4 hy vọng sau phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng

Sông Hương |

Dân không muốn nhìn thấy “công bộc” của mình xếp hàng giữa công đường, không mong nhận lời xin lỗi. Họ ước giá như không có phiên toà như thế!

Phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm khép lại sau hơn 10 ngày xét xử, thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông và cả xã hội.

Bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên phạt 14 năm tù về tội Cố ý làm trái, chung thân về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt là Chung thân.

Dẫu rằng đây chưa phải bản án cuối cùng, dẫu cuộc tranh luận công – tội vẫn chưa nguôi thì phiên tòa đặc biệt này đã thật sự để lại những điều đáng suy ngẫm. Trong đó, có cả những hy vọng.

Những trải nghiệm cay đắng của ông Đinh La Thăng trong căn phòng giam chật hẹp, mờ ảo, lạnh lẽo, những giọt nước mắt muộn mằn của Trịnh Xuân Thanh và nhiều bị cáo khác trong phiên tòa này giống như một cảnh tỉnh với tất cả mọi người, nhất là với những ai đang nắm quyền trong tay mà tùy tiện, coi thường kỷ cương, phép nước.

Từ đỉnh cao danh vọng đến vực thẳm sa cơ, khoảng cách ấy rất ngắn nếu như mỗi cán bộ, đảng viên “không thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chỉ ra.

Dân không muốn nhìn thấy những vị “công bộc” của mình xếp hàng giữa công đường, không mong nhận được những lời xin lỗi. Họ chỉ ước, giá như đừng có những phiên tòa như thế. Đó là hy vọng thứ nhất.

Tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân VOV.VN - Bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên mức án trên về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm bị đưa ra xét xử vì tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “tham ô tài sản”.

Không thể đổi lỗi cho cơ chế, không thể biện minh cho sự nóng vội, chủ quan. Những trăm tỷ, ngàn tỷ cứ bay vèo vèo qua cửa sổ để rồi, đất nước vốn đã không giàu, nay lại có nguy cơ nghèo thêm.

Có thể gọi cách hành xử ấy là gì nếu không phải là sự tha hóa quyền lực. Vấn đề này đã được cảnh báo từ Đại hội 12 của Đảng rằng, “quyền lực nếu không được kiểm soát thì tất yếu sẽ dẫn đến tha hóa”.

Những sai phạm của ông Thăng, ông Thanh và nhiều “củi tươi-củi khô” cho thấy rằng phải kiểm soát quyền lực thật chặt, nếu không sẽ là quá muộn.

Thật mừng biết bao, lần đầu tiên, Ban Tổ chức Trung ương đã trình ra Dự thảo chuyên đề về kiểm soát quyền lực ngay những ngày đầu tiên của năm 2018. Quyền lực sẽ được kiểm soát tốt hơn. Đó là hy vọng thứ hai.

Bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh nhìn thấy tương lai đen tối của mình phía trước khi lần lượt các tội danh bị đưa ra xét xử, nhìn thấy viễn cảnh mù mịt không biết ngày nào được làm “con ma tự do”. Họ tiên lượng đúng.

Đã ra công đường thì dân và quan đều như nhau, không thể “dân có luật”, “quan có lệ”, càng không có chuyện giơ cao đánh khẽ với quan, khắc nghiệt với dân.

Thế nên, việc ông Thăng thể hiện mong ước cuối cùng là được tại ngoại để “ăn Tết cùng gia đình” hay Trịnh Xuân Thanh muốn “qua Đức cùng vợ chăm con”… là điều không thể.

Pháp luật nghiêm minh có thể xét đến công và tội, có thể lấy tình tiết giảm nhẹ để làm căn cứ tuyên án, nhưng dứt khoát không có chuyện châm chước theo kiểu “xin-cho”. Hãy để cho công lý lên tiếng. Đó là hy vọng thứ ba.

Hơn 10 ngày xét xử, bên trong phiên tòa “nóng” với các phiên tranh tụng thì trên khắp các diễn đàn mạng lại “nóng” các cuộc tranh luận về công và tội của ông Đinh La Thăng.

Thậm chí có những lời kêu gọi kiểu như “10 triệu chữ ký để ông Thăng được trắng án”.

Người Việt vốn bao dung, độ lượng. Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại. Người Việt cũng lại có truyền thống duy tình, “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Thế nên, họ mới có suy nghĩ đơn giản như vậy.

Nhưng, hãy học lại những lời tâm huyết của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong bài viết nhân dịp đầu năm mới 2018.

Đọc để suy ngẫm: “Chẳng phải trong nhân dân, trong mỗi đảng viên đã luôn bất bình và phẫn nộ trước nạn tham nhũng, suy thoái? Chẳng phải chúng ta đã chứng kiến những kẻ có lòng tham vô đáy lợi dụng kẽ hở của chính sách, lạm dụng quyền lực để móc túi nhân dân, rồi chính những kẻ đó và bè cánh lại tìm mọi cách để "chui sâu, leo cao" hơn nhằm bảo đảm cho khối tài sản ăn cắp đó tiếp tục sinh sôi, nảy nở?".

Có người bảo rằng, sự sám hối muộn mằn của các bị cáo từng một thời lừng lẫy giống như màn “trình diễn tập thể”, không hẳn như vậy.

Những gì thuộc về “con người” đều đáng được tôn trọng. Dù có là kẻ giết người đi chăng nữa thì gia đình vẫn là bến đỗ cuối cùng, là nơi nương náu bình yên nhất.

Chỉ tiếc rằng, giữa vòng quay nghiệt ngã của cuộc sống, giữa bộn bề những lo toan và cả toan tính, gia đình nhiều khi trở thành khái niệm rất mờ nhạt.

Chỉ đến khi “mỏi gối, chùn chân”, đến khi “sa cơ lỡ bước”, người ta mới nghĩ đến “cha già, con dại”, “vợ dại, con thơ”.

Đây là một bản án hợp lý hợp tình, đã cân nhắc, tính toán đến công, tội của các bị cáo, thể hiện cả sự nghiêm minh lẫn tính khoan dung của luật pháp, giúp các bị cáo có cơ hội chiêm nghiệm và sửa chữa lỗi lầm.

Những giọt nước mắt nhỏ giữa công đường giống như một khoảng lặng để chúng ta cùng suy ngẫm.

Làm sao bản án này là sự cảnh tỉnh với không chỉ ông Đinh La Thăng và các đồng phạm;

Làm sao từ quá trình điều tra truy tố, xét xử, tranh biện tại Tòa, có thể giúp nhìn thấy những sơ hở của pháp luật, thể chế,... và phải tìm cách hàn gắn lại, để không phải đau xót nhìn thấy thêm những Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh khác.

Suy ngẫm để trân quý hơn những gì bình dị nhất, gần gũi nhất. Đó là hy vọng cuối cùng./.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại