Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), một số loại hoa cắm làm đẹp trong nhà có hoạt chất sinh học rất mạnh, thậm chí gây độc khi tiếp xúc hoặc ăn nhầm, nhất là khi trong nhà có trẻ nhỏ. Trong đó, có những hoa ăn vào mới gây độc, nhưng cũng có loài chỉ cần đụng trúng phần nhựa là gây kích ứng da hoặc niêm mạc dữ dội, gây ngứa, đỏ, sưng, rát, bỏng,… Nếu nhựa bắn vào mắt thì rất nguy hiểm.
Dưới đây là một số loại hoa thường được cắm làm đẹp trong nhà có chứa độc tố mà mọi người cần lưu ý:
Hoa thiên điểu
Hoa thiên điểu hay còn gọi là hoa chim thiên đường rất được ưa chuộng và thường được cắm trong các lọ lớn, trưng ở các hội nghị, hội thảo, hội trường lớn mang đến vẻ đẹp sang trọng.
Loại hoa này cũng thường được trồng bên hiên nhà, lối ra vào, ban công, gần bờ hồ...
Hoa thiên điểu, nguồn ảnh: Internet.
Tuy đẹp, được cắm và trồng nhiều trong nhà nhưng loại hoa này lại có chứa độc tố. Bác sĩ Tấn Vũ cho hay: "Hoa và hạt của cây có các chất gây ngộ độc đường ruột. Tiếp xúc hoặc ăn hoa, hạt sẽ khiến buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt, bỏng rát lưỡi và nếu đứng lâu ngửi hoa sẽ gây cảm giác khó chịu. Vì thế không nên ngửi hoa, đứng gần hoa lâu, đặc biệt không để trẻ nhỏ tiếp xúc với hoa".
Hoa loa kèn
Chắc hẳn trong mỗi chúng ta chẳng ai xa lạ gì với hoa loa kèn. Loại hoa này thường được bày bán ngập tràn trên các con phố.Những bông hoa loa kèn có mùi thơm dịu nhẹ, vì thế đặt bình hoa loa kèn trong nhà không chỉ giúp làm đẹp không gian mà còn mang đến cho chúng ta cảm giác rất dễ chịu.
Hoa loa kèn, nguồn ảnh: Internet.
Bác sĩ Tấn Vũ lưu ý, trong phần củ và nhựa của cây hoa loa kèn có chất độc lycorine gây tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa nếu ăn nhầm. Nuốt phải nhựa cây có thể gây nôn mửa, chất này tiếp xúc trực tiếp sẽ gây bỏng rát, ngứa da. Do đó, nên thận trọng khi cắm hoa, cũng như không ăn nhầm phải phần củ hay nhựa cây hoa này.
Hoa ly lửa
Hoa ly lửa mang trong mình chất độc chết người phía sau sắc đẹp của những đoá hoa. Theo bác sĩ Tấn Vũ, hoa ly lửa là loài hoa đẹp nhưng tất cả các bộ phận của cây hoa đều chứa chất độc có thể giết chết người và động vật lớn.
Hoa ly lửa, nguồn ảnh: Internet.
Phần rễ củ của cây chứa nhiều độc chất như: colchicine, alkaloid gloriocine. Chỉ sau hai giờ trúng độc, nạn nhân có biểu hiện buồn nôn, nôn, tê bì và ngứa ran xung quanh miệng, rát cổ họng, đau bụng, tiêu chảy ra máu, dẫn đến tình trạng mất nước. Khi chất độc tiến triển trong cơ thể sẽ khiến tiêu cơ vân, tắc ruột, suy hô hấp, hạ huyết áp, rối loạn đông máu, đái ra máu, co giật, hôn mê và tổn thương đa thần kinh. Với phụ nữ, chất độc còn gây lột da và chảy máu âm đạo.
Hoa lan ý
Hoa lan ý còn được gọi là bạch môn, vỹ hoa trắng hay cây huệ hòa bình.Loại hoa này có màu trắng thanh khiết, phần nhụy hoa màu vàng nhạt trông rất đẹp mắt và hoa nở lâu tàn nên là một loại cây cảnh phù hợp để trong nhà.
Bác sĩ Tấn Vũ tư vấn: "Trong phần lá và củ của cây, người ta phát hiện chất canxi oxalat gây độc cho đường ruột. Nếu ăn một lượng rất nhỏ thì đối với người trưởng thành độc tính cũng chưa quá nghiêm trọng.
Trẻ em chẳng may ăn phải cócác triệu chứng như: ngứa, nóng rát và sưng môi, miệng và lưỡi. Nếu ăn một lượng đủ lớn, trẻ sẽ bị tiêu chảy, buồn nôn, ngạt thở hay thậm chí là suy thận. Bởi vậy nếu trồng cây trong nhà nên chú ý đặt cây tại vị trí ngoài tầm với của trẻ nhỏ và vật nuôi".
Hoa lan ý, nguồn ảnh: Internet.
Theo bác sĩ Tấn Vũ, khi đã biết các loại cây có độc, khi cắm hoặc trồng bạn cần lưu ý những điểm sau:
- Cắm hoa, cắt tỉa các loại hoa trên, cần sử dụng dụng cụ riêng, rửa sạch sau khi làm xong.
- Sử dụng găng tay, đeo kính, khẩu trang,… khi chăm sóc và cắm hoa.
Ngoài ra, bác sĩ Tấn Vũ còn lưu ý, một số người dị ứng phấn hoa nên tránh các loài hoa có nhiều phấn như: cúc, cúc họa mi, thược dược, cúc đại đóa, cúc đồng tiền, hoa hướng dương,…