Chúng ta đang bước vào giai đoạn có thể nói là kinh khủng nhất của mùa hè, với cái nóng như thiêu như đốt cùng nhiệt độ đã nhiều lần vượt mức 40 độ C. Giữa thời tiết khắc nghiệt như vậy thì không chỉ con người mà ngay cả máy móc, đặc biệt là smartphone cũng ít nhiều bị ảnh hưởng nếu phải phơi mình ngoài nắng quá lâu.
Nếu là một người thường xuyên phải di chuyển ngoài đường vì tính chất công việc, hãy bỏ túi ngay những bí kíp dưới đây để bảo vệ cho “dế” yêu cũng như chính sức khỏe của bản thân bạn.
1. Hạn chế ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp vào smartphone
Các chuyên gia tại cổng thông tin viễn thông Đức Telarif.de đã từng khuyến cáo rằng smartphone chỉ hoạt động ổn định trong môi trường dưới 30 độ C. Nếu cao hơn, thiết bị của bạn sẽ bắt đầu gặp phải những vấn đề như: Loạn cảm ứng, nóng linh kiện, pin ngừng sạc.
Còn nếu nhiệt độ quá cao, máy có thể ngừng hoạt động hoàn toàn, pin chết vĩnh viễn và thậm chí còn có thể gây ra cháy nổ, gây nguy hiểm cho người dùng.
Phơi nắng quá lâu có thể khiến smartphone gặp nhiều vấn đề về phần cứng.
Đối với mức nhiệt độ trong khoảng 40 độ C mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay thì phần linh kiện bị ảnh hưởng nặng nhất chính là viên pin của smartphone.
Theo đó, tuổi thọ cũng như khả năng tích điện của pin sẽ bị giảm đáng kể. Pin li-ion, được sử dụng trong hầu hết các smartphone hiện nay, sẽ giảm khoảng 20% hiệu năng mỗi năm ở nhiệt độ trung bình 25 độ C. Hãy thử tưởng tượng nếu mức nhiệt cao hơn thì hậu quả sẽ còn khủng khiếp thế nào.
2. Không sử dụng các tác vụ nặng quá lâu khi đi ngoài nắng, làm mát thiết bị ngay khi có dấu hiệu quá tải nhiệt
Có lẽ bạn cũng không còn lạ gì với hiện tượng smartphone sẽ nóng ran lên nếu bạn sử dụng những tác vụ nặng quá lâu như kết nối 3G/4G, chơi game hay quay video. Khi đi ngoài nắng, nhiệt độ quá cao sẽ đẩy mạnh quá trình này, khiến cho thiết bị của bạn nhanh chóng biến thành một cục gạch nung chỉ sau một thời gian ngắn.
Sử dụng các tác vụ nặng ngoài nắng sẽ khiến smartphone nóng ran lên chỉ sau một thời gian ngắn.
Để tránh tình trạng quá tải nhiệt, bạn nên cất smartphone trong túi xách kín khi đi ngoài nắng. Nếu bắt buộc phải dùng điện thoại, hãy tìm một nơi râm mát, tránh ánh nắng trực tiếp và cố gắng sử dụng nhanh nhất có thể.
Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không nên làm mát máy bằng cách cho vào tủ lạnh nhé. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng không thực sự tốt cho smartphone đâu. Thay vào đó, hãy tắt nguồn và đợi khoảng 10 - 15' nếu máy quá nóng.
3. Chỉ sạc pin ở những nơi thoáng mát
Như đã nêu trên, pin điện thoại chính là linh kiện bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi bạn sử dụng máy dưới trời nắng quá lâu. Vì thế, hãy luôn sạc pin ở những nơi khô ráo, mát mẻ, tốt nhất là ở trong nhà, tránh để máy phơi nắng bởi bản thân “dế” yêu của bạn cũng sẽ phát ra rất nhiều nhiệt trong quá trình sạc.
Hãy luôn chú ý sạc pin ở nơi thoáng mát để máy thoát nhiệt dễ dàng nhất.
Ngoài ra, bạn cũng nên tháo ốp lưng nếu có và bố trí không gian xung quanh sao cho thoáng đãng nhất. Điều đó sẽ giúp nhiệt sinh ra từ máy được giải phóng dễ dàng hơn, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến máy. Cuối cùng, hãy tập từ bỏ thói quen vừa đi ngoài đường vừa tranh thủ sử dụng sạc dự phòng để hồi pin cho máy đi nhé.
4. Thường xuyên chú ý đến những tình trạng bất thường của máy
Smartphone hay bất kì thiết bị điện tử nào cũng sẽ có dấu hiệu xuống cấp theo thời gian sử dụng. Khi đó, bạn cần đặc biệt chú ý đến những dấu hiệu bất thường của máy, như nắp lưng lồi lên do pin bị phồng, hay màn hình bắt đầu xuất hiện những điểm liệt không nhận cảm ứng.
Hãy chú ý đến những dấu hiệu bất thường của smartphone để kịp thời sửa chữa nhé.
Khi bắt đầu xuất hiện những đặc điểm trên, bạn tuyệt đối không nên sử dụng smartphone dưới nhiệt độ cao. Nắng nóng gay gắt sẽ chỉ khiến tình trạng máy trở nên tồi tệ nhanh hơn, dễ hỏng hơn và thậm chí còn có thể phát nổ, gây nguy hiểm cho chính bản thân bạn.
Nếu bạn không thực sự yên tâm về thiết bị của mình, hãy đến những trung tâm, cơ sở sửa chữa uy tín (chính hãng là tốt nhất) để được hỗ trợ thay linh kiện, bảo hành an toàn và kịp thời.