Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 3) liên hoan, nhậu nhẹt trong ngày Tết với tần suất dày đặc sẽ làm gia tăng yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ như: tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng mỡ máu,… Để tránh biến cố đột quỵ và giảm nguy cơ ngộ độc rượu, chuyên gia khuyến cáo mọi người cần uống rượu có kiểm soát.
4 điều cần nhớ khi uống rượu
- Uống rượu từ từ, chậm rãi.
- Khi uống rượu, nếu người thân quen/bạn bè gặp phải các dấu hiệu bất thường như: khó thở, rối loạn nhịp thở; da, niêm mạc nhợt nhạt, tím tái; rối loạn nhịp tim; miệng méo; nói khó; lơ mơ, hôn mê; gọi hỏi không trả lời đúng; co giật; động kinh; nôn mửa nhiều lần... cần phải đưa đi cấp cứu.
- Người đang dùng thuốc aspirin không nên uống rượu. Không sử dụng đồng thời cả rượu và caffeine gây kích thích thần kinh.
- Cần ăn uống đầy đủ để phòng ngừa việc uống rượu khiến lượng đường trong máu giảm.
Theo bác sĩ Vũ, dù chỉ dùng 1 lượng nhỏ rượu bia thì cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với cơ thể.
Bộ Y tế khuyến cáo, nam giới trưởng thành không nên uống quá 2 đơn vị rượu/ngày. Với nữ giới trưởng thành không uống quá 1 đơn vị rượu/ngày.
Một đơn vị rượu có thể quy đổi tương đương như sau:
- 30ml rượu mạnh (1 chén nhỏ)
- 100ml rượu vang (tương đương khoảng ½ cốc uống nước)
- 330ml bia tươi (tương đương 1 lon bia)
Bác sĩ Vũ cho biết rượu bia làm tăng nguy cơ đột quỵ. Do vậy, mọi người cũng cần phải phân biệt tình trạng ngủ do say rượu với dấu hiệu hôn mê do đột quỵ. Cách hiệu quả nhất để phân biệt 2 tình trạng này là đánh thức họ.
Trường trường hợp ngủ do say rượu, khi đánh thức thì người say vẫn sẽ phản ứng, cử động hoặc trả lời. Với trường hợp hôn mê do đột quỵ sau uống rượu, khi đánh thức, dù lay động người đó từ nhẹ đến mạnh thì họ cũng sẽ không có phản ứng. Khi kích thích đau nhưng người say vẫn không phản ứng, mọi người cần đưa nạn nhân tới ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Cách phòng ngừa đột quỵ
Bác sĩ Vũ cho hay, để phòng ngừa đột quỵ, bên cạnh việc tích cực tầm soát, điều trị hiệu quả các bệnh lý nền như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh van tim, rung nhĩ, suy tim… thì mọi người cũng cần thay đổi lối sống trở nên lành mạnh.
Về chế độ ăn uống lành mạnh: Mọi người cần phải ăn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng hoá thực phẩm. Cần lưu ý sử dụng nhiều rau củ, trái cây tươi. Sử dụng ít chất béo bão hòa (mỡ động vật, nội tạng..). Hạn chế lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày, không ăn quá 5g muối/ngày.
Về lối sống: Mọi người cần ngừng hút thuốc lá, giảm các thức uống có cồn (như rượu, bia): không uống quá 2 đơn vị rượu/ngày ở nam và không quá 1 đơn vị rượu/ngày ở nữ. Tăng cường hoạt động thể chất để duy trì cân nặng khỏe mạnh, điều hòa huyết áp và lượng cholesterol trong máu.
Hiệp hội tim mạch Châu Âu khuyến cáo mọi người nên hoạt động thể lực với cường độ trung bình khoảng 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần. Các hoạt động cường độ trung bình có thể kể đến như đi bộ nhanh (4,8 - 6,5km/giờ), đạp xe chậm (15km/giờ), khiêu vũ, thể dục nhịp điệu,…
Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe dịp Tết, mọi người cũng cần giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, tránh thức khuya để cơ thể có thời gian thư giãn nghỉ ngơi.