40/44 học sinh trong một lớp ở huyện miền núi đạt trên 9 điểm môn Văn

Ngọc Tú |

Cả lớp có 44 học sinh thì có đến 40 em đạt trên 9 điểm môn Văn. Điểm bình quân môn Văn lớp này cũng đạt 9.25 khiến khiến nhiều người "nể phục".

Đó là lớp 12D1 khóa 54 của trường THPT Anh Sơn 1 ở huyện miền núi Anh Sơn (tỉnh Nghệ An).

"Sau khi Bộ Giáo dục công bố điểm, cả cô và trò dò từng bạn, từng kết quả. Không ngờ là nhiều bạn đạt trên 9 điểm vậy. Vui sướng cho các em lắm", cô Hoàng Thùy Dương - giáo viên dạy môn Văn lớp 12D1 tâm sự.

Sau khi dò được toàn bộ kết quả điểm của các học sinh, cô Dương đã chép lại kết quả vào tờ giấy rồi chụp đăng lên mạng xã hội. Nhìn thấy kết quả điểm của học sinh cao "chót vót", rất nhiều người vào chúc mừng và khen ngợi vì hiếm có 1 lớp học ở huyện miền núi nào lại giỏi như vậy.

40/44 học sinh trong một lớp ở huyện miền núi đạt trên 9 điểm môn Văn - Ảnh 1.

Cô Dương chụp ảnh kỷ niệm cùng 6 bạn nam trong lớp 12D1.

Theo cô Dương, trong số 44 học sinh lớp 12D1, có 6 em đạt 9,75 điểm môn Ngữ Văn (Nghệ An không có điểm 10); 11 em đạt 9,5; 9 em đạt 9,25 và 14 em đạt 9 điểm.

4 em còn lại thì có 3 em đạt 8,75 và một em đạt 8,5 điểm. Tính bình quân điểm môn Văn, lớp 12D1 đạt 9,25. Đây cũng là lớp học có điểm môn Ngữ Văn trung bình cao nhất cả tỉnh Nghệ An.

Cô Dương cho biết, bản thân cô không quá bất ngờ với kết quả của học sinh lớp mình đạt được. Bởi có được thành tích này chính là nhờ nỗ lực của cả cô và trò trong suốt 3 năm học cấp 3.

Ngay khi các em bước vào lớp 10, cô Dương đã bắt đầu truyền cảm hứng môn Văn cho học sinh qua những tác phẩm văn, thơ cùng những kiến thức nghị luận xã hội, thời sự. Những bài giảng của cô đều gắn với mỗi tác phẩm và được vận dụng thêm kiến thức thực tiễn. Chính vì vậy học trò rất say mê với môn Văn.

40/44 học sinh trong một lớp ở huyện miền núi đạt trên 9 điểm môn Văn - Ảnh 2.

Lớp có 44 em thì có đến 40 em đạt điểm Văn trên 9 trong kỳ thi THPT 2022 vừa qua.

Về phương pháp giảng dạy, cô trò đều không "dạy tủ, học tủ" mà cô luôn hướng dẫn các em về phương pháp, kỹ năng để khi gặp bất kỳ dạng đề tài nào các em cũng đều làm được.

Cô Dương cho biết thêm, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch nên trong thời gian giãn cách xã hội, các em phải học online. Đó là những ngày tháng cô trò gặp không ít khó khăn khi phải giảng dạy, giao tiếp qua màn hình nhỏ.

Để bù lại kiến thức, quãng thời gian này cô Dương cũng ra thêm đề để học sinh làm ở nhà. Khi hết dịch cô trò được trở lại trường học trực tiếp thì cả 2 cùng bắt đầu "tăng tốc" miệt mài ôn tập theo cấu trúc đề của Bộ.

"Tôi đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn để học sinh phân tích, bình luận. Tôi không áp đặt hay thay thế những suy nghĩ của học sinh. Khi học sinh hình thành được kỹ năng, phương pháp đọc hiểu văn bản sẽ có thể làm bất cứ dạng đề nào theo ngôn ngữ hành văn của mình", cô Dương tâm sự

Cô Dương chia sẻ thêm, trường cô dạy nằm ở huyện miền núi, đời sống chung của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Học trò của cô cũng vậy, vì gia đình hầu hết làm nông, không ít em có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên các em học sinh đều rất nghị lực, quyết tâm học tập đều các môn. Điểm thi của các em ở các môn khác cũng khá cao. Tuy nhiên không cao và đều như ở môn Văn.

Được biết, cô Hoàng Thùy Dương thời còn đi học từng là học sinh giỏi tỉnh môn Văn 3 năm liền. Cô tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh năm 1998 rồi về công tác tại Trường THPT Anh Sơn 1 từ đó cho đến nay.

"Trong nhiều tập thể lớp tôi từng giảng dạy thì học sinh lớp 12D1 khóa này đạt thành tích cao nhất", cô Dương chia sẻ và cho biết, có nhiều em học sinh báo đã đỗ vào các trường đại học.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại