img
40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Nỗi đau dai dẳng ở mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 1.

Bồn Văn Hòn, người dân tộc Dao bị cụt hai chân do dẫm phải mìn còn sót lại sau chiến tranh - trong một lần vào rừng phát nương trồng bắp. Ngày bị nạn, người dân bản Nâm Ngặt đưa ông xuống Trạm y tế xã sơ cứu rồi chuyển về Bệnh viện tỉnh Hà Giang - cách đó hơn 20 km.

Hòn vừa bước sang tuổi 50 nhưng mái tóc đã bạc nhiều, đôi chân một bên cụt gần nửa đùi, bên còn lại đến khuỷu gối. Ông được Nhà nước hỗ trợ kinh phí lắp chiếc chân giả, còn cặp nạng bằng gỗ - Hòn tự tay đẽo. 20 năm kể từ ngày mất đôi chân, ông đã thay đến ba cặp nạng.

40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Nỗi đau dai dẳng ở mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 2.

Một góc bản Nậm Ngặt - cách TP Hà Giang hơn 20km về hướng Tây.

Trong trí nhớ của Hòn, những dải núi bao quanh bản Nậm Ngặt khi chưa có đạn pháo cày xới toàn một màu xanh ngắt. Thời còn trẻ, cứ sáng sớm Hòn cùng đám trẻ trong bản lùa đàn trâu vào núi hái măng rừng, chiều tối lại lùa về. Cả bản khi ấy có hơn 100 hộ dân, gấp đôi bây giờ.

9 giờ sáng 2/4/1984, quân đội Trung Quốc từ phía bên kia đường biên nã pháo dồn dập xuống bản. Hòn cùng cha mẹ địu các em chạy về phía hang Làng Lò - cách nhà hơn 1 km lánh nạn. 

Những ngày sau pháo vẫn nổ liên tục, dân Nậm Ngặt thả gia súc, đuổi vào rừng sâu. Ban ngày họ cùng nhau nấp dưới hầm, đêm đến mới ra ngoài.

Cuối tháng 4/1984, địch chiếm được cao điểm ở Thanh Thủy, cách nhà Hòn nửa cây số. Dân Nậm Ngặt lập tức nhận lệnh sơ tán, thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong bản hò hét nhau cõng người già, trẻ nhỏ lũ lượt tháo chạy trong đêm xuống thị xã Hà Giang, rồi đi bộ suốt mấy ngày đường về huyện Bắc Mê.

Ngày rời bản đi sơ tán, Hòn chỉ kịp ngoái nhìn căn nhà của mình dưới chân đồi lần cuối.

40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Nỗi đau dai dẳng ở mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 3.

Ở vùng đất mới, ông cùng cha mẹ dựng lều trú tạm rồi vào rừng phát nương. "Sống ở Bắc Mê quá khổ, quanh năm thiếu cái ăn, không vào rừng trồng bắp, trồng sắn thì chẳng biết làm gì", ông Hòn nhớ lại quãng thời gian cách đây hơn 30 năm.

Rồi Hòn cưới vợ, sinh con ngay trên mảnh đất Bắc Mê. Vợ Hòn là cô gái người dân tộc Dao cùng bản, cả hai đi sơ tán rồi phải lòng nhau. Đám cưới của người Dao hồi ấy nhà trai chỉ nộp tiền mặt, còn nhà gái phải nộp đủ lễ vật gồm chục đồng bạc trắng, một con lợn, hai con gà trống thiến cùng vài chai rượu.

Nhà Hòn nghèo, nhà vợ cũng nghèo, cha mẹ hai bên gặp mặt nói chuyện không có đủ lễ vật cũng không đòi hỏi gì. Ngày cưới, nhà chỉ làm vỏn vẹn ba mâm cỗ mời hàng xóm đến dự rồi thắp hương cáo với tổ tiên.

40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Nỗi đau dai dẳng ở mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 4.

Tuổi thơ của Nguyễn Xuân Đệ gắn liền với những cuộc di tản cùng mẹ chạy trốn bom đạn giặc Mỹ leo thang, bắn phá miền Bắc. Năm 1979 ông nhập ngũ. Ngày lên đường, nhiều anh em và người dân xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An quê ông vẫn đang sống ở khu vực phía Tây huyện Tân Kỳ, chưa trở về quê cũ.

Sau ba tháng huấn luyện tân binh tại tỉnh nhà, đơn vị ông được điều ra Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) sẵn sàng trực chiến.

Năm 1984, khu vực vành đai biên giới Vị Xuyên dần chuyển biến phức tạp, đơn vị ông nhận lệnh từ cấp trên hành quân tức tốc sang mặt trận Thanh Thủy cách đó hơn 100km. Đệ khi đó là Trung đội trưởng, chỉ huy hơn 30 chiến sĩ phòng ngự vạt đồi phía Bắc đề phòng địch chuyển hướng đánh.

40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Nỗi đau dai dẳng ở mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 5.

Cựu binh Nguyễn Xuân Đệ

Ngày 12/7 khốc liệt năm ấy, ông không tham gia chiến đấu trực tiếp tại cao điểm 685 và 772 ở bản Nậm Ngặt. Mãi đến đầu năm 1985, cấp trên mới điều đơn vị ông xuống núi phối hợp đánh trận địa đồi 300, bình độ 400.

Trận đánh ấy, quân ta chiếm được các cao điểm nhưng không giữ được. Địch phản công chiếm lại, chúng nã pháo liên tục khiến các đơn vị chủ lực của ta thương vong nhiều, buộc phải rút lui.

Riêng đơn vị Đệ chỉ huy được lệnh lập chốt chặn dưới chân đồi, không cho địch mở rộng địa bàn hoạt động. Đêm đến, ông cùng đồng đội luồn lách theo chiến hào ngược lên đỉnh núi tìm đồng đội hy sinh chuyển xuống dưới.

Những ngày sau địch dội pháo liên tục không ngớt, có thời điểm tiếng pháo nổ ầm ầm suốt nhiều giờ. Cả một vùng đồi núi trơ trụi, cỏ cây không thể sống. Việc gác chốt, đi lại dọc chiến hào tìm thi thể đồng đội khi ấy phó thác vào sự may rủi, nhiều tử thi không còn lành lặn, xương thịt trộn lẫn vào đất đá.

Cuối tháng 6/1986, quân địch bắn pháo rơi trúng căn hầm chữ U nơi ông đang trú ẩn cùng ba đồng đội. Căn hầm ấy bằng lô cốt bê tông dày, sâu tới bốn mét bị đầu đạn khoan thủng làm sập. Đệ bị thương vùng đầu, khi tỉnh dậy đã thấy nằm dưới trạm phẫu thuật ở bệnh viện dã chiến.

Loạt đạn ấy, hai trong số các đồng đội trú ẩn cùng hầm với Đệ vĩnh viễn ra đi, bỏ lời hẹn còn dang dở ngày hôm trước rằng "sau này khi cuộc chiến kết thúc, họ sẽ về thăm nhà của nhau".

Họ đều là những thanh niên có chung một hoài bão của tuổi đôi mươi, nhưng tạm gác lại việc riêng - vì quê hương cần người trẻ đứng lên cầm súng.

Cựu binh Trương Văn Đau.

Không may mắn như Đệ, cựu binh Trương Văn Đau, người dân tộc Dao ở thị trấn Vị Xuyên bị mất một chân năm vừa tròn 20 tuổi. Những ngày tháng 2/1979, quân địch nã pháo và mở tiến công vào các xã vùng biên Hà Giang.

Đau khi đó là lính bộ binh của (C9 - D3, F122) đóng tại Vĩnh Phú (Phú Thọ, Vĩnh Phúc) mới được điều lên đánh chặn tại khu vực đồi Tranh, xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên.

Trên cao điểm ấy, có những đoạn chiến hào quân ta cách địch chỉ 30 mét. Sáng 23/2, khi ông vận chuyển đạn dược đi dọc chiến hào tiếp tế cho đồng đội thì một quả pháo rơi sát người. Ông bị thương nằm liệt tại chỗ, máu nhuộm đỏ bộ quân phục, đồng đội sau đó khiêng Đau xuống bệnh xá điều trị.

Hàng chục chiến sĩ cùng đơn vị ông đã hy sinh trong trận chiến hôm ấy. Đau bảo cho đến giờ ông không thể nhớ con số chính xác đã có bao nhiêu đồng đội đã nằm xuống, chỉ biết rằng: "Tất cả đều chết vì pháo, quân địch chỉ bắn pháo cối".

Phải cưa mất một chân, người lính trẻ ngày ấy không thể trở lại đơn vị chiến đấu cùng đồng đội. Ông xuất ngũ trở về quê hương khi tiếng pháo ở đường biên vẫn đang nổ ác liệt.

40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Nỗi đau dai dẳng ở mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 7.
40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Nỗi đau dai dẳng ở mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 8.

Tiếng pháo nổ ngày 2/4/1984 đánh dấu cho cuộc tấn công của quân Trung Quốc vào mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên và kéo dài suốt 6 năm sau đó. Tâm điểm cuộc chiến ở khu vực các xã Thanh Thủy, Thanh Đức, Lao Chải theo dọc đường biên lên đến huyện Yên Minh.

Ngày 28/4/1984, hai Trung đoàn (thuộc Quân đoàn 14, Trung Quốc) tràn lên đỉnh núi Lão Sơn (ta gọi là cao điểm 1509), dùng pháo bắn vào các cao điểm phía dưới bản Nậm Ngặt.

Cao điểm 685 (bên trái)  và 772 những ngày tháng 1/2019. 

Hai ngày sau đó, địch chiếm đóng toàn bộ các cao điểm 685, 772 và một số cao điểm khác. Quân đội ta huy động xe tăng phản kháng nhưng bị quân địch phát hiện, bắn hỏng ba chiếc bên ngoài ngã ba Thanh Thủy.

Để đối phó, quân ta sử dụng các trung đoàn 112 của tỉnh Hà Tuyên, Sư đoàn 313; Sư đoàn 314, phối hợp cùng một số đơn vị khác đánh chặn. Tháng 5/1984, có thêm các sư đoàn 316; 356 từ Hoàng Liên Sơn sang chi viện.

Giai đoạn 1984 - 1989, quân Trung Quốc nã hơn 2 triệu quả đạn pháo các loại vào mặt trận Hà Tuyên. Hơn nửa trong số đó tập trung vào các xã Thanh Thủy, Thanh Đức, Lao Chải.

Đỉnh điểm vào đầu năm 1985, có những ngày quân địch bắn hơn 30.000 quả pháo vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam từ 3 - 4 km. Tiếng pháo nổ liên hồi không ngừng nghỉ, trên các cao điểm 685 và 772, đạn pháo cày xới bạc trắng đất đá. Các cựu binh bây giờ thường hay gọi cao điểm 685 là "lò vôi thế kỷ".

40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Nỗi đau dai dẳng ở mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 10.

Đài tưởng niệm trên cao điểm 468.

Trong cuộc gặp mặt lần đầu tiên giữa các cựu binh tham chiến tại Vị Xuyên, tổ chức tại Bộ Quốc phòng vào ngày 14/6/2016, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 2 cho biết, có khoảng hơn 4.000 chiến sĩ đã hy sinh tại mặt trận này.

"Ngày 12/7/1984, ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến, hơn 600 người lính ngã xuống khi ta mở cuộc phản công mang bí danh MB84, lấy lại các cao điểm bị địch chiếm đóng trái phép" - tướng Huy kể. 

Trung Quốc chọn Vị Xuyên để đánh vì có hệ thống điểm cao biên giới tạo nên thế trận phòng ngự tiến công liên hoàn, chiếm được thì có thể uy hiếp thị xã Hà Giang, đưa quân thọc sâu vào đất liền nước ta. Những nơi khác như Đồng Đăng, Hữu Nghị (Lạng Sơn) là khu vực quốc tế quan sát rõ, nhưng nếu đưa lực lượng lớn vào Vị Xuyên thì ít bị chú ý. Đến giờ, có lẽ nhiều người không biết Vị Xuyên nằm ở đâu" - thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2, tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1985-1989 nói.

Năm 1988, tình hình biên giới dần lắng dịu khi hai bên chủ động rút dần quân. Ngày 26/9/1989, đơn vị cuối cùng của quân tình nguyện Việt Nam rời khỏi Campuchia. Các "ngòi nổ" căng thẳng được tháo ra ở cả phía Bắc lẫn phía Nam.

Trên cao điểm 468 ngày nay, người ta xây một Đài hương tưởng niệm các liệt sĩ bằng nguồn vốn xã hội hóa và đóng góp của các cựu binh từng tham chiến tại chính mảnh đất này. Họ chọn ngày 12/7 hàng năm là ngày giỗ trận của đơn vị.

40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Nỗi đau dai dẳng ở mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 11.

Bảy năm sau cuộc di tản, tiếng pháo không còn nổ ở Vị Xuyên. Ngày trở về Nậm Ngặt nhìn bản làng trơ trụi mà đôi mắt Hòn ứa lệ. Những cánh rừng xanh ngắt đều chết khô rụng lá, đạn pháo cày xới ruộng nương thành từng hố sâu.

40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Nỗi đau dai dẳng ở mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 12.

Một góc bản Nậm Ngặt ngày nay.

Căn nhà của Hòn dưới chân núi đã cháy thành tro bụi, hơn 100 nóc nhà khác trong thôn chỉ sót lại đúng 8 căn nhưng không còn nguyên vẹn, các mảnh đạn găm chi chít vào cột. Đàn gia súc dân bản thả vào rừng trước ngày di tản chẳng sót con nào. "Chúng chết hết, chắc chết vì đạn pháo hoặc mìn nổ", ông Hòn nhớ lại.

Rồi Hòn vào rừng kiếm gỗ dựng lại căn nhà mới, dọn dẹp mảnh ruộng bị đạn cày xới trồng lại lúa. Một năm sau, ông đón cả gia đình dưới Bắc Mê trở về.

"Phải về chứ mồ mả tổ tiên ở đây, dù còn nhiều khó khăn nhưng đất đai cha mẹ để lại không về sao được", Bồn Văn Hòn vẫn thường nói như vậy với các con của mình lý do ông trở về quê hương.

Anh Bồn Văn Đặng (áo cam, em vợ) và Triệu Văn Nguyên (con rể Hòn) bị mất 1 chân do vấp phải mìn.

Bồn Văn Đặng sinh ra ở mảnh đất Bắc Mê. Ngày anh theo cha mẹ về quê cũ, những vạt rừng dần ngả lại màu xanh, mầm măng vầu mọc nhô lên giữa đất sỏi trơ cả vỏ đạn.

Ký ức của Đặng về bản Nậm Ngặt không phải tiếng súng, tiếng pháo nổ rền rĩ suốt ngày. Nó là tiếng nổ của mìn còn sót lại.

Cũng giống ông Hòn, Đặng vấp phải mìn trong lần đi rừng chặt vầu năm 2008. Tiếng nổ lớn rung chuyển đất trời, chân anh bị thương nặng. Khi đưa xuống bệnh viện bác sĩ bảo không thể cứu chữa, họ quyết định tháo khớp gối rồi anh xuất viện về nhà.

Chiếc chân giả Đặng dùng - phần đế đã mòn gần hết vì người thanh niên trẻ không chấp nhận số phận, dù tàn tật nhưng ngày ngày vẫn băng rừng làm rẫy. "Là lao động chính trong nhà, không làm biết lấy gì ăn", Đặng bộc bạch.

Anh bảo rằng, sống ở Nậm Ngặt dù phải đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập nhưng đổi lại Đặng có đất làm rẫy, có nơi chăn thả trâu bò, nuôi được con lợn, con dê. Ruộng trồng lúa một vụ cũng đủ ăn quanh năm mà không sợ đói như hồi ở Bắc Mê.

40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Nỗi đau dai dẳng ở mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 14.

Chiếc mũ và bình toong đựng nước, kỷ vật Hồn giữ lại.

Hơn 30 năm sau cuộc chiến, Nâm Ngặt bây giờ thay đổi nhiều. Từ con số 20 hộ dân chuyển về đầu thập niên 90 đến nay cả bản đã tăng lên hơn 60 hộ. Họ dựng nhà dải rác khắp sườn núi.

Con đường từ Quốc lộ 2 dẫn vào bản đang được bê tông hóa. Nhà thầu cố gắng hoàn thiện nó sau tết để các cựu binh dễ dàng di chuyển lên Đài thờ trên cao điểm 468 thắp hương tưởng nhớ đồng đội.

Lý Văn Hồn vẫn còn giữ trong nhà chiếc mũ sắt và một bình toong đựng nước của bộ đội, nó đã hoen gỉ. Hồn nhặt được các kỉ vật ấy trong lúc dọn ô đất trước cửa khi trồng cỏ cho đàn trâu. 

Căn nhà cấp bốn anh mới xây nằm trên sườn cao điểm 1509, dải núi này phía Trung Quốc từng gọi là núi Lão Sơn. Trên đỉnh núi ấy, quân địch từng đặt các khẩu pháo hạng nặng chĩa thẳng nòng về trung tâm xã Thanh Thủy.

Những kỉ vật ấy Hồn từng có ý định bán sắt vụn nhưng người ta trả rẻ, chẳng được vài nghìn đồng nên anh giữ lại làm kỷ niệm. "Cứ giữ đấy để con cháu sau này nhìn vào chúng nó biết quê hương mình từng có chiến tranh".

Ở Nậm Ngặt bây giờ có những khu vực mìn, đầu đạn pháo vẫn còn sót lại. Nhiều người cũng giống Hòn, giống Đặng - bị cụt tay, mất chân trong lúc đi rừng hoặc đi nhặt vỏ đạn đem bán sắt vụn.

Hai năm trước, con trâu đực trưởng thành của một hộ dân trong bản đã bỏ mạng khi dẫm phải mìn trong lúc rong ruổi bên sườn đồi gặm cỏ. Cho đến bây giờ, người dân Nậm Ngặt không thể nhớ hết đã có bao nhiêu gia súc chết vì mìn.

40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Nỗi đau dai dẳng ở mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 15.

Chiến tranh kết thúc, Sư đoàn 356 của Nguyễn Xuân Đệ giải thể. Rời quân ngũ, ông không trở về quê hương Nghệ An mà quyết định ở lại lập nghiệp trên chính mảnh đất mình từng cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Rồi ông cưới vợ, làm công tác chính quyền, trải qua các chức vụ Trưởng công an xã, Phó chủ tịch xã Việt Lâm (Vị Xuyên), rồi nghỉ hưu.

Hơn ba thập kỷ sau cuộc chiến, Đệ không cảm thấy tự hào khi nhắc lại quá khứ. Ông nghĩ rằng nhiệm vụ của người lính khi cầm súng phải quyết tâm chiến đấu, giành giật từng tấc đất cha ông để lại. Dù có hy sinh thì đó cũng là cái giá phải trả cho Tổ quốc được bình yên.

Ông vẫn nhớ rõ ngày mà địch nã quả pháo làm sập căn hầm khiến hai đồng đội của mình hy sinh. Đến bây giờ điều đó vẫn khiến Đệ day dứt lương tâm, ông bảo chẳng thể nhớ được thi thể họ được chôn cất nơi đâu.

40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Nỗi đau dai dẳng ở mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 16.

Nhiều năm về sau, những cựu binh từng chiến đấu ở Vị Xuyên như Trương Văn Đau, Nguyễn Xuân Đệ vẫn đau đáu về lời hẹn ước với đồng đội "khi nào chiến tranh kết thúc họ sẽ trở về thăm nhà của nhau" - nhưng lời hẹn ấy nhiều người không bao giờ thực hiện được. 

Có những người đến hôm nay xương cốt vẫn chôn vùi dưới những vạt rừng xanh ngắt ở vùng biên cương, chưa được về với quê mẹ.

Theo thống kê của Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, trong số hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt.

Nghĩa trang Vị Xuyên nằm trên trục đường Quốc lộ 2, địa phận thị trấn Vị Xuyên - hiện quy tập được hơn 2.000 mộ liệt sĩ và một ngôi mộ tập thể của những người từng tham chiến tại Hà Giang.

Nghĩa trang ấy cách nhà hai cựu binh Nguyễn Xuân Đệ, Trương Văn Đau chỉ vài cây số. Thỉnh thoảng họ lên đây thắp hương cho đồng đội. Ở đó, vẫn còn nhiều liệt sĩ vô danh được khắc dòng chữ "CHƯA BIẾT TÊN" trên tấm bia mộ.

40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Nỗi đau dai dẳng ở mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 17.

Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.

* Bài viết có sử dụng một số tư liệu của đồng nghiệp, cựu chiến binh và cuốn sách "Sư đoàn 356 và ký ức Vị Xuyên".

Hoàng Cư
Hoàng Cư
Đỗ Linh
Theo Trí Thức Trẻ14/02/2019