1. Không một thông điệp nào to và rõ ràng hơn bằng tình thế trớ trêu chưa từng thấy của các HLV đã đăng quang tại 4 giải VĐQG lớn nhất châu Âu. Max Allegri, HLV Juventus sẽ ra đi sau khi mùa giải 2018/19 khép lại với 5 chức vô địch Serie A và 4 chiếc cúp QG Italia. Ngoài ra, vị chiến lược gia này cũng 2 lần đưa Bà đầm già thành Turin vào tới chung kết Champions League.
Đó là thành tích hết sức ấn tượng nhưng cái mà Allegri nhận được như ông đã nói: "Tôi rời khỏi cuộc họp và người ta nói với tôi rằng tôi không còn là HLV nữa". Lạnh lùng và rất phũ phàng như tống cổ tội đồ.
Tại Bayern Munich, tương lai của HLV Nico Kovac cũng bị đặt dấu hỏi lớn mặc dù đã chính phục thành công Bundesliga và đứng trước cơ hội đoạt cú đúp quốc nội, với trận chung kết Cúp QG Đức vào cuối tuần này với RB Leipzig.
Một nhà cầm quân khác cũng đầy triển vọng giành cú đúp quốc nội mà thật tình cờ là mùa trước cũng giành cú đúp này là Ernesto Valverde, HLV Barcelona. Valverde có thể sẽ ở lại, mặc dù vậy nếu vị chiến lược gia này bị sa thải thì cũng ít người bị bất ngờ hơn bởi niềm tin đã bị xói mòn bởi hai lần sụp đổ tại Champions League.
Thomas Tuchel, HLV PSG cũng ở trong tình huống tương tự. PSG đã giành Ligue 1 với sự áp đảo cực lớn, khi đang bỏ xa đội xếp thứ hai Lille tới 16 điểm trước vòng đấu hạ màn, và hợp đồng của nhà cầm quân người Đức vừa được gia hạn thêm 1 năm. Tuy nhiên, nhiều người kỳ vọng Tuchel ra đi. Trên thực tế thì có vẻ như thòng lọng FFP (Luật công bằng tài chính) là một phần lý do buộc PSG phải giữ Tuchel để tránh tốn kém.
Hiện tượng hy hữu này chỉ có một cách để giải thích: Juventus đã vô địch Serie A 8 mùa liên tiếp, Bayern Munich 7 mùa, Barca giành La Liga 8 trong 11 mùa gần nhất và PSG giành 6 Ligue 1 trong 7 mùa vừa qua. Giành chức VĐQG dường như là điều hiển nhiên với các CLB này thế nên mục tiêu tối thượng là Champions League. Đáng nói, cả 4 đội đều nhận những thất bại thê thảm tại đấu trường danh giá nhất châu Âu.
Điều này không khó để nhận ra nên tình thế tréo ngoe của các HLV tại các nhà vô địch cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Song, vấn đề lại nằm ở chỗ khác. Champions League chỉ là cái cớ. Chẳng hạn tại PSG, BLĐ đội bóng chẳng việc gì phải đưa ra một hợp đồng dài hạn với mức đãi ngộ khổng lồ dành cho HLV Thomas Tuchel nếu như không phải HLV thì cũng HLV khác giành được Ligue 1, với lực lượng quá vượt trội của PSG.
2. Champions League trở thành thước đo duy nhất, từ lối chơi đến bản lĩnh. Dù vậy, không đội bóng nào áp dụng công thức trả lương còm cõi và hứa hẹn mức tiền thưởng khổng lồ nếu đăng quang giải tại đấu danh giá nhất châu Âu. Các đội bóng đều cung cấp cho các HLV một bản hợp đồng hậu hĩnh để đảm bảo tính cạnh tranh và phấn đấu.
Tuy nhiên, rất hiếm HLV thực sự phù hợp với mức đãi ngộ như Pep Guardiola, Jurgen Klopp hay Jose Mourinho thời hoàng kim được nhận. Đơn giản công việc dẫn dắt các CLB hàng đầu ít hơn dẫn nhiều so với số nhà cầm quân xứng đáng. Thế nên mọi CLB đều chọn lựa kỹ lưỡng rồi mới đưa ra quyết định bổ nhiệm.
Với Solskjaer, Man United tận hưởng "ngày vui ngắn chẳng tày gang".
Ole Gunnar Solskjaer tại Manchester United là trường hợp điển hình. Khi Man United sa thải Mourinho, họ "mượn" Solsa từ Molde trong vòng 4 tháng. Đến tháng thứ 3 BLĐ đội bóng mới đưa ra quyết định ký hợp đồng dài hạn với nhà cầm quân người Na Uy. Tuy nhiên, đấy mới chính là bước ngoặt. Solsa không còn là nhà cầm quân thời vụ, ông đã trở thành HLV Man United với suy tính cho 3 năm tới. Từ đó, Quỷ đỏ sa sút.
Theo lập luận logic thì điều ngược lại phải xảy ra. Một HLV sẽ nhận được nhiều sự tôn trọng hơn từ các học trò nếu họ có trong tay một bản hợp đồng dài hạn. Đồng nghĩa các cầu thủ chịu đá theo chỉ đạo của HLV cũng như nỗ lực hơn. Vậy mới thấy Man United phi logic như thế nào.
Trở lại với câu chuyện không đăng quang tại Champions League thì đứng trước nguy cơ mất chức của các HLV. Tottenham và Liverpool là hai đội bóng giành vé dự chung kết. Trong một thế giới ánh xạ của thế giới này, cả hai có lẽ sẽ dự chung kết… Europa League. Bởi vẽ, cả hai kết thúc vòng bảng với điểm số ngang bằng với đội bóng thứ ba.
Tiếp theo, ở vòng đấu loại trực tiếp, Tottenham lẫn Liverpool đều trải qua những giây phút đùa giỡn tử thần và hai vị HLV của hai đội bóng này đều đã dùng đến từ may mắn để nói về chiến quả hôm nay. Thế nên, nếu lấy thành tích Champions League làm phong vũ biểu đánh giá các HLV, đó là điều hoàn toàn sai lầm. Giải đấu này hàm lượng phụ thuộc vào may mắn rất nhiều, từ đấu loại trực tiếp đến luật bàn thắng sân khách.
Một góc nhìn khác, đặt giả thuyết, Tottenham lẫn Liverpool không vào chung kết, thậm chí bị loại sớm, Pochettino và Klopp liệu có bị sa thải? Nên nhớ, cả hai chưa từng giành danh hiệu nào cùng Tottenham và Liverpool Câu trả lời vẫn chắc chắn không! Pochettino đã đưa Tottenham trưởng thành vượt bậc chỉ trong 5 năm, điều các đội bóng khác cần vài chục năm hoặc vài tỷ bảng còn Klopp đang tái sinh phượng hoàng Liverpool của những năm tháng hào hùng. Đó mới là chân giá trị.
Vì vậy, đừng đổ cho thành tích tại Champions League dẫn đến hiện tượng 4 HLV dẫn dắt 4 đội vô địch các giải VĐQG hàng đầu châu Âu bị nghi hoặc về khả năng. Thực tế KPI ở đây không phải là chức VĐQG, càng không phải Champions League. KPI là khả năng tận dụng tài nguyên sẵn có, số tiền chi ra chuyển nhượng, tài ứng biến với các yếu tố khách quan không đoán trước như chấn thương và sức thuyết phục về lối chơi.
Juventus chi 100 triệu euro mua về siêu Cristiano Ronaldo, Barca quay lưng với tiqui-taca, Bayern mang hình hài đội bóng tầm trung tại châu Âu còn PSG vẫn bạc nhược đúng nghĩa chuột trong hình hài con hổ. Allegri, Valverde, Kovac và Tuchel đáp ứng được các đòi hỏi nêu trên?!