Một buổi tối năm 1976, một bé gái trông nhem nhuốc, lếch thếch, cầm củ khoai lang đứng trước cửa nhà mẹ chồng bà Lê Thị Tám (ngụ ở Suối Nghệ, Bà Rịa- Vũng Tàu) xin nước uống. Chiều đi làm về tới nhà, thấy đứa bé, bà Tám liền hỏi mẹ chồng: “Con ai đấy mẹ?”. Mẹ chồng bà Tám đáp: “Có đứa trẻ này đi lạc vào đây, mồ hôi nhễ nhại, tao tắm rồi lấy quần áo cho nó mặc. Tao biểu nó ở đây nè, mày có nuôi nổi nó không?”.
Cô Tân thất lạc gia đình khi còn nhỏ
Nhìn đứa trẻ chân tay hằn lên những vết lằn, đùi tím đen, bà Tám thương xót, gật đầu đồng ý. Bà lấy thuốc bôi vết thương cho bé gái rồi ru ngủ, vỗ về. Bé gái ấy là cô Lê Thị Tân (tên gia đình nhận nuôi đặt). Năm đó cô Tân khoảng chừng 5, 6 tuổi. Cô Tân không nhớ rõ quê mình ở đâu, bởi với cô, Suối Nghệ - nơi bà Tám nhận nuôi chỉ là một địa điểm ngắn ngủi trong hành trình lưu lạc.
“Hồi đó nhỏ quá, tôi cũng không nhớ rõ mọi thứ, chỉ biết nhà có 4 chị em, mà chắc chắn là má tôi mất rồi. Ba tôi đi lâu lâu mới về chứ không ở nhà thường xuyên”, cô Tân hồi tưởng.
Bà Tám và mẹ chồng từng cưu mang cô Tân
Cô nhớ ngày đó mọi người thường gọi cô là Gái, nhà có hai chị tên Bích và Đầm, em trai út tên Sang. Sau khi mẹ mất, cha gửi chị Bích và chị Đầm đi ở đợ, còn cô Tân cùng em trai về nhà nội ở. Nhưng một thời gian sau, cô Tân cũng bị cha đem gửi cho một người họ hàng xa ở Quy Nhơn. Trong ký ức mơ hồ, cô nhớ người phụ nữ đón cô đi tên Chẩm, có 5 người con.
Bà Chẩm dắt cô Tân lên tàu, đi về Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong 1 năm ở với chị họ, cô Tân được giao việc cơm nước, cho heo ăn. Trong một lần đi hái rau, trời mưa, cô tìm chỗ trú trong rừng rồi bị lạc. Trời xẩm tối, không biết đường về, cô ghé vào nhà của mẹ con bà Tám xin nước rồi từ ngày đó ở lại.
Một tuần sau, bà Tám ra chợ thì hay tin, người nuôi bé gái trước đây đã đi tìm khắp nơi và đang giận giữ lắm. Sợ cảnh đứa trẻ quay lại chốn cũ sẽ có chuyện chẳng lành, cha con bà Tám bàn bạc đem gửi cô Tân đi thật xa. Bà Tám dắt cô vào Quảng Ngãi ăn cưới, rồi giao lại cho cha mẹ ruột là ông Quý , bà Phụng. Ông Quý đã mù lòa, còn bà Phụng khi ấy cũng đã ngoài 70, có 6 người con.
Ông Quý nói: "Thôi để nó cho cha đi, cha khai nó làm con nuôi" rồi đặt tên mới cho cô là Lê Thị Tân. Cô Tân lớn lên trong tình yêu thương và đùm bọc của cha mẹ nuôi, tới năm 16 tuổi xin đi phụ hồ.
Cô Tân có ngoại hình giống mẹ (ảnh trái)
Lấy chồng, sinh con, cuộc đời cô Tân dần bước sang trang mới. Hai vợ chồng chăm chỉ, tu chí làm ăn, tích được nhiều đất đai và xây ngôi nhà khang trang, rộng rãi. Nay các con của cô Tân đều khôn lớn, thậm chí còn được cha mẹ cho cơ ngơi riêng khi xây dựng tổ ấm.
Dẫu vậy trong tim cô luôn khắc khoải về cội nguồn. Cô khao khát tìm lại các chị em thất lạc và tự hỏi liệu cha còn sống hay đã mất, mộ mẹ cô ở đâu, quê hương cô là chốn nào? Khi dò la tin tức về địa chỉ bà Chẩm năm xưa, cô Tân mới biết nhà bà Chẩm đã sang Mỹ, mất liên lạc. Mọi manh mối đều đi vào bế tắc.
"Hồi đó tôi nghĩ là sao ông cha của mình không để bốn chị em ở lại cùng nhà, làm ăn dìu dắt nhau, lớn lên sum họp cùng với nhau. Tại sao lại mỗi người mỗi ngả? Tôi rất đau khổ. Hai chị tôi là con gái còn đi giúp việc cho người ta được, còn em trai tôi, nó là con trai thì làm sao mà đi giúp cho họ được, rồi nó sẽ sống như thế nào? Sau này tôi về cứ nghĩ miết tới thằng em đó, bây giờ nó còn sống hay đã chết", cô Tân rưng rưng.
Số phận của 4 chị em mồ côi
Khi "Như chưa hề có cuộc chia ly" tìm về Buôn Ma Thuột, anh Sanh đã rất xúc động khi biết ở đâu đó trên dải đất hình chữ S này, chị gái mình vẫn còn sống và ngày đêm đang trông ngóng tin tức của anh.
Anh Sanh là con trai của ông Tiết và bà Liệp, quê ở Phù Cát, Bình Định. Bà Liệp sinh 5 người con. Một buổi sáng năm 1973, anh Sanh và các chị tỉnh dậy, ngơ ngác thấy mẹ đã mất. Sau đó, đứa em út còn bú dở cũng mất theo.
Anh Sanh tìm tin tức chị gái thất lạc đã nhiều năm
Bà Đầm (chị cả) sau đó được cha đem gửi ở đợ cho nhà một sĩ quan cao cấp. Tháng 4/1975, bà trốn về nhà ngoại, trên người đầy vết thương. Cậu bà Đầm - vì thương xót cháu đã đem một chỉ vàng cuối cùng đưa bà đi chạy chữa. Một tháng nằm trong viện, bà Đầm mới hồi phục.
Về phía bà Bích (chị thứ hai), sau khi mẹ mất, bà được người ta đưa vào nhà thương rồi qua trại trẻ mồ côi. Ở được một năm, bà được nguời thân tới dẫn về nhà.
Ông Tiết sau khi giao con gái thứ ba tên Oanh (tên thật của chị Tân) cho người họ hàng đưa đi, ông cũng đi biệt, không ai biết tin tức gì.
Chỉ còn Sanh ở lại, lớn lên với sự thiếu thốn trăm bề. Anh đi chăn bò thuê, lớn lên nhận cưa gỗ, đốn củi cho người trong làng làm chuồng heo. Giờ đây anh sống bằng nghề trồng cây kiểng, có kinh tế ổn định.
Bà Đầm và bà Bích may mắn kiếm được người chồng hiền lành, chịu khó làm ăn nên cuộc sống sau này cũng bớt vất vả.
Ông Tiết bên các con
Nhắc về mẹ, anh Sanh kể về với giọng trầm buồn: "Mỗi lần tôi đi hát karaoke bất chợt hát bài nói về mẹ là tôi khóc, rời cuộc chơi đi về. Các bạn không hiểu tại sao. Nghe câu hát "Mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm khát nước biết làm sao đây", tự dưng tôi nhớ lại tuổi thơ, không ngồi chơi được nữa. Trưởng thành rồi, tôi đi buôn bán còn có những người họ xoa đầu tôi, khóc vì thương.
Hồi mẹ mất, sữa không còn nữa mà tôi cứ bò qua cái vú bên này bú. Không có sữa tôi bò qua ngược cái vú bên kia bú. Đó là tôi nghe người hàng xóm kể lại, người ta tự khóc rồi tôi khóc theo, chứ có biết gì đâu", anh nói, mắt ngấn lệ.
Năm 1991 khi anh Sanh 21 tuổi, đang làm thợ rừng thì tình cờ nghe được tin ba mình sống độc thân ở An Khê thì tìm đến. Ông Tiết mang nỗi tủi hổ, mặc cảm vì bao năm xa quê, giờ tay trắng nên không muốn về. Anh Sanh thuyết phục, an ủi cha, mãi đến năm 1996 mới đồng ý đi theo con trai.
Bà Đầm, bà Bích, cũng từng có phút hờn giận cha đã đẩy chị em bà vào cảnh bơ vơ, chia ly. Nhưng đạo làm con cái, chuyện quá khứ bà cho qua, giờ chỉ mong sao gặp lại được người em gái thất lạc, vậy là mừng.
4 chị em đoàn tụ
Tại chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, cô Tân bật khóc khi gặp lại được chị em cùng người cha 85 tuổi. Cô Tân tiến lại em trai, rờ mặt đứa em mà cô thương và nghĩ tới nhiều nhất. Ngày rời xa, em chỉ mới 5 tuổi mà giờ đây trở thành người đàn ông trung niên, mái tóc phai màu theo thời gian. Dĩ vãng nào rồi cũng qua, từ nay 4 chị em cô đã có thể yên lòng, sống an vui tuổi già bên con cháu.
Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly