Không cần tới võ nghệ cao cường, tứ đại mật vụ trong Tam Quốc diễn nghĩa cũng có thể "dắt mũi" hàng loạt những nhân vật lừng lẫy như Tào Tháo, Lữ Bố, Đổng Trác.
Mật vụ được coi là những người thi hành các nhiệm vụ đặc thù. Dưới một số tình huống, họ sẽ đóng vai trò như gián điệp để chia rẽ phe phái đối địch. Trên thực tế, vị trí này đã có từ thời xa xưa, chỉ có điều tên gọi có phần khác biệt so với hiện tại.
Theo KKNews, "Tam Quốc diễn nghĩa" cũng có tứ đại mật vụ trà trộn vào phe địch để thực hiện những nhiệm vụ bí mật. Điều đáng nói là mật vụ xuất sắc nhất trong số đó lại là một người phụ nữ vô cùng nổi tiếng.
Trần Đăng
Trần Đăng là một tướng lãnh cuối thời Đông Hán.
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", ông là mật vụ được an bài bên cạnh Lữ Bố với nhiệm vụ làm giảm ý chí chiến đấu của võ tướng "vô địch thiên hạ" này, đồng thời theo dõi mọi động tĩnh trong phe địch, từ đó ngầm hỗ trợ để tiêu diệt thế lực của Lữ Bố.
Dựa vào sự khôn ngoan và khéo léo của mình, Trần Đăng đã thuận lợi tạo thành "nội công" để kết hợp với "ngoại kích" từ Tào Tháo ở bên ngoài, thành công tiêu diệt thế lực của Lữ Bố.
Cũng nhờ vào chiến công này mà sau khi diệt trừ Lữ Bố, Tào Tháo đã thăng chức cho Trần Đăng trở thành Phục Ba tướng quân.
Hoàng Cái
Hoàng Cái là một danh tướng nổi tiếng thuộc tập đoàn chính trị Đông Ngô. Trong tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa", ông đã vờ đầu hàng phe Tào trước trận Xích Bích.
Để có thể lừa được thế lực của Tào Tháo, Chu Du và Hoàng Cái trước đó đã cùng nhau diễn một màn "khổ nhục kế": Chu Du đánh Hoàng Cái trước mặt Sái Trung, Sái Hòa, khiến Hoàng Cái vờ oán giận, gửi thư xin hàng Tào Tháo.
“Thành công qua mắt được một quân chủ đa nghi khét tiếng như Tào Tháo , Hoàng Cái đã chuẩn bị sẵn hỏa thuyền và tiếp tục vận dụng kế “trá hàng”.
Kế sách này cũng là một trong những yếu tố tạo nên thành công dùng hỏa lực thiêu cháy toàn bộ chiến thuyền của phe địch, khiến Tào Tháo đại bại trong trận Xích Bích.
Vì vậy có ý kiến cho rằng, chiến thắng Xích Bích có một phần công lao không nhỏ đến từ vị võ tướng kiêm mật vụ xuất sắc là Hoàng Cái.
Từ Thứ
Từ Thứ từng là mưu sĩ dưới trướng Lưu Bị, sau lại về phụng sự tập đoàn Tào Ngụy.
Theo diễn biến của "Tam Quốc diễn nghĩa", La Quán Trung đã xây dựng hình tượng Từ Thứ với một nhiệm vụ quan trọng: Đó là mai phục trong thế lực của Tào Tháo để âm thầm giúp đỡ Lưu Bị.
Bởi "thân ở một nơi, lòng nghĩ một nơi", cho nên Từ Thứ dù trên danh nghĩa phụng sự cho Tào Tháo, nhưng lại không đưa ra những ý kiến sáng suốt mà luôn tìm cách khiến Tào Tháo làm theo hạ sách hoặc cố tình tiết lộ cơ mật cho phe Lưu Bị.
Từ Thứ ngoài mặt ăn lộc Tào Tháo nhưng bên trong lại ngấm ngầm giúp đỡ Lưu Bị, có thể coi là một mật vụ đắc lực của tập đoàn chính trị Thục Hán.
Điêu Thuyền
Là một trong tứ đại mỹ nữ của truyền thuyết Trung Hoa, Điêu Thuyền nổi tiếng với nhan sắc "bế nguyệt" và được mệnh danh là đệ nhất mỹ nhân Tam Quốc.
Mặc dù sự tồn tại của nhân vật này còn là một ẩn số gây tranh cãi, nhưng trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Điêu Thuyền đã hoàn thành vai trò mật vụ một cách xuất sắc hơn ai hết.
Mỹ nhân này được xem là "mật vụ" mà Vương Doãn an bài bên cạnh Đổng Trác và Lữ Bố, nhiệm vụ là ly gián hai cha con này, trước tiên khiến Lữ Bố giết Đổng Trác, sau mới tìm cách tiêu diệt Lữ Bố, từ đó giúp Đại Hán giải trừ hai mối họa lớn trước mắt.
Nếu chiếu theo tình tiết của "Tam Quốc diễn nghĩa", Điêu Thuyền đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, khiến Đổng Trác bị Lữ Bố dùng một kích đâm chết.
Sau khi Vương Doãn qua đời, nàng tiếp tục cùng Lữ Bố rời khỏi kinh thành. Vào thời điểm bị Tào Tháo vây khốn ở Hạ Bì, võ tướng họ Lữ lẽ ra nên dẫn quân đột phá vòng vây để tìm đường thoát, nhưng lại nghe lời mỹ nhân mà cố thủ trong thành.
Kết quả là Lữ Bố binh bại bị giết, mà sau đó Điêu Thuyền cũng biến mất một cách bí ẩn.
Nếu chỉ xét đến nội dung "Tam Quốc diễn nghĩa", Điêu Thuyền chắc chắn là mật vụ tài giỏi và lợi hại nhất trong cuốn tiểu thuyết này.
Thân là nữ nhi mà có thể diệt trừ nhân vật tiếng tăm, nhiệm vụ mà Điêu Thuyền đã thực hiện thành công cũng là việc mà bao đấng nam nhi thời bấy giờ không mấy ai làm được.