Chuyên gia Mỹ: Ồ ạt vũ trang "hàng không mẫu hạm trên bộ", Iran sẽ lập tức quỳ gối?

Hoài Giang |

Số tiền viện trợ của Mỹ sẽ giúp Israel tăng tốc trang bị máy bay F-35, KC-46, trực thăng CH-53, bom liệng GBU-39, GBU-53/B, tên lửa Hellfire và bom chính xác JDAM.

Ngày 16/12, tờ Jerusalem Post xuất bản bài viết "The US and Israel should agree on a mutual defense pact" (tạm dịch: Mỹ và Israel nên thống nhất hiệp ước phòng thủ chung) của các tác giả Michael Makovsky và Charles Wald.

Trong bối cảnh một hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Israel sắp được thông qua, nhằm làm rõ hơn những lợi ích và sự nguy hiểm của nó với các căng thẳng ở khu vực Trung Đông hiện tại, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Trung Đông đang đứng bên bờ "miệng hố chiến tranh"?

Đối với các nhà phân tích Hoa Kỳ, ngày mà cuộc xung đột tầm cỡ khu vực giữa lực lượng vũ trang của Israel và Iran diễn ra cũng là ngày mà lợi ích lâu dài của người Mỹ ở khu vực Trung Đông bị đe dọa.

Israel vẫn luôn thể hiện sức mạnh quân sự vượt trội trong khu vực và tương đối "bảo thủ" trong các hành động mà họ cho là "bảo vệ Nhà nước Do Thái", còn chương trình tên lửa và hạt nhân của Iran đang khiến xung đột gia tăng và đe dọa sự tồn tại của chính Israel.

Quyết định rút quân đột ngột khỏi miền bắc Syria và các biện pháp gây áp lực với Tehran của Mỹ hóa ra không có tác dụng kìm hãm mà chỉ làm tăng thêm nguy cơ xung đột.

Cả người Mỹ lẫn Israel đều hiểu rằng hơn lúc nào hết, Nhà nước Do Thái đang mang gánh nặng duy trì sự ổn định khu vực mà người Mỹ đặt lên vai.

Theo các nhà phân tích của Viện An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (JINSA) và cựu chỉ huy NATO, Đô đốc Jim Stavridis, Mỹ cần có những "ý tưởng táo bạo" để bảo vệ đồng minh Israel và quan hệ đối tác an ninh song phương.

Rõ ràng việc củng cố năng lực quân sự của Israel, quốc gia được ví như "hàng không mẫu hạm trên bộ của Mỹ" sẽ khiến Tehran cân nhắc kỹ trước khi quyết định bấm nút khai hỏa một cuộc chiến mang tầm khu vực.

Chuyên gia Mỹ: Ồ ạt vũ trang hàng không mẫu hạm trên bộ, Iran sẽ lập tức quỳ gối? - Ảnh 1.

Lính Mỹ trong một cuộc tập trận chung với Israel.

"Cú huých" của người Mỹ, một hiệp ước quân sự với Israel?

Xét theo quá trình tồn tại của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đối tác khác từ khi người Mỹ thiết lập vào cuối những năm 1940, 50 quốc gia nằm trên 5 châu lục rõ ràng đã không bị đe dọa bởi một cuộc chiến tồn vong.

Nếu Mỹ và Israel thông qua một hiệp ước phòng thủ chung và coi một cuộc tấn công vào Israel tương đương một cuộc tấn công vào Mỹ, liên minh này sẽ có năng lực răn đe lớn hơn so với một mình Israel "đứng trên chiến tuyến".

Hiệp ước có thể ngăn Iran hoặc những "thế lực" khác ở Trung Đông leo thang xung đột trở thành chiến tranh quy mô nhằm vào các lợi ích sống còn của Israel hoặc Mỹ ở Trung Đông.

Một hiệp ước trong tương lai giữa Mỹ và Israel được cho là tương đối "hẹp" để bảo vệ quyền tự quyết của cả hai.

Nói cách khác, nó sẽ chỉ kích hoạt trong những trường hợp xảy ra các "sự cố" đặc biệt nguy hiểm như một cuộc tấn công lớn của Iran và lực lượng ủy nhiệm Hezbollah vào lãnh thổ Israel.

Xét cho cùng, người Mỹ sẽ không phải đứng ra bảo vệ Israel mỗi khi rocket được khai hỏa từ Gaza (chính Israel cũng không tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự như vậy).

Bom liệng GBU-39 SBD do Boeing & Saab sản xuất được Israel sử dụng thường xuyên trong các cuộc không kích tại Syria. giá thành mỗi quả bom tương đương 77000 USD.

Nhiều máy bay hơn, nhiều vũ khí chính xác hơn sẽ khiến "hòa bình" tự đến?

Ngay cả khi được bổ sung năng lực răn đe bởi một hiệp ước phòng thủ chung, Israel vẫn sẽ phải gánh vác trách nhiệm bảo vệ lợi ích của chính họ và Mỹ tại Trung Đông.

Người Mỹ đã không trả đũa hành động bắn rơi UAV RQ-4A Global Hawk của Iran cũng như cuộc tập kích bằng tên lửa và UAV vào cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi và đã rút khỏi đông bắc Syria.

Nhưng sự ổn định trong khu vực vẫn là mục tiêu lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ và Israel đã "vất vả" để bảo vệ mục tiêu này bằng cách tiến hành một loạt các chiến dịch không kích vào "các mục tiêu Iran" ở Syria, Iraq.

Israel hiện đang đứng giữa một cuộc chạy đua vũ trang toàn khu vực giữa Iran, các quốc gia Arab và một Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng thù địch. Điều này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn khi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc đối với Iran kết thúc và các tiến bộ hạt nhân của Iran.

Bản ghi nhớ (MoU) về viện trợ quân sự của Mỹ trị giá 38 tỷ USD được ký dưới thời Cựu Tổng thống Obama hiện là "xương sống" của các biện pháp hỗ trợ Israel trong việc tự vệ và mang lại lợi ích ngược lại cho nền kinh tế Mỹ.

Chuyên gia Mỹ: Ồ ạt vũ trang hàng không mẫu hạm trên bộ, Iran sẽ lập tức quỳ gối? - Ảnh 4.

Cựu Tổng thống Obama đã ký một MoU với số tiền 38 tỷ USD viện trợ vũ khí cho Israel. Số tiền này đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị máy bay chiến đấu F-35I Adir của Israel.

Tuy nhiên, MoU cũng có những giới hạn nhất định khi giá trị vũ khí mà Israel trang bị hàng năm (số liệu có được bằng cách chia tổng số giá trị vũ khí trang bị trong hơn 10 năm) sẽ không đổi cho đến năm 2027.

Mỹ nên đẩy nhanh tốc độ và số lượng vũ khí trang bị cho Israel bằng cách đẩy nhanh tốc độ giải ngân các khoản tiền được quy định trong MoU hoặc Israel có thể "vay" trước số tiền được viện trợ theo MoU và trả lãi.

Cùng với phương án ký kết hiệp ước phòng thủ chung, việc Israel trang bị ồ ạt vũ khí Mỹ theo MoU được ký từ thời cựu Tổng thống Obama sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng rằng Mỹ sẵn sàng giải quyết các thách thức an ninh đang ngày càng gia tăng ở Trung Đông.

Nó cũng sẽ giúp cho số lượng máy bay chiến đấu F-35, máy bay tiếp dầu KC-46, trực thăng vận tải CH-53K và các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel được nhanh chóng bổ sung theo nhu cầu hiện đại hóa của quốc gia này.

Trước nguy cơ xung đột cục bộ cũng như tiêu hao trong các chiến dịch không kích "mục tiêu Iran" hiện tại, Không quân Israel cũng cần bổ sung một số lượng lớn vũ khí chính xác.

Giải ngân sớm MoU có thể cho phép Israel ký các hợp đồng để bổ sung bom liệng GBU-39, GBU-53/B, tên lửa AGM-114 Hellfire, cùng với bộ kit nâng cấp JDAM để biến bom thông thường thành bom thông minh dẫn đường bằng GPS.

Nhưng năng lực sản xuất của các nhà thầu quốc phòng Mỹ cũng có những hạn chế nhất định. Việc quân đội Mỹ bổ sung bằng cách cho Israel "mượn" các loại vũ khí kể trên có thể là giải pháp để bù đắp thiếu hụt do quá trình sản xuất kéo dài của các nhà sản xuất vũ khí Mỹ.

Michael Makovsky từng là một nhà phân tích thị trường năng lượng cho các quỹ đầu tư trước khi làm việc tại Lầu Năm Góc. Hiện ông là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Viện An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (JINSA).

Tướng Charles Wald từng là phi công điều khiển máy bay Cessna O-2 Skymaster trong Chiến tranh Việt Nam, phi công F-16 trong cuộc can thiệp vào Chiến tranh Bosnia-Hezegovina năm 1995 và là cựu phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ (EUCOM).

Charles Wald hiện là đồng lãnh đạo của Dự án An ninh Quốc gia (NSP) tại Trung tâm Chính sách Bipartisan.

Ông trở nên nổi tiếng sau lập luận vào năm 2010 rằng Mỹ vẫn có lựa chọn quân sự trong việc gây sức ép với Iran.

Bom GBU-53/B StormBreaker trong một quảng cáo với slogan: "Ít máy bay hơn, hiệu quả cao hơn"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại