Từ phải sang trái GS Phạm Gia Khải, PGS Đỗ Văn Dũng, PGS Nguyễn Huy Nga.
Trên VnExpress mới đây có đăng tải thông tin, tại TP HCM chỉ tính riêng trong quý I năm 2022 đã có 400 nhân viên bệnh viện công và các trạm y tế của thành phố nghỉ việc - bằng tổng số người nghỉ việc trung bình mỗi năm - trước đại dịch. Năm 2021, ngành y tế thành phố có số người nghỉ việc tăng đột biến là 1.154.
Đã có rất nhiều quan điểm trái chiều liên quan việc nhân viên y tế từ bệnh viện công sang y tế tư nhân. Nhiều người cho rằng đây là sự "chảy máu chất xám" tại bệnh viện công. Một quan điểm khác lại cho rằng sự ra đi khỏi bệnh viện công là một điều tất yếu.
Để giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia trong lĩnh vực y tế.
"Chảy máu chất xám" hay "giảm uy tín bệnh viện"?
GS Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam chia sẻ quan điểm: "Trước đây, chỉ có nhân viên y tế đã về hưu mới ra bệnh viện tư làm. Nhưng hiện nay rất nhiều nhân viên y tế còn trẻ đã chuyển ra bệnh viện tư làm.
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do lương của nhân viên y tế quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Một lý do khác mà tôi biết ở một số nơi, nhân viên y tế không hài lòng với cách đối xử chưa tốt của bệnh viện nên họ muốn rời đi".
GS Phạm Gia Khải.
Cũng theo GS Khải thì việc nhân viên y tế rời từ bệnh viện công sang tư không phải là "chảy máu chất xám" và bệnh nhân cũng không thiệt thòi.
"Cái mất lớn nhất của bệnh viện công khi quá nhiều nhân viên y tế ra đi chính là uy tín của bệnh viện. Đối với một bệnh viện, mất đi uy tín còn lớn hơn rất nhiều so với việc mất con người.
Để giúp cho sự nghiệp y tế công phát triển phải có cơ chế, quy định rất rõ ràng trong việc đấu thầu trang thiết bị, quy định như thế nào là đội giá, thế nào là không đội giá…", GS Khải phân tích.
Bác sĩ ở đâu vẫn đóng góp cho sức khoẻ người dân
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng (ĐH Y Dược TP HCM), cho rằng: "Theo quan điểm cá nhân tôi thì nhân viên y tế làm việc ở đâu vẫn đóng góp cho sức khoẻ người dân. Tuy nhiên, việc dịch chuyển của nhân viên y tế từ hệ thống công sang tư nhân báo hiệu 2 việc:
Thứ nhất, đang có vấn đề ở hệ thống y tế công. Sự chuyển dịch luôn xảy ra nhưng khi quá nhiều là đang có vấn đề về hệ thống y tế.
Thứ hai, sự chuyển dịch từ công sang tư, thậm chí từ bệnh viện công này sang bệnh công kia ở khía cạnh nào đi chăng nữa cũng gây ra sự tổn hại và đứt đoạn trong việc cung ứng dịch vụ y tế. Ví dụ, một nhân viên y tế từ bệnh viện A qua bệnh viện B thì cũng sẽ có thời gian làm quen và huấn luyện lại. Còn bệnh viện A cũng phải chuẩn bị nhân lực thay thế. Như vậy, sự chăm sóc bệnh nhân không còn liên tục và có sự thiếu hụt".
PGS.TS Đỗ Văn Dũng.
Khi được phóng viên hỏi về việc chuyển dịch từ y tế công sang tư với số lượng nhiều, người khám chữa bệnh tại bệnh viện công có thiệt thòi hay không, PGS Dũng cho biết: "Nếu đa số người dân có tiền thì họ vẫn sẵn sàng đi khám bệnh tại bệnh viện tư để hưởng dịch vụ tốt. Còn đối với bệnh viện công, nếu ít bệnh nhân thì chắc chắn chất lượng chăm sóc sẽ tốt hơn để giữ chân được người bệnh.
Việc nhân viên y tế bỏ bệnh viện công ra làm bệnh viện tư chứng tỏ hệ thống bệnh viện công đang có vấn đề. Sự biến động về nhân sự nhiều chính là một dấu hiệu không tốt. Ở một cơ quan, nếu người nghỉ việc quá nhiều rồi nhiều người vào, thay đổi nhân sự liên tục sẽ là sự bất ổn.
Hiện nay, có một thực trạng tôi biết là nhiều bệnh viện thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị… để khám chữa cho người bệnh. Nhân viên y tế không có thu nhập tốt dẫn tới tâm lý chán, không có tương lai, họ bỏ việc là điều là tất yếu".
Cần một cuộc cải tổ, đổi mới ngành y tế
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ: "Xu hướng dịch chuyển giữa các lĩnh vực lao động từ công lập sang tư nhân là hết sức bình thường. Tuy nhiên, riêng với ngành y có đặc thù hơn so với các ngành khác. Do vậy, khi hàng loạt các trường hợp nhân viên y tế chuyển từ hệ thống công lập sang tư nhân sẽ khiến nhiều người cảm thấy hơi "lạ".
Khi nhìn nhận sâu xa của vấn đề tôi thấy lý do chuyển việc của nhân viên y tế thường liên quan tới điều kiện làm việc không còn đáp ứng với mong muốn của họ. Chế độ đãi ngộ phải tương xứng với trình độ tay nghề. Môi trường làm việc như sự an toàn, bầu không khí đoàn kết, quan tâm của đồng nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga.
Cũng có những trường hợp ra đi do yếu tố tâm lý như kiểu tác động dây chuyền, một người đi thì những người khác cũng dao động và tìm cách ra đi. Hoặc có đôi khi các đơn vị khác đang đưa ra những lời mời chào hấp dẫn để lôi kéo họ.
Đặc biệt, sau vụ dịch Covid-19 vừa qua, nhân viên y tế phải căng sức làm việc quá vất vả nhưng họ cho rằng đãi ngộ không tương xứng, thậm chí đến nay có nhiều nơi vẫn chưa nhận được tiền trực chống dịch. Bên cạnh đó, áp lực gia đình, nhu cầu tài chính cũng là yếu tố khiến nhân viên y tế bỏ bệnh viện công lập.
Theo xu hướng phát triển sau này thì bệnh viện công cũng cần phải thay đổi dần chuyển sang mô hình hợp tác công tư thì y tế mới phát triển được. Nên có thí điểm việc đấu thầu chọn đơn vị quản lý tài chính bệnh viện, bác sĩ chỉ làm chuyên môn chứ không kiêm nhiệm quản lý tài chính.
Trong một bệnh viện có cả giám đốc chuyên môn lẫn giám đốc tài chính. Mô hình công ty tư nhân là các doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận tham gia quản lý bệnh viện công cũng có ở nhiều nước.
Ví dụ, nhiều bệnh viện đã cho đấu thầu hoạt động giặt là, thuê công ty bảo vệ, công ty làm vệ sinh, dịch vụ ăn uống… vì sao không thuê công ty quản lý về tài chính để minh bạch.
Dẫu biết rằng bác sĩ làm việc ở bệnh viện công hay tư đều là phục vụ nhân dân, tuy nhiên, sự việc nhiều bác sĩ "bỏ" bệnh viện công ra bệnh viện tư nhân làm ít nhiều cũng ảnh hưởng tới người bệnh. Đặc biệt, nếu người ra đi ở vị trí quan trọng, chuyên khoa khó đào tạo, đào tạo mất thời gian sẽ xảy ra hiện tượng thiếu hụt nhân lực. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, đang khám bác sĩ quen tại bệnh viện, nếu người đó rời đi ít nhiều tâm lý của họ cũng có sự ảnh hưởng.
Sự việc nhân viên y tế rời đi khỏi bệnh viện công thúc giục chúng ta cần phải xem xét cải tổ, đổi mới ngành y tế, đặc biệt các vấn đề pháp lý, quy chế, luật định để các bệnh viện có thể hoạt động tốt hơn, chất lượng cao hơn và thu nhập của nhân viên tốt hơn. Không một ai công việc đang ổn định, thu nhập tốt lại rời đi cả. Để y tế công phát triển thì cần phải có mức lương xứng đáng.
Theo xu hướng của các nước tiên tiến trên thế giới thì bác sĩ không thuộc biên chế cố định của một bệnh viện công hoặc tư. Bác sĩ thường hoạt động độc lập, có phòng khám riêng giống như luật sư có văn phòng luật. Họ có hợp đồng với nhiều bệnh viện, thực hiện các việc như tham gia phẫu thuật, khám chữa bệnh trên cơ sở thỏa thuận đôi bên hoặc do yêu cầu của người bệnh. Hiện nay nhiều bệnh viện tư ở Việt Nam cũng hoạt động theo cơ chế đó".