Huấn luyện viên Stacey Jernigan chia sẻ với trang Eat this, trong cơ thể con người có nhiều loại cơ khác nhau, trong đó, cơ mông và cơ đùi đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đầu gối. Jernigan giải thích: “Khi các cơ này không đủ khỏe và sức mạnh của các cơ ở 2 chân không cân đối, đầu gối có xu hướng hoạt động quá mức”.
Jernigan cho biết có một số thói quen phổ biến trong cuộc sống hàng ngày có thể ‘hủy hoại’ đầu gối. Do đó, để giữ cho đầu gối khỏe mạnh, mọi người cần thay đổi các thói quen sau (nếu có).
4 thói quen 'tàn phá' sức khỏe đầu gối
1. Tập luyện quá sức
Chuyên gia Y học thể thao Jordan Metzl, từ Bệnh viện Special Surgery, New York, Mỹ cho biết: "Tập thể dục chỉ đạt hiệu quả khi bạn để cơ thể có đủ thời gian phục hồi, còn tập luyện quá sức ngược lại có thể gây hại cho sức khỏe".
Sự gia tăng đột ngột về cường độ tập luyện hoặc thời gian tập thể dục (tập luyện quá sức) và không dành đủ thời gian để cơ thể phục hồi có thể gây ra chấn thương ở đầu gối hoặc các bộ phận khác trên cơ thể do các cơ (bao gồm cả cơ đùi và cơ mông) phải chịu căng thẳng quá mức và lặp đi lặp lại liên tục.
Tập luyện quá sức có thể gây ra chấn thương ở đầu gối.
2. Không chú ý kiểm soát cân nặng
Các thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo, lười vận động có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Các chuyên gia cho biết, cứ mỗi 0,45kg cân nặng cơ thể sẽ tạo ra một lực tác động nhất định lên đầu gối. Theo đó, nếu trọng lượng cơ thể tăng thêm khoảng 4,5kg, điều này có thể làm tăng đáng kể áp lực tác động lên các khớp gối.
Thừa cân cũng làm tăng nguy cơ viêm xương khớp ở đầu gối, một dạng viêm khớp phổ biến và thường làm mòn sụn đệm của đầu gối, có thể gây tàn phế. Thừa cân, béo phì cũng khiến tình trạng viêm khớp trở nên trầm trọng hơn. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, cứ 3 người trưởng thành bị béo phì tại Mỹ thì có 2 người bị thoái hóa khớp gối vào một thời điểm nào đó trong đời.
3. Ngồi nhiều, lười vận động
Ngồi nhiều giờ liên tục, và lười vận động cũng có thể gây hại cho sức khỏe tổng thể và gây ảnh hưởng tới khớp gối không kém gì việc tập luyện quá sức.
Huấn luyện viên Jernigan giải thích: “Các khớp gối và mô xung quanh có thể cứng lại gây đau khi bạn ngồi liên tục trong nhiều giờ".
Các bài tập nhẹ nhàng hoặc chỉ đơn giản là đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đi dạo vài ba phút cũng giúp giảm căng thẳng cho xương, cơ và khớp, có lợi cho sức khỏe xương khớp. Do đó, bạn nên xây dựng thói quen đứng và đi lại 2-3 phút sau 1 - 2 tiếng ngồi liên tục để giúp cơ khớp không bị căng cứng và thúc đẩy tuần hoàn máu trong cơ thể.
Ngồi nhiều giờ liên tục, và lười vận động cũng có thể gây hại cho sức khỏe tổng thể và gây ảnh hưởng tới khớp gối không kém gì việc tập luyện quá sức.
4. Lựa chọn giày/dép không phù hợp
Những đôi giày hoặc dép kém chất lượng, quá cứng, quá cao có thể tàn phá đầu gối của bạn, bao gồm gây đau, bong gân, gây mất thăng bằng và mệt mỏi ở phần thân dưới của cơ thể. Sử dụng giày, dép không phù hợp còn có thể gây lệch trục khớp gối và gây thêm căng thẳng cho xương và khớp đặc biệt là ở khu vực đầu gối.
Nguồn: Eat this not that