Một số loại đồ uống có chứa các chất gây ảnh hưởng tới quá trình sản xuất axit trong dạ dày, khiến cơ thể bị mất nước, gây ảnh hưởng tới niêm mạc dạ dày và ruột. Khi đường tiêu hóa trở nên nhạy cảm hơn, có thể sẽ có một số phản ứng như buồn nôn, ợ chua, khó tiêu, đau bụng hoặc tiêu chảy.
Các chuyên gia cho biết dưới đây là 4 loại đồ uống có thể gây ảnh hưởng cho hệ tiêu hóa nếu sử dụng không đúng cách.
Cà phê
Mặc dù cà phê mang lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe nhưng trong một số trường hợp, hàm lượng caffeine trong cà phê cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa.
Trên thực tế, việc tiêu thụ caffeine đôi khi có thể làm chậm quá trình tiêu hóa của cơ thể do caffeine có khả năng giải phóng các hormone gây căng thẳng như cortisol, adrenaline và norepinephrine, có thể làm tăng nhịp tim đồng thời tăng mức năng lượng của bạn. Điều này khiến nguồn cung cấp máu đến ruột giảm đi và gây ảnh hưởng đến tốc độ tiêu hóa của cơ thể.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cà phê đôi khi có thể gây kích thích quá mức tới quá trình sản sinh axit dạ dày, gây trào ngược axit dạ dày và ợ nóng. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn uống cà phê khi đói bụng hoặc bạn đã mắc sẵn bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
Chuyên gia dinh dưỡng Caroline Thomason cũng cho biết: "Cà phê có tác dụng nhuận tràng đối với một số người. Đặc biệt, những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) có thể sẽ nhạy cảm với cà phê, dễ bị tiêu chảy khi sử dụng loại đồ uống này".
Ảnh minh họa.
Rượu bia
Các loại đồ uống có cồn thường khiến cơ thể cảm thấy nôn nao dữ dội và thậm chí có thể gây rối loạn tiêu hóa, viêm loét, ung thư thực quản, các bệnh về gan, tụy hoặc thậm chí là ung thư đại trực tràng.
Chuyên gia Thomason cho biết: “Rượu đặc biệt ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa vì gan sẽ ưu tiên lọc các chất có trong rượu bia. Vì vậy, khi bạn vừa ăn vừa uống rượu bia, quá trình tiêu hóa sẽ bị trì hoãn cho đến khi cơ thể đào thải hoàn toàn rượu bia ra ngoài”.
Chuyên gia dinh dưỡng Toby Amidor cho biết, các nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêu thụ một lượng lớn rượu bia thường xuyên cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm đường ruột.
Ngoài ra, rượu làm giãn vòng cơ ở đáy thực quản, khiến axit trào ngược vào thực quản. Rượu bia còn kích ứng niêm mạc thực quản gây sưng và viêm, khiến các vết loét tiến triển gây đau khi nuốt, nôn mửa và chảy máu.
Uống quá nhiều rượu bia cũng có thể gây ảnh hưởng xấu tới gan, tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ, suy gan, xơ gan thậm chí là ung thư gan.
Ảnh minh họa.
Đồ uống có ga
Các loại đồ uống có ga như nước ngọt cũng có thể góp phần gây rối loạn tiêu hóa. Uống nước ngọt mỗi ngày cũng sẽ làm hỏng hệ tiêu hóa của bạn. Trong nước ngọt có nhiều chất phụ gia, hóa chất và chất bảo quản làm tổn thương bề mặt của ruột và dạ dày. Tiêu thụ hàng ngày loại đồ uống có tính axit này cũng có thể tạo ra môi trường axit kéo dài và dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày.
Chuyên gia Thomason nói: “Đồ uống có ga có thể gây đầy hơi hoặc ợ nóng cho một số người”.
Chuyên gia Amidor bổ sung thêm: “Một số người dùng báo cáo rằng nước ngọt có ga có thể gây đầy hơi hoặc chướng bụng”.
Chuyên gia Thomason khuyến khích mọi người nên sử dụng các loại nước chứa ít đường bổ sung hơn là nước ngọt có ga chẳng hạn như sinh tố, nước trái cây. Các loại đồ uống từ hoa quả này chứa nhiều chất xơ có lợi cho sức khỏe tiêu hóa.
Ảnh minh họa.
Nước tăng lực
Chuyên gia dinh dưỡng Lauren Manaker cho biết: "Các loại nước tăng lực chứa nhiều đường, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ vi sinh vật đường ruột. Các loại đồ uống này cũng rất nghèo chất dinh dưỡng và không có chất xơ”.
Thomason giải thích: "Nước tăng lực có thể tác động đến hệ tiêu hóa tương tự như cà phê do chúng có chứa caffeine. Tuy nhiên, nước tăng lực cũng thường được thêm các chất ngọt nhân tạo như maltitol hoặc xylitol. Vi khuẩn trong đường ruột không thể tiêu hóa các loại đường này, do đó sử dụng quá nhiều nước tăng lực có thể gây ra tình trạng chướng bụng, đầy hơi".
Nhiều người nhạy cảm với caffeine cũng có thể gặp tình trạng khó tiêu, đi ngoài sau khi uống một lượng caffeine nhỏ.
Chuyên gia Amidor nói : “Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều nước tăng lực có liên quan đến viêm dạ dày mạn tính, một tình trạng mà niêm mạc dạ dày bị tổn thương lâu dài. Tuy nhiên, vẫn cần có nhiều bằng chứng cụ thể hơn để chứng minh luận điểm này”.
Ảnh minh họa.