4 ‘điểm nóng’ đang bị COVID-19 tàn phá ở Đông Nam Á

Trà My |

Nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đang ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 cao kỷ lục, khiến hệ thống y tế bị đẩy đến bờ vực quá tải. Trong số đó, một quốc gia đã vượt qua Ấn Độ để trở thành tâm chấn COVID-19 của châu Á.

Các quốc gia trên khắp châu Á đang phải vật lộn với những đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất của họ, thúc đẩy một phẩn bởi biến thể Delta rất dễ lây lan và tỷ lệ tiêm chủng thấp, CNN đưa tin.

Các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang chứng kiến những đợt bùng phát COVID-19 ngày càng gia tăng. Nhưng tình hình ở Đông Nam Á thậm chí còn trầm trọng hơn.

Các quốc gia Đông Nam Á từng khống chế tốt dịch bệnh vào năm ngoái hiện đang phải gồng mình chống chọi với biến thể Delta: hệ thống y tế quá tải, thiếu giường bệnh, trang thiết bị và oxy. Nhiều quốc gia đã phải tái áp dụng phong tỏa, đóng cửa các nhà máy ở các trung tâm sản xuất quan trọng và hạn chế sự di chuyển của người dân.

Indonesia

Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, Indonesia, gần đây đã vượt qua Ấn Độ để trở thành tâm chấn COVID-19 của châu Á. Và đợt bùng phát COVID-19 gần đây ở Indonesia đã có sức tàn phá khủng khiếp với số ca nhiễm là hơn 50.000 ca mỗi ngày.

4 ‘điểm nóng’ đang bị COVID-19 tàn phá ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

Nhân viên nghĩa trang mặc đồ bảo hộ hạ quan tài của một nạn nhân COVID-19 xuống một ngôi mộ tại Nghĩa trang Cipenjo ở Bogor, Tây Java, Indonesia, vào ngày 14/7/2021.

Trong số tổng cộng 3,54 triệu ca mắc COVID-19 được báo cáo ở Indonesia kể từ khi đại dịch bắt đầu, 1,2 triệu trường hợp được ghi nhận trong tháng qua, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Hôm 4/8, Indonesia đã vượt mốc 100.000 ca tử vong do COVID-19, trở thành quốc gia thứ hai ở châu Á chạm mốc này. Hôm đó, Bộ Y tế Indonesia báo cáo 1.747 ca tử vong và 35.867 ca mắc.

Nếu sự lây lan của COVID-19 không suy giảm, các chuyên gia cho rằng dịch bệnh có thể đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe của Indonesia đến bờ vực của thảm họa. Một số chuyên gia lo ngại số ca mắc và tử vong thậm chí còn cao hơn vì không có đủ nhân viên xét nghiệm. Một cuộc khảo sát địa phương cho thấy gần một nửa trong số 10,6 triệu cư dân của thủ đô Jakarta có thể đã mắc COVID-19.

4 ‘điểm nóng’ đang bị COVID-19 tàn phá ở Đông Nam Á - Ảnh 2.

Mộ chôn nạn nhân COVID-19 tại Nghĩa trang Rorotan ở Jakarta.

Các nghĩa trang cũng đang được mở rộng để chôn cất người tử vong vì COVID-19.

Các chuyên gia cho rằng Indonesia hiện đang phải trả giá cho việc không thực hiện các biện pháp phong tỏa chặt chẽ cũng như không đầu tư đủ vào các hệ thống truy vết.

Hôm 2/8, chính phủ Indonesia đã thông báo gia hạn các hạn chế Cấp độ 4, mức cao nhất, ở một số thành phố và khu vực, bao gồm thủ đô Jakarta và các đảo Java và Bali, thêm một tuần nữa. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế nước này cho biết làn sóng COVID-19 tàn phá đã lên đến đỉnh điểm ở một số khu vực, và các nhà chức trách đang có kế hoạch dần mở cửa lại nền kinh tế vào tháng 9, theo Reuters.

Malaysia

Mặc dù đã phong tỏa toàn quốc, Malaysia vẫn chứng kiến ​​sự gia tăng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 theo cấp số nhân.

Tuần trước, hàng nghìn bác sĩ Malaysia làm việc quá sức đã đình công để phản ánh thực trạng tại các bệnh viện, nói rằng các bệnh viện đã bị ‘dồn đến bờ vực’ khi giường bệnh và máy thở cạn kiệt.

Cuộc biểu tình diễn ra khi tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Malaysia vượt qua con số 1 triệu. Hôm 4/8, Malaysia báo cáo số ca mắc COVID-19 kỷ lục, với 19.819 ca nhiễm mới, theo Bộ Y tế. Con số này trong tháng trước là khoảng 7.000 ca/ngày. Số ca tử vong do COVID-19 cũng ở mức kỷ lục, với 257 ca được báo cáo ngày 4/8.

Đợt bùng phát dịch lần này đã lây lan từ các ổ dịch trong các ngành sản xuất và vận tải của nước này. Và trong khi dịch bùng phát buộc Malaysia phải đóng cửa toàn quốc vào ngày 12 tháng 5, nhiều bộ phận thuộc lĩnh vực sản xuất được coi là thiết yếu và các nhân viên vẫn tiếp tục làm việc bất chấp nguy cơ gia tăng, Reuters đưa tin.

Tỷ lệ tiêm vaccine của Malaysia đã được cải thiện trong tháng qua, đặc biệt là so với các nước láng giềng trong khu vực. Theo Our World in Data, khoảng 22,5% người dân Malaysia được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ.

Thái Lan

Mặc dù là quốc gia đầu tiên báo cáo trường hợp nhiễm Covid-19 bên ngoài Trung Quốc vào tháng 1 năm ngoái, nhưng Thái Lan vẫn giữ số ca nhiễm thấp vào năm 2020 nhờ các biện pháp phòng chống dịch thành công.

Tuy nhiên, năm nay, Thái Lan đang phải đối mặt với một thách thức lớn hơn nhiều. Sau khi ngăn chặn được làn sóng thứ hai bắt đầu vào tháng 12 năm ngoái, Thái Lan đang phải vật lộn để kiềm chế làn sóng thứ ba đẩy số ca mắc hằng ngày và số ca tử vong lên mức chưa từng có. Hôm 4/8, Thái Lan báo cáo số ca nhiễm COVID-19 trong một ngày cao kỷ lục - 20.920 trường hợp. Thái Lan cũng ghi nhận 160 người chết ngày hôm đó, nâng tổng số người chết lên 5.663 người.

Các bệnh viện ở thủ đô Bangkok bị quá tải do số ca bệnh tăng vọt và nhu cầu về giường bệnh đã vượt quá khả năng cung cấp. Các nhà chức trách đang chạy đua để giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế. Tiến sĩ Supat Hasuwannakit, chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Nông thôn của Thái Lan, cho biết Bangkok đang cử hơn 400 bác sĩ và y tá từ các tỉnh khác đến các khu ổ chuột và khu đông dân cư của thành phố để xét nghiệm và cách ly 250.000 cư dân.

4 ‘điểm nóng’ đang bị COVID-19 tàn phá ở Đông Nam Á - Ảnh 4.

Khoảng 1.800 giường bệnh được chuẩn bị tại bệnh viện dã chiến COVID-19 tại nhà kho ở Sân bay Quốc tế Don Muang ở Bangkok vào ngày 27/7.

"Chúng tôi có thể chưa giảm được tỷ lệ lây nhiễm, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ làm giảm tình trạng thiếu giường bệnh ở Bangkok và giảm tỷ lệ tử vong", ông Supat nói.

Hôm 3/8, Thái Lan đã kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến cuối tháng 8. Một nhà kho chứa hàng hóa tại sân bay Don Muang của Bangkok đã được biến thành bệnh viện dã chiến 1.800 giường cho bệnh nhân COVID-19 với các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, và 15 tàu chở khách đang được chuyển thành cơ sở cách ly cộng đồng cho bệnh nhân Covid-19 đang chờ giường bệnh.

Thái Lan đang đặt mục tiêu tiêm chủng cho 50 triệu người vào cuối năm nay. Nhưng theo dữ liệu của Thái Lan công bố, 23% trong số 70 triệu người của đất nước đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19, trong khi 5% đã được tiêm chủng đầy đủ.

Myanmar

Ở biên giới giáp Thái Lan, Myanmar đang sụp đổ trong cuộc khủng hoảng kép của đại dịch và đảo chính, theo CNN. Đất nước này đang phải trải qua tình trạng thiếu oxy - gia đình người bệnh phải xếp hàng để được cung cấp oxy hoặc tuyệt vọng tìm kiếm trên mạng các phương pháp điều trị COVID-19.

4 ‘điểm nóng’ đang bị COVID-19 tàn phá ở Đông Nam Á - Ảnh 5.

Một người đàn ông ngồi trước các bình oxy rỗng bên ngoài một nhà máy ở Mandalay, Myanmar vào ngày 13/7.

Các bác sĩ cho biết người dân Myanmar đang chọn cách tự điều trị tại nhà. Nếu đến bệnh viện, họ thường bị từ chối vì các cơ sở đang hết oxy, hết phương pháp điều trị và giường bệnh, và không có đủ nhân viên để chăm sóc cho bệnh nhân, người dân nói. Liên Hợp Quốc ước tính chỉ có 40% cơ sở chăm sóc sức khỏe của nước này vẫn có thể hoạt động.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số ca mắc mỗi ngày được báo cáo ở Myanmar đã tăng từ khoảng 100 ca vào đầu tháng 6 lên khoảng 5.000 ca, với tổng số ca nhiễm được xác nhận là 315.118 người. Myanmar cũng đã báo cáo 10.373 người chết vì COVID-19.

Nhưng các bác sĩ và các nhóm tình nguyện nói rằng số ca mắc và tử vong ở Myanmar thực tế còn cao hơn, lý do là vì tỷ lệ xét nghiệm thấp và thiếu dữ liệu chính thức.

Tuần trước, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc, Barbara Woodward, cảnh báo rằng một nửa trong số 54 triệu người Myanmar có thể bị nhiễm COVID-19 trong hai tuần tới.

(Nguồn: CNN)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại