4 trận đánh lừng lẫy của Thành Cát Tư Hãn: Phe địch tê liệt hoàn toàn nhờ sức mạnh từ 'đội kỵ binh của quỷ'

Trang Ly |

Binh nghiệp của Thành Cát Tư Hãn nổi danh khắp chốn là nhờ vào cách điều binh khiển tướng đỉnh cao của ông.

Thành Cát Tư Hãn và vó ngựa kỵ binh Mông Cổ do ông chỉ huy đã từng càn quét lục địa Á-Âu với khí thế sấm sét những năm đầu thế kỷ 13. Vị thủ lĩnh gia tộc nổi tiếng này và những người kế vị trực tiếp của ông đã tạo ra đế chế lớn nhất từng tồn tại, trải dài toàn bộ lục địa châu Á từ Thái Bình Dương đến Hungary ngày nay ở châu Âu. 

Một đế chế như vậy không thể hình thành nếu không có sự lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng cộng với kỹ năng tổ chức vượt trội của vị Khả Hãn Mông Cổ cùng lực lượng kỵ binh nhanh nhẹn kết hợp cùng đội quân cung thủ siêu phàm (mà phương Tây gọi là "đội kỵ binh của quỷ - devil’s horsemen"); song song với đó là sự tồn tại của các quốc gia suy yếu về mặt chính trị trên khắp châu Á.

4 trận đánh lừng lẫy của Thành Cát Tư Hãn: Phe địch tê liệt hoàn toàn nhờ sức mạnh từ 'đội kỵ binh của quỷ'- Ảnh 1.

Chân dung Thành Cát Tư Hãn. Nguồn: GL Archive/Alamy

Di sản của Thành Cát Tư Hãn (1162-1227), các con trai và cháu trai của ông là một trong những thành tựu đồ sộ về phát triển văn hóa, thành tựu nghệ thuật, lối sống cung đình trong lịch sử. Hẳn nhiều người đều nhận ra rằng triều đại nhà Nguyên ở Trung Quốc (kéo dài từ 1271–1368) là một phần di sản của Thành Cát Tư Hãn thông qua người sáng lập - là cháu trai và là người kế vị vĩ đại nhất của Thành Cát Tư Hãn: Hốt Tất Liệt (cai trị từ 1260–1294). 

Đế chế Mông Cổ đạt đến đỉnh cao sau hai thế hệ sau Thành Cát Tư Hãn và được chia thành 4 nhánh chính: Nhà Nguyên (đế chế của Đại Hãn) là trung tâm và quan trọng nhất. Các quốc gia Mông Cổ khác là Hãn quốc Sát Hợp Đài ở Trung Á (tồn tại từ 1227–1363); Hãn quốc Kim Trướng ở miền nam nước Nga mở rộng vào châu Âu (1227–1502) và Triều đại Il-Khanid ở Đại Iran (1256–1353).

Sau khi thống nhất các bộ lạc thảo nguyên năm 1206, Thành Cát Tư Hãn cai trị khoảng 1 triệu người. Vào thời kỳ đỉnh cao, người Mông Cổ kiểm soát đến 31 triệu km vuông liền kề - một khu vực có diện tích bằng châu Phi. Vào giữa thế kỷ 13, người Mông Cổ đã hình thành nên đế chế tiếp giáp lớn nhất thế giới, thống nhất các nền văn hóa Trung Quốc, Hồi giáo, Iran, Trung Á và du mục dưới lá cờ Mông Cổ.

Thành Cát Tư Hãn đã chinh phục được nhiều hơn gấp đôi diện tích đất đai so với bất kỳ người nào khác trong lịch sử, đưa nền văn minh phương Đông và phương Tây tiếp xúc với nhau trong quá trình này.

Năm 1227, Thành Cát Tư Hãn qua đời trong một chiến dịch quân sự chống lại vương quốc Tây Hạ của Trung Quốc. Lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn cho đến nay vẫn là một ẩn số lớn.

Thứ sử gia tỏ rõ nhất chính là trong đời binh nghiệp lừng lẫy của mình, ông đã chỉ huy hàng chục chiến dịch cùng hơn 60 trận đánh đỉnh cao, thu phục được hàng loạt địch thủ, giúp Mông Cổ mở rộng bờ cõi.

Dưới đây là 4 trận đánh thể hiện tài dụng binh đỉnh cao của vị Khả Hãn Mông Cổ:

1. Trận Dã Hồ Lĩnh: Tập trung lợi thế, đánh một đòn chí mạng

Còn gọi là Chiến tranh Mông-Kim, hay Mông Cổ phạt Kim, trận Dã Hồ Lĩnh là cuộc chinh phạt toàn diện của người Mông Cổ vào nước Kim từ năm 1211 đến 1234.

4 trận đánh lừng lẫy của Thành Cát Tư Hãn: Phe địch tê liệt hoàn toàn nhờ sức mạnh từ 'đội kỵ binh của quỷ'- Ảnh 2.

Sau khi thành lập Đại Mông Cổ Quốc năm 1206, Thiết Mộc Chân đổi tên thành Thành Cát Tư Hãn và bắt đầu hành trình chinh phạt xuyên lục địa của mình.

Vào năm 1211, Thành Cát Tư Hãn, với tầm nhìn chiến lược phi thường của mình, đã cẩn thận bố trí quân ở Dã Hồ Lĩnh (tây bắc Trương Gia Khẩu, Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay). Kế hoạch của ông là tập trung lực lượng vượt trội và phát động một cuộc chiến tranh quy mô lớn duy nhất chống lại nhà Kim do người Nữ Chân cai trị ở Trung Quốc từ 1115 đến năm 1234. 

Về sau, năm 1234, nhà Kim đại bại dù nắm trong tay 45 vạn quân tinh nhuệ giao chiến trực tiếp. Toàn bộ lãnh thổ Kim sáp nhập hoàn toàn vào Mông Cổ.

Trong chiến dịch này, Thành Cát Tư Hãn không chỉ thể hiện khả năng chỉ huy chiến trường xuất sắc mà còn biết cách lấy ít đánh nhiều - dùng 10 vạn quân đánh thẳng vào mục tiêu cốt yếu. Trận đánh này trở thành một trường hợp kinh điển về việc lấy ít thắng nhiều và được các thế hệ chiến lược gia quân sự tương lai nhắc đến.

2. Trận Ngân Xuyên: Lùi một bước, tiến đến đại thắng

4 trận đánh lừng lẫy của Thành Cát Tư Hãn: Phe địch tê liệt hoàn toàn nhờ sức mạnh từ 'đội kỵ binh của quỷ'- Ảnh 4.

Chiến dịch đầu tiên của Thành Cát Tư Hãn bên ngoài Mông Cổ diễn ra chống lại vương quốc Tây Hạ ở phía tây bắc Trung Quốc.

Sau một loạt các cuộc đột kích, người Mông Cổ đã phát động một sáng kiến lớn vào năm 1209 đưa họ đến ngưỡng cửa Ngân Xuyên, kinh đô Tây Hạ. Không giống như các đội quân khác, người Mông Cổ di chuyển mà không có đoàn tiếp tế nào ngoài một lượng lớn ngựa dự bị. Đội quân bao gồm hầu như toàn bộ là kỵ binh, những người cưỡi ngựa lão luyện và cực kỳ nguy hiểm với cung thủ siêu phàm. 

Tại Ngân Xuyên, người Mông Cổ triển khai một cuộc rút lui giả - một trong những chiến thuật đặc trưng của họ - và sau đó bắt đầu một cuộc bao vây. Mặc dù nỗ lực tràn ngập thành phố của quân Mông Cổ không thành, nhưng chiếm được một số thành trì vững chắc của Tây Hạ.

Năm 1226, Thành Cát Tư Hãn mang theo 180.000 quân tổng tấn công Tây Hạ. Quốc vương Tây Hạ chính thức xin hàng, Tây Hạ bị khuất phục hoàn toàn. Một ngày trước khi thành Tây Hạ vào tay Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn qua đời.

3. Trận Cư Dung Quan: Dụ địch ra khỏi hang

Năm 1213, tàn quân Kim ở Dã Hồ Lĩnh không chịu khuất phục đã cố gắng tập hợp được hơn 30 vạn quân, đóng quân tại khu vực ngày nay gọi là Vạn Toàn, thuộc Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc.

Với mục đích 'diệt cỏ tận gốc', Thành Cát Tư Hãn dẫn quân đánh tan tác 30 vạn quân Kim ở Vạn Toàn. Tàn quân chạy đến cố thủ ở Cư Dung Quan (cửa ải Cư Dung, một trong những cửa ải quan trọng của Vạn Lý Trường Thành). 

Đại quân Mông Cổ tiếp tục thẳng tiến đến Cư Dung Quan. Lúc này, Thành Cát Tư Hãn phái đại tướng thân cận Triết Biệt tấn công lối vào phía nam của cửa ải Cư Dung. Nghe theo mưu kế của Thành Cát Tư Hãn, Triết Biệt dùng mưu kế dụ địch ra khỏi quan ải (bằng cách giả vờ vứt binh khí, bỏ chạy) rồi bất ngờ đánh úp bằng đội 'kỵ binh của quỷ' của mình. Kết quả, tàn quân Kim bị tiêu diệt gọn gàng.

Trong trận chiến này, sự khôn ngoan chiến thuật của tướng lĩnh Thành Cát Tư Hãn đã được chứng minh đầy đủ, đồng thời nó cũng thể hiện phong cách chiến thuật linh hoạt và dễ thay đổi của Khả Hãn Mông Cổ.

4. Trận vây hãm thành Bukhara: Đột kích bất ngờ khiến kẻ địch tê liệt hoàn toàn

4 trận đánh lừng lẫy của Thành Cát Tư Hãn: Phe địch tê liệt hoàn toàn nhờ sức mạnh từ 'đội kỵ binh của quỷ'- Ảnh 5.

Thành Cát Tư Hãn một lần nữa chứng tỏ tài điều binh khiển tướng của mình khi tấn công thành phố Bukhara - một trong những thành phố lớn nhất Trung Á; một thành trì quan trọng về kinh tế và văn hóa của Đế chế Khwarazmian ở vùng đất Ba Tư. 

Năm 1220, Thành Cát Tư Hãn đã tổ chức cuộc tấn công nhiều mũi nhọn vào Đế chế Khwarazmian. Người cai trị Muhammad II của Khwarazm tin rằng, vì Bukhara ở quá xa so với biên giới của Mông Cổ nên Mông Cổ sẽ không 'đụng' đến. Do đó, Muhammad II chỉ cho gần 20.000 quân bảo vệ Bukhara.

Đâu ai ngờ, vó ngựa Mông Cổ không ngại bất cứ thứ gì, kể cả là băng qua cả sa mạc Kyzylkum lớn thứ 15 trên thế giới nóng bỏng mà nhiều đội quân lớn không dám thực hiện.

Bị vây hãm và tấn công bất ngờ, thành Bukhara lập tức bị tê liệt. Gần 50.000 quân dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn đã khiến đội quân bảo vệ thành Bukhara kinh ngạc và sợ hãi. Trung tâm quan trọng của Đế chế Khwarazmian đầu hàng 3 ngày sau đó.

4 trận đánh kinh điển được chọn lọc này không chỉ là những chương vẻ vang trong sự nghiệp quân sự của Thành Cát Tư Hãn mà còn là biểu hiện sinh động cho tài năng quân sự kiệt xuất và tầm nhìn chiến lược của Khả Hãn Mông Cổ.

Tư tưởng quân sự và chiến thuật của Thành Cát Tư Hãn sau hàng trăm năm vẫn được nhiều nhà chiến lược quân sự nghiên cứu và sử dụng để tham khảo đến tận ngày nay.

Tham khảo: Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (Mỹ), Sohu, History Channel

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại