Anh Phan Thông, chuyên gia trải nghiệm F&B (ẩm thực và đồ uống) chia sẻ rằng rất nhiều người làm trong lĩnh vực nhà hàng, quán cà phê hỏi anh rằng: “Làm thế nào để bán hàng nhiều hơn?”. Rồi “dù chạy quảng cáo nhưng vẫn không có khách thì phải làm sao?
Thực tế, ẩm thực và đồ uống là một trong những ngành “gian nan” nhất.
Gian truân của ngành F&B
Anh Phan Thông chỉ ra những khó khăn của ngành F&B mà những người làm trong ngành gặp phải:
Thứ nhất, tất cả các công đoạn quy trình cung ứng, sản xuất, dịch vụ, tiêu thụ và thu tiền luôn tại chỗ.
Thứ hai, nhân sự thường là lao động phổ thông nên dễ phát sinh lỗi sai.
Thứ ba, rào cản xâm nhập ngành thấp. Chỉ cần có vài trăm triệu là có thể mở quán. Công nghệ phát triển nên có hình thức bếp trên mây. Không cần nhiều tiền vẫn có sản phẩm và kinh doanh được.
Vì rào cản thâm nhập thấp khiến mọi người đổ xô kinh doanh F&B. Dù có người thất bại, rời “chiến trường” nhưng sẽ luôn có người mới nhảy vào. Theo ông Phan Thông, kinh doanh trong ngành F&B thì xác định, đối thủ mới và cũ nhiều vô tận. Do đó, không nên đấu mà tập trung vào việc của mình để phát triển.
Hình minh họa
4 câu hỏi gốc rễ cho người kinh doanh F&B
Bán cái gì?
Nhiều người nói bán cà phê xong tập trung vào ly cà phê, bỏ mặc không gian xung quanh. Khách tới vừa ồn vừa nóng, họ không ngồi được. Họ đi. Bởi vậy mô hình mang đi ra đời. Với khách ngồi uống cà phê, doanh chủ phải bán không gian, bán trải nghiệm. Cụ thể hơn là bán cuộc nói chuyện với đối tác, bạn bè, không phải đơn thuần ly cà phê.
Bán cho ai?
Nhiều người cho rằng bán cho càng nhiều người càng tốt. Điều trên là đúng nhưng vẫn cần có nhóm khách hàng chính để giải quyết cho một nhu cầu cụ thể.
Ví dụ, khách hàng muốn tỉnh táo và nhanh. Nhóm này chính là khách hàng của xe cà phê take away gần văn phòng. “Ngon dở chưa biết nhưng khách uống để tỉnh táo trước”, anh Phan Thông nhận định. Do đó, người bán cần biết cụ thể mình đang phục vụ vị khách như thế nào thì mới phát triển được sản phẩm.
Vì sao khách hàng phải chọn tôi?
Mỗi nhu cầu, mỗi nhóm khách hàng sẽ có câu trả lời khác nhau. Bởi vậy nếu làm khảo sát, người bán sẽ rối vì nhiều đáp án. Khi trả lời câu hỏi bán cho ai, nhu cầu nào thì sẽ trả lời được “vì sao khách chọn tôi”.
Ví dụ, doanh chủ bán sự tiện lợi thì phải làm sao nhanh nhất, gần nhất. Bán sự hứng khởi, tỉnh táo thì phải thể hiện sự vui tươi, tương tác.
Mô hình kinh doanh của tôi thế nào?
Câu này khó hơn vì câu trả lời nằm ở yếu tố khách quan. Khi doanh chủ đã bán take away thì không nên bày thêm ghế cho khách ngồi lại. Ngồi lại thì phải thêm nhiều hoạt động ngầm đi kèm như dọn dẹp, lau chùi, khách gọi thêm, chỗ để xe...
Mô hình cần rõ ràng và tập trung. Nếu không sẽ mãi lạc lối. Năng lực quyết định chọn những thứ không làm cũng là một năng lực cần phải rèn luyện. Nếu không xác định những thứ không làm, doanh chủ sẽ đến lúc rối ren ai khuyên gì cũng nghe và lâm vào lạc lối.