Nhiều gia đình, cả 2 vợ chồng đều phải rời bục giảng
Thực hiện các chỉ đạo về việc tinh giản biên chế, ngày 27.6, Huyện uỷ Vĩnh Lộc ra thông báo số 139-TB/HU với nội dung “Dừng không ký lại hợp đồng lao động đối với các trường hợp đã hết hạn hợp đồng đang làm việc tại cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện cho đến khi có chủ trương chính thức của tỉnh”.
Thông báo này cũng chỉ đạo: Xây dựng cơ chế cụ thể hỗ trợ người lao động trong thời gian tìm công việc mới.
Thực hiện thông báo này, ngày 28.6, UBND huyện Vĩnh Lộc ra thông báo số 98/TB-UB về việc dừng ký lại hợp đồng với đối tượng hợp đồng lao động hưởng lương từ ngân sách huyện, trong đó có 376 giáo viên.
UBND huyện này cũng chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trường học “gặp gỡ, trao đổi, động viên” giáo viên tìm công việc mới.
Dù vậy, 376 giáo viên vẫn quá sốc, hoang mang. Họ là những người đã có nhiều năm công tác, cống hiến trong sự nghiệp giáo dục. Nhiều giáo viên đã có thâm niên đứng trên bục giảng 9-12 năm và rất yêu nghề.
Vậy nhưng, thông báo của lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc đã đẩy họ vào tình cảnh trớ trêu. Không chỉ khó khăn về kinh tế, đảo lộn cuộc sống gia đình mà hàng trăm giáo viên lâm vào khủng hoảng tâm lý.
Cô giáo Trần Thị Huệ - giáo viên dạy toán Trường THCS Vĩnh Thịnh (có bố là thương binh 91%) - nghẹn ngào: “Giáo viên là ngành đặc thù, giờ huyện không ký tiếp hợp đồng lao động, chúng tôi sẽ rất khó chuyển nghề.
Lâu nay chúng tôi đang đi dạy học bình thường, giờ bỗng nhiên không được đi dạy nhiều người lại cho rằng chúng tôi bị đuổi việc, ảnh hưởng đến danh dự của chúng tôi”.
Nhiều gia đình như thầy Trịnh Hồng Thước, 37 tuổi - giáo viên Trường THCS Vĩnh Phúc - thực sự rơi vào khủng hoảng khi cả hai vợ chồng đều thuộc diện phải rời bục giảng.
Có nên đối xử với nghề giáo như thế?
Trong tất cả các thông báo liên quan đến việc không ký tiếp hợp đồng với 376 giáo viên ở huyện Vĩnh Lộc không phải do các giáo viên không đáp ứng yêu cầu hay thừa.
Nguyên do dẫn đến việc họ bị “đẩy ra đường” chỉ bởi họ không phải giáo viên biên chế nhà nước, họ là những giáo viên ký hợp đồng với chủ tịch UBND huyện và với hiệu trưởng.
Tuy nhiên, lỗi không phải do họ. Căn cứ để chủ tịch UBND huyện và các hiệu trưởng ký hợp đồng với 376 giáo viên dựa trên cơ sở QĐ 685/2007/QĐ-UB ngày 2.3.2007 của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc phân cấp quản lý bộ máy và cán bộ, công chức.
Theo đó, chủ tịch UBND huyện có quyền ký hợp đồng làm việc tại các đơn vị sự nghiệp.
Những giáo viên được ký hợp đồng họ đã rất tin tưởng và yên tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người nhưng giờ, “sau bao năm phấn đấu, cống hiến, cái chúng tôi nhận được là sự phủ nhận sạch trơn, là con số không” như thầy giáo Trịnh Hồng Thước chia sẻ.
Để tìm một công việc mới, nhiều giáo viên cho rằng rất khó. “Nếu học kế toán, không làm ở trường có thể xin làm công ty, nhưng giáo viên dạy văn, dạy sử, dạy giáo dục công dân là rất khó” - một giáo viên cho hay.
Thầy giáo Cao Văn Bình - Trưởng phòng Giáo dục huyện Vĩnh Lộc - xác nhận, “dù tính tổng số giáo viên toàn huyện là thừa nhưng trong số 376 giáo viên, nhiều người là giáo viên dạy giỏi, dạy những môn đặc thù không dễ có người thay thế”.
Cũng theo ông Bình, để có được những giáo viên trẻ, tâm huyết không phải dễ, bây giờ không cho họ đứng trên bục giảng cũng là một sự lãng phí nguồn lực của xã hội.
Ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc - cho biết: “Hiện nay UBND huyện đang lên kế hoạch để xây dựng cơ chế hỗ trợ cho người lao động trong thời gian tìm việc”.
Mặt khác, ông Tâm cho hay, huyện đang rà soát các môn còn thiếu giáo viên để trình xin tỉnh cho phép ký hợp đồng với những giáo viên phù hợp trở lại với nghề.
Cũng theo ông Tâm, huyện cũng đang xin cơ chế chuyển giáo viên từ cấp thừa sang cấp học còn thiếu.
Ngày 27.6, bà Vũ Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc - ký công văn gửi Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh về việc xin ý kiến hướng giải quyết số hợp đồng lao động tại cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc.