4 lý do phía sau sự im lặng của nạn nhân bị quấy rối tình dục

Minh Đức |

Lên tiếng khi bị quấy rối tình dục không đơn giản như việc tố cáo gian lận hay một vấn đề trắng đen rõ ràng.

“Tại sao bị quấy rối tình dục mà không lên tiếng?”

“Tại sao sự việc diễn ra cả năm rồi mới đi tố cáo?”

“Sự việc diễn ra vài năm rồi mới đi trình báo, chắc là mối quan hệ không ổn nên mới làm quá lên là bị quấy rối tình dục chứ gì"

Đây là cách nhiều người chất vấn nạn nhân bị quấy rối tình dục khi các nạn nhân không chọn lên tiếng tố cáo kẻ quấy rồi tính dục ngay lập tức mà thường để sau đó một thời gian. Phong trào #MeToo diễn ra sau những bê bối quấy rồi, xâm hại tính dục kéo dài cả hàng thập kỷ nhưng mãi đến những năm 2017, 2018 mới thực sự được công chúng quan tâm. Câu hỏi “tại sao bị quấy rối tình dục mà không lên tiếng" dồn nạn nhân vào thế phải giải thích cho bản thân, trong khi đây không phải vấn đề chính trong các vụ xâm hại/quấy rối tình dục. Vấn đề chính phải là, “tại sao quấy rối tình dục diễn ra?”.

4 lý do phía sau sự im lặng của nạn nhân bị quấy rối tình dục- Ảnh 1.

2381be278743-1ba6-48de-9396-4e0e9a73171f-0721.jpg

Tôi không đi vào câu hỏi “Tại sao quấy rối tình dục lại diễn ra?” vì nhiều người đã trả lời rồi. Điều gì lý giải cho sự im lặng của nạn nhân - thường là phụ nữ? Vì họ “lật kèo", vì họ “không đến được đâu nên mới quay ra tố cáo?” hay vì họ “bịa chuyện để hại ai đó?”.

Im lặng, cả trong quá trình bị quấy rối hay sau khi bị quấy rối tình dục, không phải điều hiếm gặp. Với trường hợp khi bị quấy rối tình dục, nhiều nhà nghiên cứu não bộ và xã hội học cho rằng, một số nạn nhân chuyển sang trạng thái “frozen" (đông cứng) khi đối mặt với nguy hiểm. Hiện tượng này được gọi bằng cái tên “tonic immobility", phổ biến trong thế giới tự nhiên khi nhiều loại động vật thường giả chết hay không cử động khi phải đối mặt với nguy hiểm. Một nghiên cứu từ những năm 1970 tại bệnh viện thành phố Boston, Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, có 34/92 nạn nhân khi bị xâm hại/quấy rối tình dục đã “hoàn toàn tê người, co quắp, không cử động được".

Vậy còn khi vụ việc đã diễn ra, tại sao nạn nhân cũng không lên tiếng?

Cần phải nhớ rằng, việc không lên tiếng không phải vấn đề cá biệt mà diễn ra phổ biến với nhiều nạn nhân. Một nghiên cứu vào năm 2000 tại Mỹ cho biết, khoảng ⅔ phụ nữ trong các trường đại học là nạn nhân của việc quấy rối tình dục nhưng có ít hơn 5% trong số đó báo cáo lại vụ việc với cảnh sát. Các nghiên cứu mới hơn vào khoảng những năm 2014 - 2015 cũng chỉ ra rằng, đại đa số nạn nhân (80-94%) phụ nữ không tố cáo những kẻ quấy rối tình dục tới cơ quan chức năng, trong nghiên cứu này là các trường đại học.

Các nghiên cứu về vấn đề này ở Việt Nam còn hạn chế nhưng nhìn từ số liệu trên, người ta có thể hình dung được câu chuyện ở Việt Nam - có thể những con số trên còn nhỏ hơn rất nhiều khi truyền thống Á Đông luôn dạy phụ nữ phải thu mình, cam chịu, chấp nhận việc để đàn ông “đùa có chút xíu thôi mà, có gì căng?”.

Nếu đi sâu hơn vào câu chuyện  tại sao phụ nữ không lên tiếng khi bị quấy rối tình dục,  có 4 lý do chính cản trở việc phơi bày các vụ việc quấy rối tình dục ra ánh sáng.

Sang chấn tâm lý sau quấy rối tình dục

Sang chấn tâm lý sau các vụ quấy rối tình dục diễn ra dưới nhiều hình thức. Sau những vụ quấy rối tình dục, nạn nhân trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: Hoảng loạn, mệt mỏi, đau đớn, lo lắng, mất kiểm soát, trầm cảm. Trải nghiệm trên sẽ khác nhau tùy vào độ tuổi, khả năng đối diện vấn đề, mức độ hỗ trợ từ những người xung quanh. Có những người mất một vài tuần để vượt qua nhưng không ít người dành nhiều năm để phần nào vượt qua hậu quả của các vụ quấy rối tình dục.

4 lý do phía sau sự im lặng của nạn nhân bị quấy rối tình dục- Ảnh 2.

2382ddef6543-c7bc-47ab-b8d3-9e2c51176e41-0721.jpg

Sau các vụ quấy rối tình dục, não bộ đưa chúng ta vào “survival mode" (trạng thái sinh tồn). Thay vì nghĩ tới việc kiện tụng, tố cáo, đa phần nạn nhân cần tập trung để vượt qua sang chấn tâm lý. Nhiều nghiên cứu thần kinh học chỉ ra rằng khi não bộ đưa chúng ta vào trạng thái sinh tồn, phần não thực hiện việc tư duy logic hoạt động kém đi và những ký ức trong các vụ quấy rối tình dục được lưu trữ theo một cách khác khiến việc tiếp cận, ghi nhớ trở nên khó khăn. Điều này không có nghĩa rằng những chia sẻ của họ yếu hay thiếu uy tín, chỉ đơn giản rằng não bộ đưa nạn nhân vào trạng thái để giúp họ an toàn.

Tự trách bản thân, cảm giác tội lỗi và xấu hổ

“Em đã đi cùng anh ta… Đáng nhẽ ra em không nên uống nhiều rượu…. Em đã không từ chối…. Em quá yếu để kháng cự… Đó là lỗi của em…”

Việc đổ lỗi cho nạn nhân là một điều phổ biến. Điều này gây hại cho các nạn nhân của quấy rối tình dục theo hai cách: Công chúng có cái nhìn không thiện cảm với nạn nhân dễ dẫn đến vụ việc không bao giờ được đưa ra ánh sáng và quan trọng hơn, các nạn nhân đôi khi sẽ tự trách mình, cho rằng đó là lỗi lầm của mình. Các nhà tâm lý cho rằng, việc tự trách mình như vậy khiến nhiều nạn nhân cảm thấy có thể kiểm soát vấn đề - họ cho rằng chỉ cần thay đổi bản thân, xã hội sẽ trở nên an toàn hơn.

Đấy là lý do, sẽ cần thời gian để thay đổi cách nhìn của nạn nhân về mấu chốt của quấy rối tình dục, tuỳ vào sự hỗ trợ của những người xung quanh. Khi các nạn nhân hiểu được rằng, họ không phải đối tượng cần thay đổi và gạt bỏ được sự xấu hổ, khi đó họ mới có thể lên tiếng để tố cáo. Đôi khi quá trình thay đổi nhận thức này diễn ra mất nhiều thời gian.

Định kiến xã hội - “không ai sẽ tin mày đâu"

Nhiều nạn nhân của quấy rối tình dục khi chia sẻ câu chuyện thường gặp phải sự hoài nghi, thậm chí đổ lỗi từ những người xung quanh. Các nạn nhân sợ rằng, họ sẽ gặp phải sang chấn tâm lý lần 2 khi chia sẻ sự việc. Sang chấn tâm lý lần hai thậm chí còn nguy hiểm hơn hậu quả của việc quấy rối khi nạn nhân phải đối mặt với nhiều chỉ trích hơn, gối đầu lên những tổn thương sẵn có từ việc bị quấy rối tình dục.

Trong nhiều bối cảnh văn hoá xã hội, quấy rối tình dục vẫn còn là một khoảng xám và nhiều người thiếu hiểu biết về quấy rối tình dục. Một ví dụ đơn giản là câu chuyện quấy rối tình dục trong mối quan hệ vợ chồng. Tôi từng xem một video thử nghiệm xã hội tại Ấn Độ khi nạn nhân đi tố cáo chồng mình hiếp dâm và đa phần phản ứng của người tiếp nhận thông tin (cơ quan chức năng, cảnh sát…) đều bật cười, cho đó là điều vô lý. Nhiều nền văn hoá cho rằng, khi đã ở trong một mối quan hệ ràng buộc như vợ chồng, việc người chồng thực hiện hành vi quan hệ tình dục dù không có sự đồng thuận của người vợ là điều chấp nhận được.

Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về những rào cản và định kiến văn hoá - xã hội cản trở nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ.

Nỗi sợ kẻ quấy rối hoặc bảo vệ kẻ quấy rối

Trong rất nhiều vụ quấy rối tình dục, kẻ quấy rối lại chính là một người thân trong gia đình, thậm chí là mối quan hệ rất thân thiết như bố mẹ. Khi đó, nạn nhân của việc quấy rối tình dục sẽ trải qua nỗi sợ nếu phải tố cáo chính người thân của mình, hoặc bối rối với câu hỏi “liệu tố cáo người thân trong gia đình có phải việc nên làm không?”, hoặc mong muốn bảo vệ kẻ quấy rối vì bị thao túng tâm lý, “nếu con kể việc này ra cho người khác, bố sẽ phải đi tù, ai sẽ chăm sóc con?”. Nạn nhân khi đó phải trải qua rất nhiều cảm xúc hỗn loạn và cuối cùng chọn giải pháp im lặng.

Chúng ta có thể dễ dàng nói rằng, “không, như vậy là sai, phải tố cáo!” nhưng khi đặt mình vào vị thế của nạn nhân, đôi khi việc đưa đến một kết luận khẳng khái như vậy không dễ dàng và cần thời gian.

4 lý do phía sau sự im lặng của nạn nhân bị quấy rối tình dục- Ảnh 4.

2383846bd829-da1a-4d09-a75c-e12f5b332d08-0721.jpg

Một điều đáng buồn rằng trong nhiều vụ quấy rối tình dục, nạn nhân không chỉ trải qua một cảm xúc, một vấn đề riêng lẻ mà phải đối mặt với cả 4 vấn đề, đặc biệt với nhóm các nạn nhân nữ tuổi còn nhỏ và đối tượng quấy rối là chính người thân trong gia đình.

Tạm kết: Giải quyết việc quấy rối tình dục không phải một điều dễ dàng. Tuy nhiên, tôi tin rằng khi mỗi người đọc hiểu được lý do đằng sau sự im lặng của nạn nhân, chúng ta có thể tiếp cận vấn đề một cách phù hợp hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại