Vào tháng 4 năm 2007, 4 học sinh tiểu học ở Diêm Thành, Giang Tô, Trung Quốc, gồm Chu Tòng Kiềm, Chu Tòng Quyên cùng 2 người bạn khác đang chơi ở khu vực gần trường học thì một trong số đó phát hiện có vật gì đó lấp lánh dưới cái ao cạn gần đó. Vì tò mò, những học sinh này đã quyết định lại gần để xem thử. Sau khi vớt vật thể đó lên, cả 4 bạn phát hiện đó là một khối rắn màu vàng sáng bóng và khá nặng.
Thấy vật thể này có màu sắc bắt mắt, em Chu Tòng Kiềm liền rửa sạch nó rồi mang về nhà. Không ngờ sau khi những học sinh này kể lại sự việc cho gia đình, người lớn tin chắc rằng khối vàng mà các em tìm được là vàng thật nên đã đến chiếc ao kia vào ngày hôm sau. Sau một lúc tìm kiếm, họ tìm được thêm vài khối vàng tương tự.
Sự việc này khiến dân làng quanh đó chú ý. Họ lũ lượt kéo đến cái ao kia rồi dùng lưới sàng và máy lọc đất để “vớt vàng”. Sau khi trục vớt và sàng lọc kỹ lưỡng, người dân thực sự đã tìm thấy nhiều khối vàng tương tự.
Theo Sohu, tổng cộng có đến 21 khối vàng được tìm thấy ở khu vực trên. Những người “vớt” được vàng thì hết sức vui mừng vì cho rằng mình sắp đổi đời.
Tin tức về việc ao làng có vàng khối nhanh chóng được lan truyền khắp nơi trong vùng. Không lâu sau đó, những tiểu thương buôn bán cổ vật bỗng xuất hiện và ra giá 100.000 NDT để đổi lấy những cục vàng mà người dân tìm được. Một số dân làng không thể cưỡng lại sự cám dỗ nên đã trực tiếp đổi những cục vàng này lấy tiền mặt. Việc này cũng khiến cảnh sát Trung Quốc phải vào cuộc để điều tra và kiểm chứng những thông tin liên quan đến vụ việc.
Sau đó, các chuyên gia từ Cục Di tích Văn hóa thành phố Diêm Thành cuối cùng đã được cảnh sát mời đến để tiến hành nghiên cứu và thẩm định. Ngay khi thấy những khối vàng mà người dân tìm được, các chuyên gia rất ngạc nhiên.
Sau khi tìm hiểu kỹ, họ phát hiện ra rằng ngôi làng này thực chất là một địa điểm làm muối khổng lồ vào thời nhà Chu ở Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng những khối vàng tìm được này là “tàn dư” của hoạt động kinh doanh, buôn bán muối của người dân vào thời điểm đó. Không ngờ hàng nghìn năm sau, chúng lại được hậu thế tìm thấy. Điều này cũng khiến nhiều người phải thốt lên rằng thật khó tin.
Nhìn kỹ những khối vàng này, chuyên gia phát hiện trên bề mặt của chúng có đóng dấu “Ying Yuan”. Trong các tài liệu khảo cổ học của Trung Quốc có đề cập rằng những khối vàng thỏi có in dấu này là loại tiền tệ được nhà Chu độc quyền sản xuất và sử dụng. Hàm lượng vàng của chúng cực kỳ cao, đạt từ 90% đến 99% trở lên, gần như được làm bằng vàng nguyên chất. Do đó, chúng gần như được độc quyền bởi giới quý tộc thượng lưu lúc bấy giờ.
Đây cũng là loại tiền kim loại sớm nhất được phát hiện ở Trung Quốc, có niên đại lên đến hơn 2000 năm. Việc phát hiện những di vật này đã giúp các nhà sử học và khảo cổ học có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về văn hóa Trung Quốc cổ đại.
Do giá trị nghiên cứu của những khối vàng này vô cùng lớn nên cán bộ và cảnh sát địa phương đã đến tận nhà của những người dân tìm được vàng để thuyết phục họ giao lại số “di vật” đó cho chính quyền. Với những người dân tự nguyện giao nộp vàng, chính quyền địa phương đều trao tặng bằng khen để ghi nhận hành động đẹp đó. Đồng thời, họ cũng phổ biến những kiến thức liên quan về di vật văn hóa để nâng cao hiểu biết cho người dân, tránh tình trạng người dân làm lại làm thất lạc hoặc đem di vật bán đi.
Cùng năm 2007, một số di tích văn hóa từ thời Tần cũng được phát hiện ở Diêm Thành, Giang Tô, Trung Quốc. Bên cạnh giá trị về kinh tế, những di vật văn hóa này còn có giá trị khảo cổ to lớn, khiến cả những nhà khảo cổ học giàu kinh nghiệm cũng phải ngạc nhiên về chúng.