Độc quyền dẫn đến chênh lệch rất lớn về giá vàng
Sáng 25/1, tại tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững", ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nói rằng, theo thông lệ quốc tế, người ta coi vàng là một loại hàng hóa, và quy định có 2 loại vàng là vàng vật chất và vàng phi vật chất.
"Vàng vật chất bao gồm vàng thỏi, vàng miếng, đồng tiền vàng, trang sức. Còn vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch rất thông dụng trên thị trường", ông Hùng cho hay.
Trong Nghị định 24/2012 chỉ đề cập đến vàng vật chất, đặc biệt vàng miếng được chọn là thương hiệu quốc gia và được Nhà nước độc quyền sản xuất và kinh doanh.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam
Trên thế giới, kể cả các nền kinh tế lớn, các ngân hàng Trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường.
Các ngân hàng Trung ương ở các nước chỉ có vai trò dự trữ quốc gia, điều phối vàng như một công cụ để bảo đảm an ninh tiền tệ. Như vậy, ngân hàng Trung ương ở các nước không trực tiếp quản lý vàng.
Chính vì thế, vai trò của ngân hàng Trung ương trong phát huy rất tốt trong thời điểm mà thị trường vàng lộn xộn.
"Nếu hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì việc độc quyền sẽ dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng. Tại Việt Nam, người dân coi vàng như là một phương tiện để tích trữ và phòng ngừa lạm phát, rủi ro. Nhưng chúng ta cũng thấy, đến bây giờ, giá trị đồng tiền Việt Nam rất ổn định, tỉ giá cũng rất ổn định", ông Hùng nói.
Chính vì thế người dân không dùng vàng để làm phương tiện thanh toán và không có khái niệm "vàng hóa". Trên thị trường, người dân cũng không còn sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.
Vì vậy, theo chuyên gia, nếu không khuyến khích người dân tích trữ vàng miếng nữa, theo chủ trương của Nhà nước là tập trung vào sản xuất trang sức để tăng giá trị thặng dư, tập trung vốn vào sản xuất và xuất nhập khẩu, thì phải xem xét lại cách thức quản lý thị trường vàng hiện nay.
"Nếu chúng ta quan niệm giống như các nước trên thế giới, vàng là một loại hàng hóa thì Ngân hàng Nhà nước không quản lý trực tiếp thị trường vàng nữa", ông Hùng nhận định.
Có nhất thiết phải độc quyền vàng miếng?
Đồng quan điểm, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời năm 2012. Thời điểm đó, vàng đang được coi như một phương tiện thanh toán, gần như là tiêu dùng vàng thay cho tiền; hầu như những quan hệ gì giá trị lớn là quy thành vàng.
Tuy nhiên, theo ông Cường, đến nay, tình hình đã thay đổi rất nhiều về kinh tế vĩ mô, về quan hệ tài chính, tiền tệ, quan hệ quốc tế… Nghị định 24 quy định rất chặt chẽ rằng Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Ông Cường cho rằng, thực tế những năm qua, tâm lý của người dân với mong muốn tích trữ vàng để đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro. SJC được xác định là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên người dân tích lũy sẽ chọn vàng tin cậy nhất.
"Tích lũy bao giờ cũng đảm bảo an toàn nhất nên người ta đều mong muốn mua, tích lũy, sở hữu vàng SJC. Trong khi cung không có mà cầu có thực thì đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu và giá vàng sẽ tăng", ông Hoàng Văn Cường nói.
GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội
Ông Cường cho rằng, việc Việt Nam không cân bằng được giữa thị trường vàng trong nước và thế giới dẫn đến tình trạng thế giới có thể tăng một chút thì trong nước tăng rất cao. "Điều này là rất phi lý. Khi có tình trạng không liên thông dẫn đến tăng mạnh như vậy, hậu quả xảy ra sẽ rất lớn", ông nói.
Chênh lệch giá vàng lớn có thể khiến những người có nhu cầu sở hữu vàng, cất trữ vàng sẽ bị thiệt hại, phải mua vàng với một cái giá rất cao. Khi giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch nhiều đến như thế sẽ sinh lợi cho việc nhập lậu, buôn lậu vàng.
Ông cho rằng, trong tình hình hiện nay, rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý thay đổi, sửa đổi quy định Nghị định số 24.
"Chẳng hạn, bây giờ không nhất thiết phải độc quyền nhà nước về một thương hiệu vàng. Có lẽ vàng là một hàng hóa khá thông thường, mọi người đều có thể sử dụng và Nhà nước quản lý mặt hàng này rất dễ, không nhất thiết phải độc quyền. Tôi cho rằng phải xem lại xem có nhất thiết phải độc quyền hay không", ông Cường nêu quan điểm.
Ngoài ra, Nhà nước có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm nữa.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng đề xuất mở thêm các hình thức kinh doanh vàng qua tài khoản thì khi đó sẽ không bị lệ thuộc quá vào việc nhập khẩu và có thể sử dụng các công cụ như công cụ phái sinh sẽ cân đối được ngay cung cầu.
Theo chuyên gia, khi chúng ta giao dịch vàng trên tài khoản thì người dân không nhất thiết phải mang vàng về nhà, không phải mất công cất trữ, vàng đó được lưu thông ở trên thị trường. Qua đó, sẽ tạo ra sinh lợi, tạo nguồn vốn đưa vào lưu thông, mang lại nhiều tác động tốt cho nền kinh tế cũng như đảm bảo lợi ích của mỗi người dân.
Sở giao dịch hàng hóa cần được giao dịch mặt hàng vàng
Góp ý về hướng sửa đổi Nghị định số 24, TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng phải thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng.
Theo đó, cơ quan điều hành phải nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển làm sao cho thị trường vàng phải là bộ phận hữu cơ của thị trường tài chính. Gắn bó chặt chẽ với thị trường hàng hóa và theo định hướng nền kinh tế của chúng ta phải là nền kinh tế thị trường và mang tính hội nhập,
"Thị trường vàng cũng phải hội nhập và liên thông với thị trường thế giới, không thể tách rời mà phải làm sao cho thị trường vàng là bộ phận hữu cơ, bộ phận cấu thành rất quan trọng của thị trường tài chính, đóng góp vào nguồn lực và phát triển kinh tế nói chung của đất nước", ông Đạt nhận mạnh.
Theo TS. Trần Thọ Đạt, một khối lượng vàng rất lớn đang "nằm chết" trong dân
Theo ông Đạt, việc người dân tích trữ vàng không chỉ đơn thuần là phương tiện đầu tư mà là phương tiện trú ẩn, người ta muốn giữ vàng để đề phòng bất trắc, rủi ro, do vậy một khối lượng vàng rất lớn đang "nằm chết" trong dân.
"Chúng ta đã ước tính có khoảng 400 tấn vàng vẫn nằm trong két của người dân. Con số lớn cần huy động thành nguồn lực tài chính trong sự phát triển kinh tế - xã hội", ông Đạt khuyến nghị.
Nhưng để huy động được nguồn lực này và xây dựng được thị trường vàng trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với thị trường vàng mà chúng ta đề xuất là Sở giao dịch vàng.
"Thời gian tới, cần sớm tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước để cho phép Sở Giao dịch Hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua các loại hợp đồng, như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới nhưng đồng thời các thành viên tham gia phải đáp ứng được tiêu chuẩn chặt chẽ và được phép xuất nhập khẩu vàng căn cứ vào các điều kiện hợp đồng...", TS. Trần Thọ Đạt Đạt nêu quan điểm.