Vận hành các mối quan hệ, điều quan trọng là phải biết chọn lọc và tỉnh táo. Nếu không thể sàng lọc kỹ càng, bạn chỉ có một kết cục: Bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực từ đối phương.
Nếu giao du với bạn bè tốt, họ sẽ mang đến cho bạn những ảnh hưởng tích cực; ngược lại, kết thân với kẻ xấu, bạn cũng trở nên "xấu xí" theo.
Sống ở đời, người thông minh đều biết cố gắng tránh xa 4 kiểu người dưới đây:
1. Người "liên tục phàn nàn"
Trong mạng xã hội, nếu thấy một người hôm nay thì than thân trách phận, ngày mai thì chán ghét và dè bỉu thế giới, hãy tránh xa và không nên qua lại quá nhiều. Thái độ phàn nàn này làm bạn cảm thấy bực dọc, mệt mỏi mặc dù vấn đề không phải của mình. Gần gũi quá mức với họ, bạn sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Cuộc sống của mỗi người đều không dễ dàng, tất cả đều gặp vấn đề và chỉ có thể tự giải quyết. Nếu chỉ biết oán trách thiên hạ, thì có ý nghĩa gì ngoài việc tự biến mình thành người cằn nhằn?
Chúng ta không nên oán trách người khác, cũng không nên giao du với những người hay trách móc. Thực tế luôn như vậy và không thể thay đổi; người quá tiêu cực cuối cùng tự làm tổn thương người khác và cả chính mình. Nếu lòng ta hướng về ánh nắng, bi thương cũng không đáng sợ; nếu lòng mãi lạnh lẽo, mùa đông giá rét sẽ đến.
2. Người "chấp nhận rơi xuống vực thẳm"
Họ chính là những người hàng ngày than thở, như thể đã thua cuộc, từ bỏ cuộc sống của chính mình. Buông xuôi càng lâu, cuộc sống càng sa sút.
Cứ lấy việc "kiếm tiền" làm ví dụ, khi thấy người khác kiếm tiền nhưng mình thì không, họ bắt đầu bi quan và cho rằng mình sẽ mãi là người vô dụng, không thể thay đổi số phận và chỉ ngồi nhà chờ số phận tự định đoạt cuộc đời. Đó chính là tự chấp nhận rơi xuống vực thẳm.
Hay "đọc sách", mọi người tiến bộ theo thời gian bằng cách đọc sách và học hỏi hàng ngày, nhưng người này không chỉ không đọc sách, mà còn tin vào lý thuyết "đọc sách vô ích" và sống cả đời mù mờ. Đó chính là tự chấp nhận rơi xuống vực thẳm.
Hay đối với "tập thể dục", mọi người đều chú trọng đến sức khỏe và tập thể dục thường xuyên, trừ họ không quan tâm đến sức khỏe của mình, vẫn tiếp tục ăn uống không điều độ, lối sống không có quy tắc, sức khỏe kém mà không hề thay đổi.
Thông thường, những người tự chấp nhận rơi xuống vực thẳm đều có một điểm chung, đó là "không tự giác". Và tự giác, chính là chìa khóa tạo ra khoảng cách giữa người này với người kia.
Dù nghèo hay giàu, điều chúng ta cần làm đầu tiên cuối cùng vẫn là "tự giác". Người tự giác, trời sẽ giúp; kẻ buông xuôi, tự chuốc khổ.
3. Người "kiêu ngạo tự đại"
Có câu "trời kiêu mưa sẽ đổ, người kiêu họa sẽ tới". Trời tự phụ, không tránh khỏi bão tố; người tự đại, không tránh khỏi tự rước họa vào mình. Từ xưa tới nay đều vậy, càng kiêu ngạo càng gần gũi với xui xẻo, thất bại và suy vong.
Như trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa" có câu: "Từ xưa đến nay, quân tự kiêu luôn dễ thất bại, người khinh địch ít khi thành công".
Người kiêu ngạo có thể sở hữu tài năng, nhưng số phận của họ, 99% đều là bi kịch, thậm chí có thể gây hậu quả cho những người xung quanh.
4. Người "đã nghèo còn thích đấu đá lẫn nhau"
Người ở tầng lớp thấp, dù đều nghèo khó, không phải nên sống hòa thuận, cùng nhau tiến bộ và trở nên giàu có sao? Tại sao vẫn còn đấu tranh, giày vò lẫn nhau? Bởi vì nghèo vật chất đã đáng sợ, mà càng kinh khủng hơn khi họ nghèo cả tinh thần, không mong muốn người xung quanh sống tốt hơn mình.
Nhà triết học Russell từng nói: "Người ăn xin không ghen tỵ với triệu phú, nhưng chắc chắn sẽ ghen tỵ với người ăn xin có thu nhập cao hơn".
Tại sao họ hàng ghét bạn khi biết bạn kiếm được tiền, nhưng lại mừng rỡ khi bạn không kiếm được? Đây chính là thói đời bẽ bàng, thô nhưng thật.
Vì vậy, hãy tránh xa những người đã nghèo mà còn thích tranh đua lẫn nhau, nếu không, họ sẽ kéo bạn không buông, khiến bạn mãi mắc kẹt trong vũng lầy.