có thể thấy bao trùm là tính chất tàn bạo, chưa từng có trong lịch sử. Trong điều kiện đang nghiên cứu như vậy, có thể nhận định, đó là một sự biến thái của phong trào nông dân cực tả, mà những người “trí thức” như Pôn Pốt - Iêng Xari đã học những tư tưởng phương Tây không đến nơi đến chốn rồi vận dụng vào phong trào nông dân, tạo nên một phong trào nông dân cực tả, với một tinh thần kỳ thị, tiến hành một xã hội nông nghiệp không gia đình, không trường học, không chợ búa, không thị trường… Đó là một một mô hình vô cùng quái dị trong lịch sử loài người.
PV: Vâng, Pôn Pốt không những giết hại chính đồng bào mình mà còn thực thi chính sách coi Việt Nam là kẻ thù số 1. Trên thực tế, Pôn Pốt đã nhiều lần tổ chức cho quân đội đánh chiếm, xâm lấn biên giới nước ta, giết hại đồng bào ta. Như vậy, chính Pôn Pốt đã buộc chúng ta không còn lựa chọn nào khác là phải chiến đấu để bảo vệ nhân dân, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, thưa Giáo sư?
GSTS Võ Văn Sen: Pôn Pốt xâm lấn biên giới, gây nên những tội ác, đương nhiên chúng ta phải đấu tranh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Thời điểm đó, vấn đề Campuchia là vấn đề hết sức quan trọng cho cách mạng Đông Dương và cách mạng Việt Nam. Cho nên chúng ta hết sức cẩn thận và hành động hết sức cân nhắc. Vì vậy, cuộc đấu tranh với những hành động của Pôn Pốt đi qua từng bước. Đầu tiên chúng ta dùng những biện pháp ngoại giao. Chúng ta chờ đợi để đối thoại. Và cuối cùng, khi không còn con đường nào khác chúng ta mới phải sử dụng đến cuộc phản công, tiến công để xóa bỏ chế độ Pôn Pốt.
PV: Tức là chúng ta có sự thận trọng, đã đàm phán, đã đối thoại, nhưng Pôn Pốt đã phớt lờ thiện chí đó, thưa Giáo sư?
GSTS Võ Văn Sen: Chúng ta đã hết sức thận trọng như vậy đấy. Chúng ta chỉ phản công mạnh khi Pôn Pốt huy động đến 10/19 sư đoàn ở biên giới Việt Nam. Chúng ta tiến hành đàm phán, tức là tiến hành biện pháp ngoại giao. Nhưng đến khi không thể đàm phán được nữa, chúng ta mới nổ súng. Khi đó họ huy động lực lượng tấn công biên giới Việt Nam rồi, chúng ta phải phản công. Còn trước đó, họ chỉ đánh một vài địa phương, chúng ta dùng biện pháp thương lượng và biện pháp ngoại giao để giải quyết. Chúng ta cho rằng, đó là những hành động khiêu khích của họ. Họ muốn làm như vậy để Việt Nam mở cuộc phản công lớn, tạo cớ cho các lực lượng quốc tế phản động lúc bấy giờ. Cho nên chúng ta hành động như vậy là rất khéo léo.
Chính Pôn Pốt đã buộc Việt Nam không có lựa chọn nào khác
PV: Giáo sư có suy nghĩ như thế nào về việc chúng ta quyết định đưa quân sang Campuchia?
GSTS Võ Văn Sen: Chúng ta quyết định đưa quân sang nước bạn khi không còn con đường nào khác. Đây là con đường sống còn đối với chúng ta. 10/19 sư đoàn của Pôn Pốt ở biên giới trên tổng số 23 sư đoàn tổng lực, người ta muốn chiếm cả Nam Bộ và muốn tiêu diệt cả đất nước chúng ta. Nếu chúng ta hành động chậm hơn thì cũng có thể mất nước. Tình hình hết sức nguy hiểm. Chúng ta đã tính toán từ lâu và cho đến khi họ hành động như vậy, chúng ta biết rằng, đây là thời điểm phải tổng phản công kẻ thù, chứ không còn con đường nào khác. Một là để bảo vệ vững chắc biên giới. Hai là cứu nhân dân Campuchia ra khỏi họa diệt chủng của Pôn Pốt. Thứ ba là đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận cứu nước Campuchia, thể hiện sự chính nghĩa, rõ ràng trong hành động của chúng ta.
PV: Như vậy là xét về cả tình và lý, chúng ta đã đúng khi hành động như vậy?
GSTS Võ Văn Sen: Đúng rồi, vì cả tình và lý. Vì tình là chúng ta không thể trông thấy chết mà không cứu. Dân tộc Campuchia đứng trước họa diệt chủng. Lực lượng cách mạng Campuchia vừa được hình thành. Nếu đứng lên cùng với quân đội Việt Nam thì họ còn nhỏ bé lắm. Tàn quân Pôn Pốt thì chúng ta chưa tiêu diệt hết. Mà nếu chúng ta rút ngay về nước lúc bấy giờ thì không cứu được nhân dân Campuchia. Một khi Pôn Pốt quay trở lại thì dân tộc Campuchia sẽ tiếp tục chịu nạn diệt chủng như trước, có thể còn tàn bạo hơn nữa.
PV: Rõ ràng, đứng về lẽ phải, lựa chọn chính nghĩa cũng là tư tưởng xuyên suốt của Việt Nam trong việc giải quyết các mối quan hệ quốc tế hiện nay?
GSTS Võ Văn Sen: Chúng ta không chọn phe, chúng ta chỉ chọn chính nghĩa. Cái đó không phải đợi tới bây giờ mà Việt Nam đã tiến hành ngay cả khi Liên Xô, Trung Quốc bất hòa với nhau. Chúng ta không chọn đứng về phía nào. Chúng ta có chính nghĩa chống Mỹ cứu nước, chúng ta không chọn phe nào. Bài học đó cũng là từ tư tưởng Hồ Chí Minh mà thôi. Đây là một bài học rất lớn để chúng ta vận dụng giải quyết những vấn đề hôm nay và tương lai. Đó là một trong những hạt ngọc của tư tưởng Hồ Chí Minh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư.