37 lái tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông được đào tạo, sát hạch thế nào?

Phi Long |

Toàn bộ 37 lái tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đào tạo tại Trung Quốc và thực hành trực tiếp tại dự án, một giáo viên kèm một học viên.

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tất cả 37 lái tàu. Toàn bộ những người này được tuyển dụng và đã qua đào tạo nghiêm ngặt trong quá trình triển khai dự án để điều khiển tàu trong giai đoạn vận hành, khai thác thương mại.

37 lái tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông được đào tạo, sát hạch thế nào? - Ảnh 1.

Toàn bộ 37 lái tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đào tạo tại Trung Quốc và thực hành trực tiếp tại dự án, một giáo viên kèm một học viên.

Những lái tàu này được đào tạo tại Trung Quốc và đào tạo thực hành trực tiếp tại dự án. Phương pháp đào tạo thực hành là một giáo viên kèm một học viên. Đến nay tất cả lái tàu đã được cấp chứng chỉ đào tạo và tự điều khiển được tàu điện trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Tuy nhiên, để đủ điều kiện điều khiển tàu trong giai đoạn khai thác thương mại, các lái tàu trên phải được Cục Đường sắt Việt Nam cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị.

"Ban Quản lý dự án đang làm hồ sơ để đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam kiểm tra, cấp giấy phép cho các lái tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được đào tạo tại dự án", đại diện Ban Quản lý dự án cho biết.

Theo lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, việc tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị được thực hiện theo quy định tại Thông tư 33 ngày 15/5/2018 của Bộ GTVT (quy định về nội dung, quy trình sát hạch cấp giấy phép lái tàu đường sắt).

37 lái tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông được đào tạo, sát hạch thế nào? - Ảnh 2.

Toàn bộ lái tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được cấp chứng chỉ hoàn thành đào tạo thực hành.


Thông tư quy định, các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu (trong đó có lái tàu) trên các tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng trong nước được áp dụng theo tiêu chuẩn của tuyến đường sắt đô thị đó thông qua quá trình đào tạo, chuyển giao công nghệ.

“Đối với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, lái tàu đã được dự án đào tạo, cấp chứng chỉ đào tạo nhưng vẫn phải tham gia kiểm tra sát hạch, đạt yêu cầu mới được Cục Đường sắt VN cấp giấy phép lái tàu”, ông Khương Thế Duy, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết.

Cuối tháng 3/2019 hoàn tất vận hành thử

Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, tính đến đầu tháng 3/2019, khối lượng xây lắp dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành khoảng 99% và đang vào giai đoạn nghiệm thu hoàn thành bộ phận, tiến tới nghiệm thu hoàn thành công trình, chuẩn bị cho công tác bàn giao dự án cho Hà Nội.

37 lái tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông được đào tạo, sát hạch thế nào? - Ảnh 3.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành khoảng 99% và đang vào giai đoạn nghiệm thu hoàn thành bộ phận, tiến tới nghiệm thu hoàn thành công trình, chuẩn bị cho công tác bàn giao dự án cho Hà Nội.


Về khối lượng xây lắp còn lại 1% đang thi công gồm: hoàn thiện các nhà ga và khu gian (ốp lát, sơn bả, sơn tường, trần nhôm, thiết bị vệ sinh, hệ thống phòng cháy chữa cháy, lắp đặt lan can kính; đấu nối hệ thống cấp nước, mái che thang cuốn; hoàn thiện khu Depot (thi công hệ thống trạm xử lý nước thải, trạm bơm, đấu nối cấp nước, trồng cây xanh...). 

Các hạng mục còn lại này đang thi công không ảnh hưởng đến công tác vận hành dự án và sẽ hoàn thành trong tháng 3/2019.

Về công tác vận hành thử, có tổng số 8 chuyên ngành căn chỉnh liên động, hiện đã căn chỉnh xong 5 chuyên ngành (thông tin, tín hiệu, đoàn tàu, điện lực, đường ray), còn 3 chuyên ngành (hệ thống thẻ vé tự động, thang cuốn máy, điều hòa thông gió) đang được thực hiện. Dự kiến cuối tháng 3/2019 hoàn thành công tác vận hành thử.

37 lái tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông được đào tạo, sát hạch thế nào? - Ảnh 4.

Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang vận hành thử.


Được biết, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án trong tháng 2/2019, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt và các đơn vị liên quan thực hiện bàn giao dần các hạng mục đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động, trong đó làm rõ trách nhiệm của các bên; tiến hành lập hồ sơ tổng thể sau khi hoàn thành bàn giao chi tiết.

Cùng đó, Ban QLDA phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội làm việc cụ thể với tổng thầu về công tác lắp đặt trang thiết bị văn phòng để khi tiến hành bàn giao dự án, đơn vị tiếp quản có thể hoạt động được ngay, không làm gián đoạn công tác bàn giao, tiếp nhận, vận hành khai thác dự án.

Xin trợ giá hơn 244 tỷ đồng trong năm đầu tiên

Sở GTVT Hà Nội tạm tính nhu cầu trợ giá hoạt động tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông tương ứng với phương án giá vé đang được lấy ý kiến. Theo dự thảo phương án giá vé sẽ có các loại vé lượt, ngày và tháng.

37 lái tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông được đào tạo, sát hạch thế nào? - Ảnh 6.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử để căn chỉnh liên động hệ thống từ 20/9/2018.


Giá vé dự kiến gồm: 30.000 đồng/ngày (không giới hạn số lượt đi lại trong ngày); giá vé bán cho đối tượng hành khách phổ thông là 200.000 đồng/người/vé/tháng; vé lượt từ 8.000 - 15.000 đồng/lượt. Đây là mức giá được hỗ trợ giá từ ngân sách thành phố đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Sau khi có định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành và các quy định về chi phí quản lý, vận hành về đường sắt đô thị, Sở GTVT, Sở Tài chính Hà Nội sẽ tiến hành đánh giá, tổng kết và trình UBND thành phố xem xét ban hành giá vé chính thức.

37 lái tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông được đào tạo, sát hạch thế nào? - Ảnh 7.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến có giá 200.000 đồng/vé tháng trong giai đoạn vận hành thương mại thí điểm.


Cùng phương án giá vé như trên, Sở GTVT Hà Nội cũng tạm tính nhu cầu trợ giá cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong năm 5 năm đầu tiên hoạt động. Cụ thể, nhu cầu trợ giá khi chưa tính đến chi phí khấu hao trong năm đầu tiên khoảng hơn 244 tỷ đồng; năm thứ hai hơn 182 tỷ; năm thứ ba hơn 176 tỷ; năm thứ tư hơn 164 tỷ; và năm thứ năm hơn 155 tỷ.

Nếu tạm tính nhu cầu trợ giá khi áp dụng khấu hao đối với phần chi phí liên quan trực tiếp đến vận hành khai thác, vận hành kinh doanh, trong 5 năm đầu ở các mức khoảng từ hơn 462 tỷ - hơn 337 tỷ đồng./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại