Trường hợp bệnh nhân đái tháo đường bị đoạn chi.
Mới 40 tuổi phải đoạn chi để còn cơ hội sống
Theo Cục khám Chữa bệnh (Bộ Y tế), vào năm 2015 đã có 3,5 triệu người Việt Nam mắc bệnh đái tháo đường (tính toán theo báo cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới - IDF Diabetes Atlas), và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040.
Theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người bị tăng đường huyết chưa được phát hiện, chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế. Hiện nay, không ít bệnh nhân đái tháo đường gặp biến chứng, tới viện mới phát hiện ra bệnh.
Bệnh nhân Phạm Thị Q (40 tuổi,Quảng Ninh) làm nghề đánh bắt cá trên biển được chuyển tuyến tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng nhiễm trùng bàn cẳng chân lan rộng do biến chứng của đái tháo đường.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng cẳng bàn chân trái loét diện rộng, sưng nề tấy đỏ, dịch thấm băng nhiều kèm mùi hôi thối do hoại tử, sốt trên 38 độ C, có những cơn rét run.
Tình trạng của bệnh nhân diễn biến nhanh và xấu, vết loét hoại tử lan rộng lên trên đùi và một phần bộ phận sinh dục, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm độc, viêm phổi, suy tim, suy kiệt cơ thể, biến chứng thần kinh ngoại vi, rối loạn chuyển hóa lipid.
Để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cấp cứu cắt tháo chi trái.
Bệnh nhân bị đoạn chi.
ThS.BS. Nguyễn Ngọc Thiện – Phó khoa Chăm sóc bàn chân, bác sĩ điều trị và phẫu thuật trực tiếp cho bệnh nhân nhận định bệnh nhân Q nằm trong trường hợp viêm hoại tử cân mạc cẳng chân lan rộng. Để cứu tính mạng, cần phải cắt bỏ chi của người bệnh.
Với tình trạng trên, phần lớn phải chỉ định cắt cụt đùi. Tuy nhiên do bệnh nhân còn trẻ, với mong muốn giữ tối đa chiều dài của chi cắt cụt để sau phẫu thuật có thể sử dụng chân giả cho bệnh nhân sinh hoạt, lao động và hòa nhập cộng đồng, kíp phẫu thuật đã thảo luận chi tiết trước khi tiến hành quyết định cắt cụt 1/3 cẳng chân cho bệnh nhân.
Sau phẫu thuật cắt cụt cẳng chân, các bác sĩ vẫn phải tiến hành các thủ thuật khác để loại bỏ phần hoại tử ở đùi, khoeo,... Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực (kháng sinh thích hợp, kiểm soát đường huyết, truyền máu, bổ sung dinh dưỡng,…).
Ngoài ra, bệnh nhân còn được xử trí bơm hút rửa phần hoại tử đùi và mỏm cụt thường xuyên. Khu vực viêm loét ở đùi, khoeo, mỏm cụt được đặt máy hút áp lực âm liên tục nhằm giúp loại bỏ dịch tiết, giảm phù nề, cải thiện cung cấp máu đến mô và thúc đẩy quá trình liền vết thương.
Sau gần 2 tháng theo dõi, điều trị tích cực, bệnh nhân Q đã phục hồi thể trạng, vết thương tại khu vực phẫu thuật đã liền, ăn uống sinh hoạt bình thường và được xuất viện. Trong thời gian tới, bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị để kiểm soát đường huyết và tiến hành tập phục hồi chức năng, lắp chân giả để tái hòa nhập cộng đồng.
Theo bác sĩ Thiện, biến chứng bàn chân do đái tháo đường để lại hậu quả vô cùng nặng nề đối với người bệnh và xã hội. Cắt cụt chi là biện pháp cuối cùng để ngăn vùng hoại tử ở chân mở rộng, nhằm đảm bảo tính mạng cho người bệnh. Các vùng hoại tử này thường bắt nguồn từ các vết loét, nhiễm trùng bàn chân hoặc tắc mạch chân nhưng không được điều trị kịp thời.
Bệnh nhân Q được chẩn đoán hoại tử rất nặng ở bàn chân trái, do vậy bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật để ngăn chặn các hiện tượng loét, nhiễm trùng lan rộng.
Người có nguy cơ cao mắc đái tháo đường
Theo các chuyên gia, đái tháo đường hiện nay đã trở thành căn bệnh khá phổ biến trên toàn thế giới và tại Việt Nam. Bệnh có tốc độ phát triển rất nhanh do thói quen ăn uống, lối sống hiện đại gây ra. Một số yếu tố nguy cơ kết hợp gây đái tháo đường type 2, bao gồm:
- Tiền sử gia đình có đái tháo đường
- Tiền sử đái tháo đường thai kỳ
- Tuổi cao
- Chế độ ăn uống không lành mạnh
- Chế độ dinh dưỡng kém trong thời kỳ mang thai
- Hạn chế hoạt động thể lực
- Thừa cân
- Tăng huyết áp
- Rối loạn dung nạp glucose (IGT): là tình trạng đường huyết cao hơn bình thường, nhưng dưới ngưỡng chẩn đoán đái tháo đường.
Những thay đổi về chế độ ăn uống và hoạt động thể lực liên quan đến sự phát triển nhanh chóng và đô thị hóa đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ số người mắc đái tháo đường.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai có thừa cân, đã được chẩn đoán rối loạn dung nạp glucose, hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường, đều có nguy cơ cao phát triển đái tháo đường thai kỳ (GDM). Ngoài ra, những người trước đây đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ gia tăng phát triển đái tháo đường thai kỳ.
Để phòng ngừa đái tháo đường, người dân cần có một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng các nhóm dưỡng chất, kiểm soát cân nặng, khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát đường huyết… Bên cạnh đó, cần phải thay đổi lối sống, tăng cường vận động thể chất.
Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới đã tổng hợp các bằng chứng về loại thực phẩm có thể gây ra đái tháo đường type2 và đã đưa ra 9 khuyến nghị về chế độ ăn uống lành mạnh cho mọi người nói chung, đó là:
1. Chọn nước, cà phê hoặc trà thay vì chọn nước ép trái cây có đường, nước ngọt, hoặc đồ uống có đường khác.
2. Ăn ít nhất 3 suất rau mỗi ngày, kể cả rau xanh lá.
3. Ăn tối đa 3 suất trái cây tươi mỗi ngày.
4. Chọn một miếng trái cây tươi, hoặc sữa chua không đường cho bữa ăn nhẹ.
5. Hạn chế đồ uống có cồn
6. Chọn thịt nạc trắng, thịt gia cầm hoặc hải sản, thay vì thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn.
7. Chọn bơ đậu phộng thay vì sô cô la hoặc mứt.
8. Nên sử dụng bánh mì, gạo hoặc mì ống nguyên cám.
9. Chọn chất béo không no (dầu ô liu, dầu canola, dầu ngô, hoặc dầu hướng dương) thay vì chất béo bão hòa (bơ, chất béo động vật, dầu dừa hoặc dầu cọ).