Không ít người vẫn thường cho rằng, thái giám là chức quan "độc quyền" chỉ tồn tại trong hoàng cung Trung Hoa thời xưa.
Nhưng trên thực tế, những nền văn minh lớn trên thế giới đều có sự xuất hiện của thái giám. Tại châu Á nói riêng, không chỉ Trung Quốc mà Triều Tiên, Việt Nam, Miến Điện, Thái Lan thời phong kiến đều có thái giám.
Vậy, thái giám Trung Quốc xếp ở vị trí nào trong lịch sử hoạn quan thời phong kiến trên thế giới?
1. Thái giám châu Âu: Có hẳn "thiên đường" dành cho hoạn quan
Vị trí đầu bảng thuộc về các thái giám tại châu Âu thời xưa.
Sự xuất hiện của tầng lớp hoạn quan bắt đầu được ghi nhận ở Hy Lạp cổ đại. Bấy giờ, thái giám phục vụ trong cung chủ yếu được thu mua từ Ba Tư cổ.
Những người này rơi vào tay các tay buôn người qua những phi vụ buôn bán, bắt cóc, sau đó được hoàng cung thu mua lại giá cao.
Vào thời La Mã cổ đại, hoạn quan xuất hiện trong cung của vua chúa, quý tộc ngày càng nhiều. Thậm chí, bạo chúa Nero khét tiếng đã từng công khai tổ chức đám cưới với người thái giám mình yêu là Sporus.
Dưới thời Đế quốc Đông La Mã, thế lực của thái giám ngày càng lớn. Họ được coi là "giai tầng mà Hoàng đế có thể tin tưởng" và đảm nhiệm phần lớn các chức vụ trong triều.
Vì vậy, các nhà sử học phương Tây gọi đây là thời đại "thiên đường của thái giám".
Bạo chúa Nero từng bắt thiến cậu thiếu niên Sporus và quản giáo cậu giống như... một người vợ. Tranh minh họa.
2. Thái giám châu Phi: Được đưa vào tư liệu truyền giáo
Tại Ai Cập cổ đại, thái giám cũng có lịch sử xuất hiện từ rất lâu đời. Vào khoảng 1500 TCN, dưới thời Pharaoh Thutmose III, các nguồn sử liệu đã ghi lại một số trường hợp nô lệ nam bị thiến.
Trải qua năm tháng cùng nhiều biến động lịch sử, số lượng hoạn quan trong các phủ đệ của nhà vua và quý tộc ngày một tăng lên. Thậm chí, có không ít tăng lữ còn thu mua những nô lệ nam còn nhỏ và bán lại cho vương công, quý tộc với mức giá trên trời.
Chưa dừng lại ở đó, kinh Tân ước cũng từng ghi chép về sự xuất hiện của một số hoạn quan, thái giám ở Etiopia và Ai Cập cổ đại.
Thái giám, hoạn quan đã xuất hiện từ rất sớm ở các nền văn minh châu Phi. Ảnh minh họa.
3. Thái giám tại một số nước châu Á: Được tôn là "anh hùng dân tộc"
Châu Á là châu lục ghi nhận sự xuất hiện của thái giám sớm nhất trên thế giới, cũng là nơi có chế độ hoạn quan quy mô và phong phú nhất.
Nếu không kể Trung Quốc, hoạn quan đầu tiên được ghi nhận xuất hiện tại Tây Á vào khoảng thế kỷ VI – thế kỷ XII TCN.
Dưới thời vua Ba Tư là Darius, nhà vua từng yêu cầu Babylon và Assyria cống nạp 500 hoạn quan trẻ tuổi.
Thời kỳ thịnh trị của đế chế Ả Rập cũng là thời kỳ đỉnh cao của hoạn quan. "Ả Rập thông sử" có ghi lại, vào đầu thế kỷ thứ VIII, đế quốc này đã xuất hiện "nhóm hoạn quan đầu tiên, đại đa số là người Hy Lạp, người Byzantine và người Ả Rập…"
Thế kỷ XIII chứng kiến sự trỗi dậy của đế quốc Ottoman, nhà vua đã cho xây dựng những cung điện khổng lồ với hậu cung đầy rẫy mỹ nhân và các nô lệ nữ. Và như một quy luật tất yếu, hoạn quan là những kẻ đáng tin nhất để quản lý và chăm lo cho thê thiếp của nhà vua.
Tại thời điểm bấy giờ, hậu cung Ottoman có một số lượng nhỏ các hoạn quan da trắng và có tới hàng trăm hoạn quan da đen chịu trách nhiệm chăm lo các sinh hoạt hằng ngày của cung tần mỹ nữ.
Hậu cung Ottoman từng có rất nhiều thái giám, trong số đó có cả thái giám da đen. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Ở Ấn Độ thời cổ đại, thái giám cũng hết sức phổ biến và được gọi bằng từ "Hoxha". Tại mỗi tiểu quốc, các vị vua có hàng chục ngàn hoạn quan để phục vụ cho hậu cung của mình.
Những nước láng giềng với Trung Quốc như Triều Tiên, Việt Nam cũng có chế độ hoạn quan tương đối phát triển.
Chế độ hoạn quan của Triều Tiên khi xưa có nhiều điểm tương đồng với Trung Hoa. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương từng yêu cầu nước này cống nạp 200 hoạn quan.
Trong khi đó, lịch sử Việt Nam từng ghi nhận những hoạn quan vô cùng xuất chúng như Lý Thường Kiệt, Hoàng Ngũ Phúc, Lê Văn Duyệt…
Vào thời nhà Tống, Lý Thường Kiệt – vị tướng quân có xuất thân là thái giám – đã từng dẫn quân đánh vào Ung Châu thuộc lãnh thổ Đại Tống và tiêu diệt hàng vạn quân lính Tống triều.
Kế sách "đánh Tống trên đất Tống" của vị trướng kiệt suất này đã giúp Đại Việt giành chiến thắng lẫy lừng trong cuộc chiến chống Tống triều xâm lược, cũng đưa tên tuổi của Lý Thường Kiệt trở thành vị "anh hùng dân tộc" Việt Nam.
Cuộc Bắc phạt của Lý Thường Kiệt đã công phá thành Ung Châu, khiến triều đình nhà Tống phải khiếp nhược trước sức mạnh quân sự của Đại Việt. Tranh minh họa.
4. Thái giám Trung Hoa: Tội nhiều công ít!
Có thể thấy, hầu hết các nền văn minh cổ đại và các quốc gia phong kiến trên thế giới đều có sự xuất hiện của thái giám. Nhưng không thể phủ nhận sự thật rằng thái giám Trung Hoa lại được biết đến nhiều hơn cả.
Nguyên nhân là bởi 4 yếu tố:
Thứ nhất, chế độ quản giáo hoạn quan nghiêm khắc nhất.
Thứ hai, số lượng hoạn quan đông đảo nhất.
Thứ ba, hoạn quan có sức ảnh hưởng lớn nhất.
Thứ tư, thời gian tồn tại của chế độ hoạn quan lâu nhất.
Sự xuất hiện của thái giám tại Trung Hoa được ghi nhận bắt đầu từ thời Hạ - Thương – Chu và chỉ kết thúc khi Thanh triều diệt vong. Điều này đồng nghĩa với chế độ hoạn quan tại nước này đã có tới trên dưới 3000 năm lịch sử.
Cuốn "Cựu Đường thư" còn nhận định rằng thái giám đã xuất hiện tại Trung Hoa từ khi có văn tự, văn thư. Ảnh minh họa.
Chỉ tiếc rằng, thái giám Trung Hoa lưu danh sử sách nhờ tiếng thơm thì ít, mà gây ra mối họa cho quốc gia lại nhiều không đếm xuể.
Lịch sử Trung Hoa từng ghi nhận không ít "vết đen" do tầng lớp hoạn quan, thái giám gây ra. Những kẻ gây ra họa mất nước có thể kể đến như Triệu Cao, Vương Chấn, Ngụy Trung Hiền,… Những tên lũng đoạn triều chính lại có Cao Lực Sĩ, Đồng Quán, Lý Liên Anh,…
Trong lịch sử hàng ngàn năm phong kiến Trung Hoa, nước này đã từng phải trải qua 3 "kiếp nạn" hoạn quan khiến vương triều chao đảo.
Lần thứ nhất xảy ra vào cuối thế kỷ thứ II, tức cuối thời Đông Hán. Lần thứ hai là "kiếp nạn" xảy ra vào thế kỷ thứ IX cuối thời nhà Đường. Và lần thứ ba xảy ra dưới triều đại nhà Minh, kéo dài từ năm 1435 khi Vương Chân nắm quyền cho tới lúc vương triều này tuyệt diệt.
Chính những "vết đen" khó gột rửa này là lý do khiến hoạn quan Trung Quốc dù có số lượng đông đảo nhưng vẫn xếp ở vị trí chót bảng trong danh sách hoạn quan tại các quốc gia trên thế giới.