Đối với tín đồ du lịch, có lẽ thành phố Cape Town của Cộng hòa Nam Phi là một trong những điểm đến không thể bỏ qua trong chuyến hành trình khám phá thế giới tự nhiên.
Không chỉ được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp hoang sơ, những ngọn núi hùng vĩ được bao bọc bởi một vùng biển xanh bao la, khí hậu nơi đây còn cực kỳ ôn hòa, mùa hè ấm áp và mùa đông mát lạnh.
Chính vì vậy, hằng năm nhất là vào mùa hè, Cape Town luôn thu hút lượng lớn khách du lịch từ khắp nơi đổ về.
Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý của tất cả mọi người chính là những tấm biển ghi: “Vặn nước nhỏ lại: Tiết kiệm H20” và “Đừng lãng phí dù chỉ 1 giọt” được trưng khắp sân bay tại đây.
(Ảnh: Internet)
Thành phố Cape Town là điểm đến lý tưởng của hàng triệu tín đồ du lịch. (Ảnh: Internet)
Được biết, Cape Town đang trong thời kỳ hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng gây ra bởi mùa khô bất thường khiến lượng nước bị suy giảm xuống mức thấp đến mức báo động.
Giữa tháng 12 vừa qua, các con đập của thành phố có công suất khoảng 33% khiến chính phủ nơi đây càng lo lắng hơn về “Ngày Zero”.
Tình trạng khi đó sẽ được diễn ra theo kịch bản: công suất của đập sẽ giảm xuống dưới 13,5%, tất cả vòi nước ngưng hoạt động và người dân hằng ngày phải xếp hàng trước 200 địa điểm kiểm soát trên khắp thành phố để nhận nước sạch công cộng, cảnh sát kết hợp với quân đội sẽ nhận nhiệm vụ kiểm tra tình hình.
Dựa trên lượng nước tiêu thụ hiện tại và lượng mưa dự kiến ở thời điểm hiện tại, người ta xác định ngày 29/4/2018 sắp tới sẽ là “Ngày Zero”.
Tiến sĩ Anthony Turton, giáo sư tại Trung tâm Quản lý Môi trường thuộc Đại học Cape Town cho biết Cape Town sẽ là thành phố lớn đầu tiên trên thế giới bị cạn kiệt nguồn nước và điều đó sẽ trở thành sự thật chỉ trong vòng 4 tháng tới.
“Đó không phải là cuộc khủng hoảng sắp xảy ra mà thực tế, chúng ta đang ngày càng lún sâu trong cuộc khủng hoảng ấy”, Tiến sĩ Anthony Turton nói.
(Ảnh: Internet)
Tình hình hạn hán tại Cape Town đang ngày càng nghiêm trọng. (Ảnh: Internet)
Vào tháng 2 sắp tới, khi thành phố tiến hành thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường bổ sung như tái tạo nguồn nước, khử muối… người dân sẽ phải giới hạn lượng nước sử dụng chỉ 87 lít nước mỗi ngày cho mỗi người.
Zara Nicholson, phát ngôn viên của Thị trưởng Patricia de Lille, cho biết: “Khi còn có cơ hội cứu lấy nguồn nước, chúng ta phải chung tay nhau tiết kiệm nước.
Để làm được điều đó, mỗi người dân phải tự ý thức hạn chế sử dụng vòi sen quá 2 phút, tắt vòi nước trong khi đánh răng, tránh xả nước thải thường xuyên, hạn chế tưới nước cho vườn nhà hoặc xả nước bể bơi.
Đồng thời, mọi người được khuyến khích sử dụng chất sát trùng tay thay vì xà phòng và nước.
Thế nhưng, trong lúc chính phủ đang phấn đấu đạt mục tiêu chỉ sử dụng 500 triệu lít nước mỗi ngày thì sự lo lắng cho nguồn nước sẽ biến mất vĩnh viễn vẫn không ngừng dâng cao”.
Mặc dù tình hình đang ngày càng trở nên nghiêm trọng nhưng quan chức nơi đây vẫn chủ trương chào đón khách du lịch. Bà Nicholson phát biểu:
“Du lịch là ngành nghề quan trọng nhất, giúp tạo ra việc làm cho người dân nơi đây. Chính vì vậy, Cape Town luôn sẵn sàng chào đón du khách ghé thăm thành phố xinh đẹp của chúng tôi”.
Vào tháng 12 vừa qua, Cape Town đón khoảng 150.000 lượt khách đến thăm nhưng hầu như không ai ý thức được mức độ nghiêm trọng của việc thiếu nước nơi đây cho đến khi họ đặt chân đến sân bay và nhìn thấy những tấm biển thông báo.
Các chuyên gia cho biết không có lý do gì để cấm cửa khách du lịch nhưng cần thiết nâng cao nhận thức và ý thức của họ về tình trạng nguồn nước nơi đây.
(Ảnh: Internet)
“Khách du lịch khi đến thăm một nơi nào đó cần phải có ý thức trách nhiệm và nên nhận thức được hoàn cảnh tại địa điểm mà họ đang du lịch, bao gồm cả những vấn đề nhạy cảm về tôn giáo hay văn hóa.
Và họ cần biết được rằng, Cape Town đang gặp vấn đề với nguồn nước”, bà Lisa Scriven, giám đốc Levelle Perspectives, dịch vụ phát triển kinh doanh hỗ trợ nguyên tắc du lịch bền vững phù hợp với bối cảnh địa phương cho biết.
Bên cạnh đó, bà Scriven cũng chỉ ra rằng việc gia tăng số lượng du khách không tương quan với lượng nước tiêu thụ.
Ví dụ đơn giản được đưa ra là người dân Cape Town cũng đến nơi khác nghỉ lễ trong khi lượng khách du lịch kéo đến trong thời gian đó chỉ chiếm phần trăm rất nhỏ, từ 1% đến 3%. Thế nên, ngành du lịch vẫn được khuyến khích hoạt động và phát triển.
Thay vào đó, các khách sạn nơi đây phải gửi thông báo cho du khách cần ý thức hơn trong việc sử dụng nước suốt thời gian lưu trú tại Cape Town. Đồng thời, khách sạn cũng phải cung cấp những dịch vụ, thiết bị tốt nhất giảm bớt lượng nước sử dụng hằng ngày.
Một vài khách sạn thân thiện với môi trường trong khu vực đã đặt nhãn dán trong phòng tắm để thông báo về lượng nước nên sử dụng trong 1 lần tắm.
Khách sạn The Taj Cape Town cũng đóng cửa phòng xông hơi, bồn tắm nước nóng trong spa và ngừng cung cấp dịch vụ bồn tắm hoa hồng để giảm thiểu hoạt động lãng phí nước sạch.
Thành phố cũng tổ chức chiến dịch “Tiết kiệm như người địa phương” đối với tất cả du khách để khuyến khích họ sử dụng xô nước thay cho vòi sen để tắm, không yêu cầu khăn tắm mỗi ngày và những hoạt động tiết kiệm nước khác hệt như người dân nơi đây.
Mặc dù mọi thứ có thể thay đổi nếu “Ngày Zero” trở thành sự thật nhưng hiện tại, du khách vẫn được hoan nghênh đến thăm một trong những thành phố đẹp nhất thế giới, trong khi vẫn chấp hành những quy định đối phó với cuộc khủng hoảng nguồn nước nơi đây.
Theo thống kê, ngành du lịch chiếm 9,4% GDP của cả Nam Phi, thế nên đất nước này không thể đánh mất nguồn thu nhập béo bở này.
“Lợi nhuận từ du lịch là huyết mạch của cả nền kinh tế và rõ ràng chúng ta không ai muốn gửi đến mọi người thông điệp rằng cả thành phố này sắp sụp đổ.
Tôi nghĩ điều quan trọng là tất cả các du khách nên nhận thức được sự nghiêm trọng của khủng hoảng nguồn nước và bản thân tôi không muốn họ có những trải nghiệm xấu bởi tình trạng này.
Chúng tôi muốn thu hút khách du lịch đến tận hưởng thành phố đồng thời họ cũng phải chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc đúng đắn đưa ra bởi chính quyền địa phương”, Tiến sĩ Turton nói.
(Nguồn: New York Times)