Theo bác sĩ Xu Zhiyu (Đài Loan, Trung Quốc), cách chúng ta sử dụng mới là yếu tố quan trọng quyết định lợi ích của một loại thực phẩm. Có một số thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng nếu dùng quá ít có thể sẽ chưa đủ để tác động, trong khi dùng quá nhiều lại gây tác dụng phụ hay thậm chí là bệnh tật.
Trong đó, có 4 loại nước vốn tốt cho sức khỏe nhưng khi uống nhiều dễ tăng cân vùn vụt, làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật được bà nhắc nhở:
1. Nước ép trái cây
Bác sĩ Xu cho biết, nước ép trái cây không mang đến giá trị dinh dưỡng cao như khi ăn trực tiếp. Một số loại trái cây sẽ bị mất đi rất nhiều chất dinh dưỡng khi bị ép thành nước và giảm lượng chất xơ, dễ tăng tổng lượng đường hấp thụ trong ngày.
Bởi để có một ly nước ép trái cây chúng ta sẽ phải dùng nhiều trái cây hơn ăn tươi, dễ khiến tổng lượng đường tăng theo tổng lượng nước ép, ngay cả khi bạn không thêm đường. Điều này không tốt cho sức khỏe cũng như cân nặng. Nhất là nước ép trái cây đóng hộp thì càng không nên uống quá nhiều bởi nhiều đường, chất phụ gia, chất bảo quản.
Các nghiên cứu cho thấy những người uống 1 hoặc nhiều ly nước ép trái cây mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tăng 21%. Trẻ em có hệ tiêu hóa còn non nớt dễ không dung nạp đường fructose, làm tăng nguy cơ bị tiêu chảy.
“Vì trái cây có chứa đường fructose, và đường fructose trong trái cây sẽ dễ dàng hấp thụ hơn bằng cách ép trái cây thành nước trái cây. Chất lỏng được cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn chất lỏng, huyền phù và chất rắn, vì vậy một khi trái cây được ép trái cây, đường fructose sẽ được hấp thụ nhanh hơn và nhiều hơn. Trẻ em trên 7 tuổi và người lớn không nên uống quá 240ml nước ép trái cây mỗi ngày, tốt hơn là nên ăn thêm trái cây tươi” - bà nói thêm.
2. Trà
Trà được cho là một loại đồ uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe, thậm chí phòng chống được các gốc oxy tự do gây bệnh tật và làm chậm lão hóa. Tuy nhiên, trà cũng chỉ tốt nếu bạn uống điều độ, nếu uống vô tội vạ thì cũng không hề tốt mà còn gây hại cho sức khỏe.
Uống 2 - 3 tách trà xanh mỗi ngày được coi là an toàn cho hầu hết người lớn và tốt nhất không nên uống quá 5 tách trà 1 ngày. Có những rủi ro khi tiêu thụ trà ở nồng độ cao, đặc biệt là dưới dạng chiết xuất. Tiêu thụ quá mức, nồng độ EGCG, catechin và caffeine cao hơn, có thể gây ra một số tác dụng phụ như khó chịu ở dạ dày, mất ngủ, phát ban trên da, tăng huyết áp, thiếu máu…
Trong một số ít trường hợp, chiết xuất trà xanh có thể gây ra các vấn đề về gan. Trong trà có nhiều florua (một hợp chất dinh dưỡng), uống quá nhiều có thể gây hại cho thận, thậm chí gây suy thận.
Ngoài ra, bác sĩ Xu nhắc nhở thêm rằng: "Việc tiêu thụ nhiều trà xanh có thể tương tác với một số loại thuốc kê đơn như thuốc trị mỡ máu statin, thuốc kháng sinh và thuốc chẹn beta (trị tăng huyết áp)… Chất tanin trong trà làm giảm sự hấp thu axit folic nên các bà mẹ mang thai được khuyên không nên uống trà trong thai kỳ".
3. Sữa động vật
Sữa nói chung và sữa động vật (dê, bò…) nói riêng vốn là thực phẩm tự nhiên giàu dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc uống quá nhiều sữa sẽ phản tác dụng và đem lại những tác hại không mong muốn. Nghiên cứu của Thụy Điển cho thấy, mặc dù sữa có thể tốt, nhưng uống quá nhiều sữa - từ 3 ly trở lên mỗi ngày, sẽ có tỷ lệ tử vong cao hơn so với uống chỉ 1 ly.
Theo giải thích của bác sĩ Xu: “Trong sữa động vật chứa hàm lượng dinh dưỡng và chất béo cao khiến bạn tăng cân nhanh chóng. Đồng thời, uống quá nhiều sữa có thể gây đầy bụng, khó tiêu, thậm chí là rối loạn tiêu hóa. Chưa kể, uống sữa quá nhiều còn được cho là tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường - nhất là nếu bạn dùng sữa tách béo, ít béo. Uống sữa quá mức còn gây mụn, rối loạn nội tiết, tăng nguy cơ dậy thì sớm… Tốt nhất là chỉ uống 1 ly khoảng 200 - 300ml mỗi ngày và không uống quá 500ml dù là người trưởng thành”.
Ngoài ra, chúng ta đều biết uống sữa giúp xương săn chắc và khỏe mạnh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Anh phát hiện ra rằng những người uống càng nhiều sữa thì khả năng bị gãy xương hông càng cao, đặc biệt ở phụ nữ. Cụ thể, uống trên 3 ly sữa/ngày thì tăng nguy cơ gãy xương. Nhưng nếu uống điều độ khoảng 1 ly mỗi ngày thì lại tốt cho xương.
4. Nước uống thể thao
“Mặc dù đồ uống thể thao thực sự có thể nâng cao hiệu suất tập thể dục khi tiêu thụ đúng lúc, nhưng việc sử dụng không đúng cách có thể gây ra các vấn đề về béo phì và mất nước. Thậm chí, giá trị thật của nó đang được tiếp thị thổi phồng quá mức, dẫn tới nhiều người cho rằng nó tốt ở mọi thời điểm, lứa tuổi và uống ngay cả khi không tập luyện. Điều này mang lại nhiều rủi ro lớn, nhất là với trẻ em” - bác sĩ Xu chia sẻ.
Các ước tính cho thấy đồ uống thể thao chiếm khoảng 26% tổng lượng đồ uống có đường ở thanh thiếu niên. Nước uống thể thao chứa ít đường hơn so với soda và nước tăng lực, nhưng thành phần trong nó vẫn chứa nhiều đường và là loại đường đơn không tốt cho sức khỏe.
Uống quá nhiều những loại đồ uống này, đặc biệt là khi không tập thể dục mạnh, có thể làm tăng nguy cơ thừa cân/ béo phì và các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và bệnh gút. Ngoài ra còn tăng cao nguy cơ bị sâu răng. Ngoài ra, trẻ em có cơ chế chuyển hóa, đào thải đường và natri thấp hơn nên khi uống loại nước này quá độ sẽ gây hại nhiều hơn.
Tốt nhất chỉ nên uống theo đúng công dụng: khi tập thể thao, vận động mạnh. Nếu bạn thực hiện các bài tập nhẹ đến vừa phải, chẳng hạn như đi bộ hoặc chạy bộ... trong vòng chưa đến 1 tiếng, bạn có thể không cần sử dụng đồ uống thể thao. Không uống nước uống thể thao thay thế hoàn toàn nước lọc và dù vận động mạnh cũng chỉ nên uống dưới 1,5 lít mỗi ngày.