4 ngày sau khi 'vỡ đê có kế hoạch', dân Chương Mỹ vẫn phải chèo thuyền

Trần Hoàng |

Sau 4 ngày sau sự cố nước tràn đê sông Bùi, nước đã bắt đầu rút nhưng tốc độ rất chậm, khiến nhiều thôn trong 3 xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến và Hoàng Văn Thụ vẫn bị cô lập.

Ngày 12/10, đoạn đê sông Bùi gặp sự cố khiến nước tràn về ngập một vùng rộng lớn ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

Sau 4 ngày, tới nay nhiều nơi trên địa bàn vẫn chìm trong biển nước. Ở các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến… nước ngập ngang thân mình, người dân vẫn đi lại bằng thuyền.

Đại diện Chi cục đê điều Hà Nội cho biết, nước đã rút, hiện chỉ ở mức 6,8 mét, thấp hơn cao trình đê 20 cm, đã hở mặt đê. Tuy nhiên, mực nước rút chậm nên các thôn xã bị cô lập vẫn chưa tiếp cận được với bên ngoài.

Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ cho biết, trong các thôn, xã bị cô lập, vẫn chưa có nơi nào thoát ngập hoàn toàn. Nước đã rút bớt nhưng rất chậm. UBND huyện vẫn liên tục tiếp tế cho các thôn bị cô lập nước, mỳ tôm và nến.

Cụ thể, huyện đã chỉ đạo cấp 1.200 thùng mỳ tôm, 2.200 cây nến, 1.000 bình nước loại 18,9 lít cho người dân vùng lũ.

Trong ngày 15/10, Hội chữ thập đỏ huyện và thành phố Hà Nội đã tới thăm hỏi động viên các hộ dân ở 3 xã ngập nặng nhất là Nam Phương Tiến, Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ.

Qua đó, tặng 300 thùng mỳ tôm, 60 thùng nước uống, 300 đèn pin đa năng và 1,2 tạ gạo cho người dân. “Huyện mới được một nhà tài trợ ủng hộ 3 tấn gạo, dự kiến sẽ đưa đến tay người dân trong chiều hôm nay (16/10)”, lãnh đạo huyện trao đổi.

Cũng trong ngày 16/10 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có công điện yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, kịp thời chỉ đạo ứng phó với mọi tình huống, đề phòng xảy ra sạt lở đất, các sự cố do mưa lũ gây ra, nhất là trong bối cảnh cơn bão số 11 đã tiến vào Biển Đông và sẽ gây mưa lớn.

Cụ thể, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, tỉnh Hòa Bình và các tỉnh Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, làm mực nước các sông trên địa bàn thành phố đều ở mức cao; đặc biệt là lũ từ khu vực tỉnh Hòa Bình đã dồn gây ngập úng thiệt hại nặng các xã phía Tây thuộc huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.

Nhằm tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, kịp thời chỉ đạo ứng phó với mọi tình huống, đề phòng xảy ra sạt lở đất, các sự cố do thiên tai gây ra.

Cần huy động lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục hậu quả, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực nguy cơ sạt lở đất, đảm bảo tính mạng cho người dân.

Phải tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt những gia đình có người bị nạn, hỗ trợ cửu chữa người bị thương, tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; bảo vệ hệ thống đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi, nhất là các khu vực xung yếu.

Cùng đó, cần huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường sau lũ; khôi phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, đảm bảo sớm ổn định sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Sở NN&PTNT phối hợp các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, chỉ đạo kiểm tra, tập trung khắc phục nhanh các sự cố đê điều, hồ đập, tiêu úng bảo vệ sản xuất.

Tổng Công ty Điện lực Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, khẩn trương khắc phục các hư hỏng về điện; sớm đảm bảo có điện ổn định để phục vụ công tác phục hồi sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Chiều 13/10, tại buổi thông tin về công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ ngày 10 đến 12/10, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) đã trao đổi với báo chí về sự cố ở đê hữu Bùi tại xã Hoàng Văn Thụ ( huyện Chương Mỹ).

Theo ông Thịnh, hữu Bùi là vùng chứa lũ và trong phương án bảo vệ chỉ ưu tiên đê tả Bùi. "Đê hữu Bùi chỉ được đắp đến cao trình dương 6,5 và khi mực nước sông Bùi vượt độ cao này, tức là chuẩn bị vượt mức báo động 3 thì sẽ cho nước tràn qua đê", ông Đỗ Đức Thịnh nói.

Đêm 11, rạng sáng 12/10, đê hữu Bùi đã tràn toàn tuyến với 9.900 m. Khoảng 6h sáng 12/10, hai đốt bê tông được gia cố cho dân đê bị sạt phần chân và với áp lực nước cuốn trôi hai đoạn đường bê tông, với chiều dài khoảng 10 m.

"Người dân nhìn vào thì nói vỡ đê chưa hẳn đúng mà trong quá trình nước tràn thì một điểm đê bị mất chân và phá luôn điểm đó. Nước sau đó tràn vào vùng chứa lũ và chúng tôi đã chủ động đưa nước vào vùng bờ lũ của sông Bùi để đảm bảo an toàn cho đê tả Bùi", vị Chi cục trưởng thông tin.

Ông Thịnh lý giải việc vỡ này hay còn gọi tràn để vỡ chân đê là chủ động và vào vùng chứa lũ chứ không phải vào vùng được bảo vệ tuyệt đối.

"Như tôi đã nói thì dân nhìn vào thấy vỡ đê nhưng chúng ta có thể nói là vỡ có kế hoạch, nằm ở trong khu thoát lũ chứ không phải bất ngờ trong chuyện đối phó", ông Thịnh nói.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại