"Cải cách tiền lương" là một trong ba đề án quan trọng được Ban chấp hành Trung ương Đảng thảo luận tại Hội nghị lần thứ 7 đang diễn ra.
Quan điểm của đề án cải cách chính sách tiền lương lần này tập trung vào vấn đề tiền lương phải là thu nhập chính và phải bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình. Đồng thời, đề cập thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và lương tối thiểu vùng để đến năm 2020 đảm bảo mức sống tối thiểu.
Những mục tiêu an sinh này đã xuyên suốt 4 lần cải cách tiền từ những năm 1960, 1985, 1993, 2004. Mặc dù vậy, một nghịch lý vẫn tồn tại đó là nhiều lao động khu vực doanh nghiệp vẫn chẳng đủ sống sau rất nhiều đợt tăng lương.
Các bất cập trong chi trả lương cho người lao động trong khu vực công vẫn tồn tại.
Báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam năm 2017, cho hay, đến nay tiền lương tối thiểu vẫn mới chỉ đáp ứng 94% nhu cầu sống tối thiểu của người người lao động và gia đình họ.
Cùng với đó, có 51,3% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống, 20,6% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ. Đáng nói, có 12% cho rằng thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% có tích lũy từ thu nhập.
Nhiều người lao động lo ngại, nếu chỉ dựa vào tiền lương thì vẫn không đủ sống.
Người lao động vẫn chưa thể đủ sống và nâng cao chất lượng cuộc sống nếu chỉ dựa vào tiền lương (hình minh họa).
Bù thêm bao nhiêu vào lương để đủ sống?
Từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở sẽ chính thức được điều chỉnh tăng từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, tức tăng 90.000 đồng/tháng.
Như vậy, tính nhanh đối với một cán bộ, công chức, viên chức ở thành phố, với hệ số lương hưởng 3.0, mức lương thực hiện từ 1/7/2018 sẽ là:
Mức lương cơ sở 1.390.000 đồng/tháng x 3.0 = 4.170.000 đồng/tháng (chưa tính phụ cấp).
Một cử nhân mới ra trường, mức lương sau đợt tăng này sẽ là:
Mức lương cơ sở 1.390.000 đồng/tháng x 2,34= 3.252.6000 đồng/tháng (chưa tính phụ cấp).
Sau đợt điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2018, đối với lao động tự do ngoài doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội, tiền lương cơ bản sẽ không thể thấp hơn mức:
Lương tối thiểu vùng 3.980.000 đồng/tháng + (3.980.000 đồng x 7%) = 4.258.600 đồng (với khu vực Hà Nội).
Như vậy, trung bình với mức lương từ 3,3 – 4,5 triệu đồng, ở khu vực nông thôn, người dân có thể đảm bảo phần nào nhu cầu cuộc sống vì sức ép giá cả, dịch vụ không quá lớn. Tuy nhiên, nếu ở thành phố, để "sống khỏe", người lao động phải co kéo trước cơn bão giá.
Cụ thể, trung bình, chi phí cơ bản cho một cá nhân bao gồm tiền ăn (khoảng 2 triệu đồng/tháng), thuê nhà (nếu có, khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng), di chuyển (xăng xe hoặc vé xe, gửi xe khoảng 200.000 – 500.000 đồng).
Các hoạt động khác như mua sắm nhu yếu phẩm, đám tiệc, gặp gỡ bạn bè hoặc đau ốm, thăm khám sức khỏe, nếu chi tiêu tằn tiện nhất vào khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/tháng.
Tổng chi phí cá nhân chi tiêu tiết kiệm nhất là 4,5 – 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, nhiều người lao động phải kiếm thêm khoảng 1-1,5 triệu đồng/tháng mới mong đủ trang trải.
Mức lương tối thiểu vùng 2018 theo Nghị định 141/2017/NĐ-CP đã tăng khoảng 6,1% - 7% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2017.
Với hộ gia đình, nếu chỉ sống bằng tiền lương, tài chính được xem là gánh nặng. Bên cạnh các nhu cầu cơ bản, chi phí nuôi dạy, thăm khám sức khỏe cho trẻ nhỏ cũng là vấn đề cần bàn tới.
Chị Thanh Hà (32 tuổi, Thành Công, Hà Nội) cho biết, sau 4 lần tăng lương, thu nhập của chị mỗi tháng là 6 triệu đồng. Thu nhập hai vợ chồng là 13 triệu đồng.
Sau khi trừ đi tiền bảo hiểm xã hội, các khoản tiền ăn, điện nước, di chuyển của vợ chồng và một con nhỏ (khoảng 8 triệu đồng/tháng), số tiền còn lại là 5 triệu đồng được xẻ nhỏ, chi cho rất nhiều hoạt động.
Trong đó, mỗi tháng tiền học cho con khoảng 2,5- 3 triệu đồng, chị chỉ còn lại khoảng 2 triệu để chi tiêu cho cưới hỏi, đám giỗ…
"Đó là chưa kể, gia đình tôi may mắn không phải đi thuê nhà. Tháng nào con ốm hoặc có công việc phát sinh thì 13 triệu đồng là không đủ tiêu. Vì thế, vợ chồng tôi phải tranh thủ làm thêm bên ngoài.
Tính trần mức lương hiện tại, nếu không có khoản làm ngoài giờ, trợ cấp thêm từ phía cơ quan, doanh nghiệp, người lao động rất khó để đủ sống, chưa nói đến là sống tốt, sống ổn, có chất lượng", chị Hà chia sẻ.
Khi đề cập đến vấn đề người lao động có đủ sống hay không, có ý kiến quan ngại mức tiền lương tối thiểu hiện nay chưa hỗ trợ được nhóm lao động là người lớn tuổi và người trẻ tuổi có trình độ giáo dục thấp, từ nông thôn, miền núi ra thành phố tìm việc làm.
"Thực tế, nhiều lao động làm việc tại các cơ sở may gia công nhỏ, tiệm gội đầu, hàng ăn hay công trường xây dựng, bến xe khách… không được hưởng tiền lương đến 3 triệu đồng/tháng. Họ phải sống chui rúc trong các khu nhà trọ ổ chuột, chật chội và ăn những xuất ăn chỉ 10.000 đồng để tiết kiệm tiền lương.
Làm sao để chính sách cải cách tiền lương có thể mang lại tác động tốt cho tất cả người lao động là điều hết sức cẩn thiết", anh Nguyễn Thành Minh (trú tại Thụy Khuê, Hà Nội) bày tỏ quan điểm.
Không sống bằng lương thì sống bằng gì?
Một trong những vấn đề bất cập cần được thay đổi, nêu trong đề xuất cải cách tiền lương lần này đó là, chênh lệch quá lớn giữa lương và phụ cấp theo lương hiện nay dẫn đến trường hợp thu nhập của cán bộ, công chức chủ yếu nhờ phụ cấp chứ không phải nhờ lương.
Nếu theo cách tính lương cơ bản nhân hệ số, thì lương người lao động trong khu vực công thấp, không đủ sống. Tuy nhiên, người lao động trong khu vực này lại hưởng nhiều phụ cấp.
Chính sách tiền lương hiện hành quy định tới 20 nhóm phụ cấp với gần 100 loại phụ cấp các loại như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên, thu hút…
Nhiều loại phụ cấp trong khu vực công có tính chất khá tương đồng, dẫn đến việc trợ cấp đôi khi cao hơn lương.
Ở khu vực doanh nghiệp, bảng lương cũng cho thấy người lao động nhận được nhiều phụ thu ngoài tiền lương, gồm có tiền thưởng phúc lợi, hỗ trợ xăng xe, ăn uống. Như vậy tổng thu nhập của người lao động cao hơn mức tối thiểu ít nhất 2-3 triệu đồng.
Tuy nhiên, mức lương của người lao động trong nhiều trường hợp chưa thực sự gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh.
Cùng các yếu tố biến động về giá cả thị trường, dịch vụ, nhiều lao động chỉ được coi là đủ trang trải cuộc sống. Các vấn đề tích lũy hay tăng thu nhập đều đến từ các nguồn bên ngoài tiền lương chính thức.
Từ ngày 1/1/2018, lương cơ sở tăng thêm 90.000 đồng/tháng, từ mức 1.300.000 đồng/tháng hiện nay lên 1.390.000 đồng/tháng. Theo đó, Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế có thay đổi mức đóng.
Số tiền tối đa đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động, người hưởng tiền lương do Nhà nước quy định là: 1.390.000 x 20 x 8% = 2.224.000 đồng/tháng.