40 năm gắn bó của cặp vợ chồng mù mỗi ngày dò dẫm làm chổi rồi dìu nhau ra đường đứng bán

Nguyễn Ngoan |

Bị khiếm thị bẩm sinh, ông Thụ và bà Mai phải lòng nhau rồi trở thành vợ chồng. Hàng chục năm nay, ông bà hàng ngày làm chổi dò dẫm từng bước mang ra đường đứng bán.

14h chiều thứ ba, trong căn nhà nhỏ rộng chừng 40 m2 ở ngõ 35 phố An Dương (Tây Hồ, Hà Nội), ông Bùi Doãn Thụ (71 tuổi) và vợ là bà Trịnh Thị Mai (69 tuổi) đang tất bật làm cho xong mẻ chổi chít để ra chợ bán.

Trong khi bà Mai vò hoa, đóng chổi vào túi, ông Thụ tay khỏe hơn đang buộc lại cán bằng những sợi thép.

Gần giờ đi làm, người vợ mò mẫm từng bước chân lên lầu lấy cho chồng chiếc áo sơ mi mặc đi bán hàng. Lúc này ông Thụ tay lần theo bức tường đi lại nơi đặt gánh hàng trong góc nhà, móc lên những cây chổi vừa làm chuẩn bị ra chợ gần nhà để bán.

40 năm gắn bó của cặp vợ chồng mù mỗi ngày dò dẫm làm chổi rồi dìu nhau ra đường đứng bán - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Thụ cần mẫn làm chổi

Đồng hồ điểm 15h là lúc bà Mai tiễn người chồng khiếm thị của mình ra chợ. Cụ ông 71 tuổi mò mẫm từng bậc thềm, tìm đôi dép lê đã cũ đi vào chân, cây gậy dò đường rung lên từng hồi từ chiếc chuông nhỏ. Men theo bức tường gần 40 năm nay ông bám dựa đi ra đầu ngõ, tiến về khu chợ mà chiều nào ông cũng đứng bán chổi.

Từ nhà đi ra chợ khoảng 500 m, với người thường chỉ mất 5 phút đi bộ, nhưng mắt không nhìn được nên ông Thụ đi mất gần 20 phút mới tới nơi.

"Đi 40 năm nay rồi, từng góc đường, chỗ nào sang đường, chỗ nào rẽ tôi đều nhớ hết, nhưng mắt không thấy, khám dám đi nhanh, sợ va vào người khác", ông Thụ chia sẻ.

40 năm gắn bó của cặp vợ chồng mù mỗi ngày dò dẫm làm chổi rồi dìu nhau ra đường đứng bán - Ảnh 2.

Ông Thụ lên đường ra chợ bán chổi.

Ông Thụ bán giá 50 nghìn một chiếc chổi chít. Ông Thụ cho biết chổi ông bán giá có cao hơn ngoài chợ một chút bởi lẽ người ta thường bán chổi thô, hoa còn nhiều, quét nhà hay bị bẩn. Trong khi chổi của ông đã được phơi khô, vò hết hoa, buộc lại từ thân cho đến cán bằng dây thép, vô cùng chắc chắn.

Chuyện tình của cặp vợ chồng mù

Tiễn chồng đi làm, người vợ mù lại mò mẫm vò hoa chổi, chờ chồng về buộc cán cho kịp đơn hàng tối con gái đi giao. Bà Mai kể, hai ông bà vốn sinh ra là người khiến thị, gặp nhau khi cùng tham gia hội người mù Hà Nội.

Bà bị thu hút bởi giọng nói nhẹ nhàng, trầm ấm của ông, trong khi ông Thụ cảm mến người con gái luôn biết cách hỏi han, chăm sóc người khác. Hai người từ đấy nảy sinh tình cảm rồi yêu nhau. Tuy nhiên khi đưa người yêu về ra mắt, ông Thụ gặp phải sự phản đối kịch liệt từ người nhà.

40 năm gắn bó của cặp vợ chồng mù mỗi ngày dò dẫm làm chổi rồi dìu nhau ra đường đứng bán - Ảnh 3.

Cặp vợ chồng đã sống với nhau gần 40 năm.

"Hồi đấy ông bà nói mình không nhìn thấy gì rồi, giờ lấy một người cũng không thấy gì thì khổ cả đời, rồi lấy gì mà ăn", ông Thụ nhớ lại mình đã rất vất vả để thuyết phục bố mẹ.

Chàng trai trẻ năm ấy nói với bố mẹ rằng anh yêu cô gái tên Mai, bản thân là người mù, nếu lấy một cô vợ mắt sáng liệu họ có thương cho hoàn cảnh của mình, hay rồi lại sợ vất vả mà bỏ đi.

"Người cùng cảnh ngộ thì lúc nào cũng sẽ hiểu cho nhau hơn", ông Thụ nói với bố mẹ và hứa rằng lấy bà Mai sau này sướng khổ gì ông sẽ chịu hết. Dưới sự thuyết phục của con trai, bố mẹ ông Thị cũng đồng ý.

Bà Mai khi thông báo với gia đình về người yêu tuy không bị phản đối nhưng bố mẹ bà cũng có nhiều lo lắng. Nhưng sau cùng vì hạnh phúc của con cái, hai bên gia đình cũng gặp nhau, nói chuyện rồi tiến đến hôn nhân.

Cụ bà 69 tuổi nhớ lại hồi đấy khi ông Thụ đến rước dâu, bà mặc bộ quần áo đẹp nhất của mình là một chiếc áo sơ mi trắng và một chiếc quần đen. Bà được rước về nhà bằng xe buýt, chứ chẳng có xe hoa như bây giờ

40 năm gắn bó của cặp vợ chồng mù mỗi ngày dò dẫm làm chổi rồi dìu nhau ra đường đứng bán - Ảnh 4.

Chiếc nhẫn cưới bằng bạc được chương trình tặng ngày nào bà cũng đeo.

"Hồi đấy với mình thế là đủ đầy", người đàn bà mù cười nhớ lại.

Hai năm trước, khi quận Tây Hồ có chương trình đám cưới cho nhưng cặp đôi khuyết tật, sau 38 năm lấy chồng, bà Mai lần đầu được mặc váy cưới, đeo nhẫn, cắt bánh kem.

Đưa tay khoe chiếc nhẫn cưới bằng bạc được tặng khi tổ chức đám cưới tập thể, bà Mai có phần e thẹn kể vợ chồng bà còn được chụp ảnh cưới. Tấm ảnh cưới được treo ngay ngắn trong phòng, tuy không nhìn rõ xấu đẹp thế nào nhưng bà vẫn rất vui, có phần hạnh phúc như cô dâu lần đầu về nhà chồng.

Lấy nhau về ít lâu thì ông bà sinh được một người con gái mắt cũng kém nên cũng được hai bên gia đình đỡ đần nhiều. Con gái sau đó lớn lên rồi lấy chồng, ở hẳn với 2 ông bà để tiện bề chăm nom.

40 năm gắn bó của cặp vợ chồng mù mỗi ngày dò dẫm làm chổi rồi dìu nhau ra đường đứng bán - Ảnh 5.

Tấm ảnh cưới muộn của ông bà.

Gắn bó với nghề bán chổi mưu sinh

Những năm đầu sau khi lấy nhau, vợ chồng bà Mai vẫn làm việc bên hội người mù. Sau này để có thêm thu nhập, ông Thụ nghỉ về làm chổi rồi đẩy xe đi bán khắp các phố. Bà Mai làm cán bộ tại Hội đến năm 2011 thì nghỉ về đi bán cùng chồng.

Ông cụ 71 tuổi cho biết trước đây mắt ông còn nhìn thấy mờ mờ, ông đẩy xe đi bán khắp khu Hoàn Kiếm, Ba Đình, chổi chít của ông có thương hiệu, nhiều người mua thích.

Khoảng 10 năm trở lại đây mắt ông mất hẳn ánh sáng, sức khỏe cũng yếu dần nên ông chuyển về mạn Hồ Tây để bán. Hàng ngày cứ 8h sáng, ông gánh hàng ra khu vực đầu đường Yên Phụ, chiều đến thì về khu chợ An Dương gần nhà.

"Sáng 8h tôi đi đến 11h về ăn trưa, chiều 3h đứng đến 6h thì về". ông Thụ cho biết.

40 năm gắn bó của cặp vợ chồng mù mỗi ngày dò dẫm làm chổi rồi dìu nhau ra đường đứng bán - Ảnh 6.

Đoạn đường ra chợ dài gần 500m, ông dò dẫm từng bước để đi.

40 năm gắn bó của cặp vợ chồng mù mỗi ngày dò dẫm làm chổi rồi dìu nhau ra đường đứng bán - Ảnh 7.

Sáng ông ở bán ở đầu đường Yên Phụ, chiều đến về bán tại chợ An Dương gần nhà.

Bà Mai hồi đầu nghỉ ở Hội người mù cũng về cùng chồng đi bán hàng, tuy nhiên có lần mắt không thấy bước thụt xuống cống làm chân đau mất mấy tuần. Lần khác khi đi đường vì người đi taxi nghĩ bà nhìn thấy nên không tránh đâm phải người bà làm gãy tay. Từ đấy, bà sợ nên nghỉ ở nhà giúp chỗ làm chổi còn để mình chồng đi bán.

"Tôi sợ mình đã mù rồi, giờ mà què nữa thì khổ chồng, khổ con lắm", người đàn bà 69 tuổi thở dài nói.

Không muốn ỉ lại con cái, nên dù ở tuổi đáng ra nên nghỉ ngơi để con cháu phụng dưỡng, hai vợ chồng ông bà vẫn mệt mài làm việc. Ngoài những ngày đi bán hàng, ngày mưa nghỉ ở nhà ông bà cũng không nghỉ ngơi, tay chân liên tục vò hoa chổi, bó chổi cho lần bán hàng tới.

Nhiều lần con gái bảo ông bà nghỉ ngơi, nhưng thương con công việc đồng lương ít ỏi, lại phải nuôi hai con nhỏ ăn học, cặp vợ chồng mù vẫn cố để phụ con đồng ra đồng vào.

Ông Thụ kể mấy ngày gần đây chổi bán được nhiều hơn nhờ có lần đứng bán chổi ngoài đường thì gặp được bạn của con gái chụp ảnh đăng Facebook. Từ hôm đấy có thêm người đến mua hàng ủng hộ, cũng có người đặt hàng qua bạn của con, ông bà làm rồi bảo con gái ship đến nên có thêm thu nhập.

"Trước đây đi bán cả ngày, hôm nào được thì bán 5, 7 cái, có hôm đi rồi về không, không được nghìn nào", ông Thụ cho hay.

40 năm gắn bó của cặp vợ chồng mù mỗi ngày dò dẫm làm chổi rồi dìu nhau ra đường đứng bán - Ảnh 8.

Mỗi chiếc chổi ông Thụ bán 50 nghìn đồng.

Không chỉ cùng chồng làm chổi, bà Mai vẫn phụ trách công việc nội trợ trong nhà. Tuy mắt không còn nhìn thấy nhưng làm nhiều thành quen nên bà thành tạo phụ con nấu cơm, luộc rau.

Chị Bùi Thị Thủy - con gái cặp vợ chồng cho biết: "Ông bà vui nên mình để ông bà làm, vừa cho bố mẹ có thêm thu nhập, lại không bị buồn khi suốt ngày ở trong nhà, mắt đã không nhìn thấy, nếu ngồi một chỗ ông bà sẽ rất buồn".

Ông Hoàng Xuân Sáng – Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho hay vợ chồng ông Bùi Doãn Thụ và bà Trịnh Thị Mai hiện sinh sống trên địa bàn phố An Dương, phường Yên Phụ. Hai ông bà bị khiếm thị bẩm sinh, đang hưởng chế độ 1.450.000 đồng/ người/ tháng.

"Hai cụ có một cô con gái, hiện sống cùng nhau. Hàng ngày hai vợ chồng ông bà có bán chổi để kiếm thêm thu nhập ở khu vực chợ An Dương", ông Sáng cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại