Thói quen tăng nguy cơ mắc bệnh
TS.BS Trần Thanh Vỹ, Trưởng khoa Lồng ngực mạch máu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay, theo y văn, tỷ lệ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch nam/nữ từ 1/2 đến 1/4, tức là nữ mắc bệnh này nhiều hơn nam từ 2 đến 4 lần. Lý do là do sự thay đổi hormone trong quá trình mang thai, dùng thuốc tránh thai, chu kỳ kinh nguyệt, mãn kinh….
Suy giãn tĩnh mạch chân nếu không được phát hiện sẽ gây ra các biến chứng về rối loạn huyết động học: cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm. Nặng hơn bệnh nhân có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng.
Giai đoạn cuối cùng có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, các tĩnh mạch giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị.
Bác sĩ Vỹ khuyến cáo: "Ở giai đoạn nặng có thể hình thành cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời".
Nghệ sĩ Trấn Thành (Ảnh: Internet)
Theo bác sĩ Vỹ, một số thói quen, lối sống sinh hoạt có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch là:
1. Ít vận động, ngồi nhiều
Theo bác sĩ Vỹ, ngồi nhiều là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh giãn tĩnh mạch. Khi ngồi một chỗ trong thời gian dài, máu trong tĩnh mạch chân sẽ ứ lại, gây áp lực lên thành tĩnh mạch. Do đó, để phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch, nên tránh ngồi lâu.
Nên để cơ thể vận động vào bất cứ lúc nào có thể. Hãy đi thang bộ thay vì thang máy, đi lại xung quanh vị trí của mình. Thi thoảng, bạn nên cố gắng chạy tại chỗ, hoặc đứng nhón gót chân liên tục 15-20 lần cho mỗi lần tập.
Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bài thể dục tốt cho việc lưu thông máu vùng chân như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe đạp rất hữu ích cho việc ngăn ngừa và giảm nhẹ các triệu chứng giãn tĩnh mạch.
Đi bộ tốt cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch. Ngoài ra, một số bài tập giúp thon gọn vùng chân và các bài tập yoga cũng rất tốt cho người bị giãn tĩnh mạch.
2. Đứng nhiều
Cũng tương tự như ngồi quá lâu thì đứng nhiều khiến cho máu trong tĩnh mạch chân sẽ ứ lại, gây áp lực lên thành tĩnh mạch. Do vậy, với người có công việc phải đứng nhiều, bác sĩ Vỹ khuyên nên mang vớ y khoa. Vớ y khoa có cấu tạo chặt hơn ở gần cổ chân và lỏng dần khi đi lên cao, luôn ôm lấy chân và đẩy máu theo các tĩnh mạch chân đi lên tim, giúp ngăn ngừa tình trạng ứ đọng máu trong tĩnh mạch chân.
3. Mang giày cao gót, mặc quần bó sát
Bác sĩ Vỹ cho hay mang giày cao gót và các loại quần bó sát có thể làm máu ở chân bị tắc nghẽn, gây suy giãn tĩnh mạch. Để tránh mắc phải căn bệnh suy tĩnh mạch, mọi người nên chọn trang phục thoải mái và đi giày gót thấp hoặc dép mềm.
4. Ăn uống thiếu kiểm soát
Theo các chuyên gia, việc ăn uống không tiết chế dẫn tới thừa cân béo phì. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra căn bệnh suy giãn tĩnh mạch. Do đó, mọi người nên có một chế độ ăn khoa học để kiểm soát cân nặng tốt.
Bác sĩ Vỹ cho rằnghệ tĩnh mạch khỏe mạnh sẽ dễ dàng được duy trì nếu khẩu phần ăn hàng ngày có đầy đủ các chất chống oxy hóa. Những trái cây họ cam quýt chứa nhiều hesperidin, rutin và diosmin rất hữu hiệu trong việc tăng cường sức khỏe của tĩnh mạch. Ngoài ra, các loại gia vị như gừng, tỏi và ớt cay cũng giúp giảm thiểu nguy cơ tắc nghẽn tĩnh mạch.
Người bị bệnh táo bón có khả năng bị giãn tĩnh mạch cao hơn người thường, do đó, nên ăn nhiều rau củ, hoa quả tươi, ngũ cốc và các thực phẩm dễ tiêu hóa.
TS.BS Trần Thanh Vỹ (Ảnh: Minh Trí)
Bài tập tăng sức bền cho đôi chân
Dưới đây, bác sĩ Vỹ giới thiệu một số bài tập tham khảo cho người suy giãn tĩnh mạch:
1. Bài tập Buerger Allen
Buerger Allen được biết đến là một trong những bài tập lâu đời nhất giúp cải thiện lưu thông máu đến chân và hạn chế giãn tĩnh mạch. Bài tập này dựa trên cơ chế kiểm soát nhịp nhàng lưu lượng máu đến phần dưới cơ thể.
Cách thực hiện
Nằm trên giường và giơ hai chân lên cao. Giữ nguyên vị trí cho đến khi bàn chân chuyển sang màu trắng nhợt nhạt. Ngồi dậy, hai chân thả lỏng, buông thõng xuống mép giường cho đến khi màu sắc bàn chân hồng hào trở lại. Nằm xuống, chân duỗi, cả thân người tạo thành một đường thẳng.
Thực hiện bài tập này 10-12 lần.
2. Bài tập nhón gót
Bài tập này được thực hiện nhằm mục đích tăng cường cơ ở bắp chân, ngăn ngừa phát sinh giãn tĩnh mạch ở các vị trí mới và làm giảm tình trạng giãn tĩnh mạch ở những vị trí trí cũ. Nó rất dễ dàng để thực hiện và bạn có thể tập luyện gần như mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên, đây là một bài tập có liên quan đến sự cân bằng, khả năng giữ thăng bằng nên khi tập cần cẩn thận để tránh những chấn thương không đáng có.
Cách thực hiện
Đứng ở tư thế bình thường. Nhón gót, dồn trọng tâm vào các ngón chân khi đứng. Giữ nguyên tư thế trong vòng 15 nhịp đếm. Hạ gót chân, trở về tư thế đứng bình thường ban đầu.
Thực hiện bài tập này 20 lần.
Nếu thường xuyên luyện tập, bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ ràng trong vòng vài tuần. Bài tập này còn có một biến thể khác, chú trọng đến việc tăng cường sức mạnh cổ chân trong quá trình tập. Trong đó, người tập sẽ đứng trên một chiếc ghế đẩu.
3. Nâng cao chân ra phía sau
Bài tập này tăng cường sức mạnh cho cơ ở hông, mông, đùi và bắp chân, tốt cho người bị chứng giãn tĩnh mạch chân. Bạn có thể thực hiện vào bất cứ lúc nào trong ngày.
Nằm sấp, bụng áp xuống sàn. Nâng chân lên cao tạo góc 30 độ, hai chân chụm lại. Cố gắng duỗi thẳng chân, không gập cong đầu gối. Thực hiện bài tập nhẹ nhàng và chậm rãi để tránh tổn thương cơ bắp. Giữ nguyên tư thế trong 10 nhịp đếm. Trở về tư thế ban đầu.
Thực hiện bài tập giãn tĩnh mạch chân nói trên ít nhất 15 lần/ngày. Nếu tập vào buổi sáng, bạn sẽ thấy nhu động ruột được cải thiện. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai không được thực hiện bài tập trên.
4. Nâng chân phía ngang hông
Nâng chân sang phía ngang hông là bài tập giãn tĩnh mạch chân có lợi cho cả hông và đùi. Những người gặp vấn đề ở lưng cần thận trọng khi thực hiện và phải ngưng ngay lập tức nếu cảm thấy bị đau lưng.
Cách thực hiện
Nằm nghiêng qua bên phải, chống khuỷu tay phải lên mặt sàn để đỡ đầu, tay trái đặt xuôi theo thân mình hoặc chống bàn tay xuống sàn. Chậm rãi nâng chân trái lên cao tạo góc 45 độ. Giữ nguyên tư thế và đếm đến 10. Hạ chân xuống để trở về tư thế bình thường.
Lặp lại động tác này 15 lần, sau đó đổi bên và làm tương tự với chân bên kia. Bài tập giúp cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức mạnh đôi chân.
Để đạt được hiệu quả tốt nhất, hãy thực hiện động tác một cách chậm rãi.
5. Đạp xe trên không
Đạp xe trên không là bài tập tác động tích cực đến lưu thông máu tổng thể chứ không riêng gì vùng chi dưới. Nó còn giúp loại bỏ mỡ bụng và làm săn chắc phần dưới cơ thể. Tuy nhiên, động tác này không được khuyến khích cho những người có vấn đề với phần lưng.
Nằm ngửa trên bề mặt mềm mại để đỡ bị cấn lưng. Nâng cả hai chân lên cao, gập đầu gối ở góc 60 độ. Đẩy một chân về phía trước rồi thu chân lại với chuyển động tròn. Lặp lại với chân bên kia, tưởng tượng như đang đạp xe trên không.
Thực hiện chuyển động chân ít nhất 25-30 lần/lượt và tập 3 lượt, giữa các lượt có đợt nghỉ ngơi 10 giây.
Đạp xe trên không là bài tập mang tính thay thế cho hoạt động đạp xe thực tế nên nếu có điều kiện, bạn hãy đạp xe thực tế để đạt hiệu quả cao hơn.
Theo Phụ nữ số