"Bị" hỏi vay tiền thường đưa người cho vay vào tình huống ban đầu hơi bối rối, khó xử. Tiền có thể làm cho tình cảm giữa con người trở nên khăng khít hơn, nhưng cũng có thể khiến cho mọi thứ đổ vỡ trong phút chốc. Trong cuộc sống đã có rất nhiều trường hợp cho người khác vay tiền nhưng không được trả lại đúng hạn dẫn đến xích mích và mất lòng nhau.
Chỉ có hai tình huống đáng để cho người khác vay tiền
Thứ nhất là để cứu người. Tức là khi có người thân quen cần tiền gấp để xoay sở khi sức khỏe có vấn đề hay những việc cấp thiết khác, úc này, bạn có thể tận tâm giúp đỡ cho người ấy vay.
Tình huống thứ hai là khi bạn biết và hiểu rõ tính cách của đối phương. Nếu họ là người uy tín, minh bạch, họ sẽ trả tiền cho bạn đúng thời hạn thì hãy cho vay. Còn nếu không, hãy học cách từ chối lịch sự.
Từ chối cũng là một kỹ năng quan trọng đòi hỏi sự khéo léo và EQ cao. Nếu từ chối mà cách nói vô tình gây hiềm khích sẽ khiến mối quan hệ của cả hai xấu đi, thậm chí là trở mặt, từ bạn hóa thành thù.
Nhiều người luôn nghĩ rằng mối quan hệ giữa hai bên đã đủ quen biết hay bền chặt thì đối phương sẽ sẵn lòng cho mình vay tiền bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, tiền bạc luôn là vấn đề nhạy cảm, là thứ khó tạo ra nhưng ai cũng cần.
Phải từ chối như thế nào để không mất lòng đôi bên?
Tami Claytor, giám đốc trung tâm tư vấn tài chính có trụ sở tại New York chia sẻ: "Thông thường việc cho vay luôn tạo ra cảm giác không thoải mái cho cả bên, đó là một điều đáng tiếc. Ở phía người đi vay, họ thường cảm thấy ái ngại, xấu hổ vì tiền bạc thể hiện một phần nào đó giá trị của mỗi người".
Vậy nếu thường được hỏi vay mượn mà thâm tâm không muốn thì bạn hãy áp dụng thử các mánh nhỏ sau, vừa tránh mất lòng lại vừa khiến đối phương hiểu và rút lại lời "mượn".
1. Nói với họ bạn cũng đang mắc nợ
Đây là cách nói khéo nhằm ám chỉ tình hình tài chính của bạn không hề dư dả, và vì vậy không phải bạn không muốn giúp đỡ nhưng thật sự bạn đang không có khả năng, vì chính bản thân mình cũng đang mang danh "con nợ".
Người mượn tiền ắt sẽ thông cảm với bạn và không kì kèo hỏi han nữa đâu.
2. Hỏi lại rõ ràng "thời gian trả chính xác là khi nào?"
Hỏi câu này như một cách hoãn binh, sau khi nghe được đáp án từ người đi vay hãy tỏ ra tiếc nuối vì không giúp được họ.
Lí do là khoảng thời gian trả quá trễ, hoặc trùng lắp với thời gian bạn cần dùng món tiền. Đây là cách khéo léo để từ chối cho vay, không phải bạn không muốn giúp nhưng chỉ vì thời điểm "vô tình" không đúng thôi.
3. Giúp họ tìm phương án giải quyết vấn đề
Trong trường hợp bản thân không thể cho vay, bạn có thể giúp họ tìm thêm công việc để tăng thu nhập. Ngoài ra có thể chỉ thêm cho họ ngân hàng uy tín để vay vốn hoặc mở thẻ tín dụng nếu cần thiết.
Thay vì từ chối thẳng thừng, hãy từ chối một cách khéo léo và đưa ra những giải pháp khác giúp họ có thể khắc phục được phần nào hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Bên cạnh đó bạn cũng cần hiểu rằng, khi không cho vay vì bất cứ lý do gì bạn đều không cần cảm thấy áy náy vi vấn đề nằm ở phía người vay tiền chứ không phải ở bạn.
4. Tiết lộ bạn không phải người nắm tài chính trong nhà
Nếu bạn không phải trụ cột gia đình, tiền bạc trong nhà không phải do bạn quyết định, thì khi muốn từ chối cho vay tiền, bạn cứ nói tài chính trong nhà không do bạn làm chủ, nếu cho họ vay tiền thì đợi bạn về hỏi lại gia đình.
Nghe vậy, đối phương sẽ ngay lập tức hiểu ý của bạn và không hỏi mượn bạn lần nào nữa. Bằng cách này, bạn có thể từ chối người khác một cách nhẹ nhàng, nhất là với những người bạn không tin tưởng.
Hãy đặt ra nguyên tắc cho bản thân và kiên định với nguyên tắc đó, đôi khi không cần phải giữ thể diện, đối phương có thể trở mặt với bạn vì chuyện vay tiền nhưng cũng đừng quá bận tâm. Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người càng muốn dùng tiền để đầu tư sinh lời thay vì cho mượn mà không có lãi suất. Nếu bạn bị một người giận dỗi hoặc quay lưng vì không cho người đó vay thì mối quan hệ này có lẽ cũng không cần thiết để tiếp tục nữa.
Tổng hợp