Ảnh minh họa
Sai lầm lớn nhất
Cách đây 6 năm (năm 2018), chị Ngân phát hiện mắc ung thư một cách tình cờ. Chị cho biết bản thân rất khoẻ mạnh, ít ốm và là một người cực kỳ giữ gìn sức khoẻ. Làm trong cơ quan nhà nước, vì vậy chị Ngân cũng cũng chăm đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ 2 lần/năm theo chế độ của cơ quan.
Chị Ngân có tiền sử có nang và nhân xơ tại ngực. Các bác sĩ kiểm tra đều bảo lành tính, chỉ cần theo dõi. Do đó, chị Ngân không kiểm tra chuyên sâu hơn.
"Thời điểm đó, nếu như tôi đi kiểm tra chuyên sâu ngực hơn thì có thể đã phát hiện ung thư sớm. Nhưng tôi đã không làm thế, đến khi có triệu chứng (cảm giác như có con gì bên trong và ho điều trị kháng sinh không khỏi), tôi mù mờ nhận ra có khả năng mình bị ung thư vú. Tôi đi khám chỉ để là khẳng định những suy nghĩ của mình mắc bệnh mà thôi", chị Ngân nói.
Chị Ngân nói sai lầm lớn nhất của chị là luôn cho rằng "ung thư không thể rơi vào mình". Chị thừa nhận luôn nghĩ mình là người có kiến thức, chịu khó đi khám sức khoẻ nên không có chuyện mắc bệnh được. Qua trường hợp của mình, chị Ngân nhắn nhủ: Khi nghi ngờ bất cứ điều gì, cần phải đi khám chuyên khoa.
Chị Ngân lắng nghe cơ thể nên khi mắc ung thư giai đoạn 3, chị rất bình tĩnh. Thậm chí lúc đầu, chị còn giấu gia đình để mọi người đỡ lo lắng. Tới khi đã lo đủ thủ tục nhập viện mổ, chị mới báo cho người nhà biết.
"Mức độ phản ứng khi mình biết mắc ung thư sẽ phụ thuộc vào kiến thức hiểu của từng người. Tôi thấy trong dân gian hay thậm chí phim ảnh cứ nhắc tới ung thư là chết sững, suy sụp, bi luỵ… Chính cách truyền thông sai khiến cho người bệnh sợ phải đối mặt với căn bệnh mình đang mang.
Hiện nay, khi thông tin về ung thư nhiều nên tôi cũng tìm hiểu, yên tâm điều trị. Thậm chí tôi còn phải động viên ngược lại người nhà để họ đỡ lo lắng cho mình", chị Ngân nói.
Lấy tinh thần vượt qua ung thư
Chị Ngân coi ung thư là bệnh mạn tính, có thuốc điều trị và có cơ hội để sống khoẻ mạnh không bệnh. Chính suy nghĩ tích cực đó đã giúp chị Ngân từng ngày vượt qua các tác dụng phụ của điều trị.
Chị Ngân cho biết nỗi đau của căn bệnh ung thư thực sự bắt đầu khi bước vào phác đồ điều trị. Gần như các bệnh nhân sẽ gặp tác dụng phụ với quá hoá trị, xạ trị. Bản thân chị Ngân cũng vậy, chị đã từng rất đau đớn và nghĩ tới việc bỏ cuộc.
"Tôi chia sẻ nỗi đau với những người đồng bệnh trên hội nhóm ung thư. Mọi người đều nói ai cũng phải trải qua. Rồi tôi cũng tự nghĩ, có những bệnh nhân 80 tuổi, hay em nhỏ có thể vượt qua, vì sao mình lại bỏ cuộc", chị Ngân nói.
Đối với bệnh nhân ung thư thì lời động viên của người động bệnh cũng là động lực để vượt qua.
Chị Ngân tâm sự để vượt qua ung thư thì cần phải chấp nhận sự thật và tìm ra động lực của bản thân. Riêng đối với chị Ngân, động lực giúp chị vượt qua bệnh là con.
"Con tôi lúc đó còn nhỏ, do vậy tôi ham sống để được nhìn thấy con trưởng thành", chị Ngân nói.
Khi đối diện với ung thư, chị Ngân chấp nhận sự buông bỏ, không đặt quá nhiều mục tiêu dài hạn. "Tôi chỉ nghĩ ngày hôm nay thức dậy mình còn thở, khoẻ mạnh là sự hạnh phúc. Ngưỡng hạnh phúc của tôi hạ xuống, tôi dễ dàng chạm tới hạnh phúc hơn", chị Ngân chia sẻ.
Trong quá trình điều trị bệnh, chị Ngân vẫn đi làm bình thường. Chị Ngân cũng cập nhật thêm kiến thức về bệnh ung thư để trở nên thông thái. Hiện, sau khi đã điều trị ổn định ung thư, chị Ngân đồng hành tư vấn giúp đỡ cho người đồng bệnh.
Để phòng ngừa ung thư, chị Ngân khuyên mọi người cần phải quan tâm tới sức khoẻ mình hơn. Nếu có điều kiện, mỗi năm nên đi kiểm tra sức khoẻ tầm soát ung thư.
*Tên nhân vật được được thay đổi!