Mới đây, một vụ việc bạo lực học đường xảy ra tại trường dạy nghề tại Thiểm Tây, Trung Quốc đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội nước này. Một học sinh đã bị 4 bạn cùng lớp đánh hội đồng và cách xử lý vụ việc của nhà trường khiến dư luận không khỏi bất bình.
Trước đó, một phụ huynh đã trình báo cảnh sát rằng con trai Tiểu Tiết của ông đang học trường dạy nghề bị 4 người bạn cùng lớp nhốt trong ký túc xá rồi đánh đập. Tiểu Tiết là cán bộ lớp, giữ chức vụ trưởng ban kiểm tra kỷ luật, chịu trách nhiệm giám sát việc sử dụng điện thoại di động của các bạn trong lớp.
Một học sinh tên Tiểu Lý đã bị nhà trường phạt vì nghịch điện thoại di động. Học sinh này không những không nhận ra lỗi lầm của mình mà còn trút giận lên Tiểu Tiết. Khoảng 22h vào đêm xảy ra vụ việc, Tiểu Tiết chuẩn bị đi ngủ thì bị hai bạn cùng lớp khác là Tiểu Lưu và Tiểu Phương bế ra khỏi giường và đưa đến chỗ Tiểu Lý. Sau khi khóa cửa phòng, 4 người cùng đấm và đá Tiểu Tiết.
Vì cửa ký túc xá bị khóa và người ngoài không thể ngăn cản nên Tiểu Tiết đã bị đánh rất nghiêm trọng, có nhiều vết sẹo trên đầu, mặt, cánh tay,... Không những vậy, các học sinh bắt nạt còn dùng nhiều lời lẽ nặng nề để mắng Tiểu Tiết khiến em bị tổn thương nặng nề cả về thể xác lẫn tinh thần.
Sau đó, nạn nhân đã gọi điện cho bố mẹ và nói rằng cậu không muốn đến trường. Cha mẹ ngay lập tức chạy đến và đau lòng khi nhìn thấy con mình bị đánh. Ngày hôm sau, khi Tiểu Tiết đến bệnh viện điều trị, các học sinh đánh cậu còn gửi tin nhắn đe dọa.
Các thương tích của nạn nhân
Phụ huynh yêu cầu nhà trường giải thích nhưng nhà trường sợ sự việc trở nên nghiêm trọng nên không cho phụ huynh gọi cảnh sát, đề nghị hai bên giải quyết riêng. Cha mẹ của Tiểu Tiết nhất quyết không đồng ý và tìm đến cơ quan chức năng. Sau khi điều tra sơ bộ, cảnh sát xác định 4 học sinh đánh học sinh đã bị tạm giữ hình sự theo quy định của pháp luật.
Cách hành xử cố gắng giấu giếm và cho qua sự việc của nhà trường đã gây bức xúc lớn trong dư luận. Khi xung đột nảy sinh giữa các học sinh, nhà trường đã không giải quyết một cách khách quan và phù hợp với quy định. Thậm chí, họ còn chủ trương giữ kín xung đột, bất chấp luật pháp. Trong tình huống này, trường dạy nghề đã bị chỉ trích vì chỉ quan tâm đến việc giữ gìn danh tiếng của nhà trường, vì sợ bị liên lụy và không quan tâm đến tổn hại mà học sinh phải gánh chịu trong toàn bộ vụ việc.
Trong thực tế, vẫn tồn tại không ít trường học lựa chọn cách giải quyết như vậy như vậy và không phải phụ huynh nào cũng có thể đòi được công bằng cho con như trường hợp của Tiểu Tiết. Sự việc là một hồi chuông cảnh báo đối với các thầy cô và cả phụ huynh. Người lớn dù là nhà trường hay gia đình đều phải cứng rắn, kiên quyết và tuyệt đối không được coi nhẹ bạo lực học đường thì vấn nạn này mới có thể được đẩy lùi.
Nguồn: 163