3,5 tỷ đồng/mét đường: Ai được hưởng lợi?

Minh Tuấn |

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Biền, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội, khẳng định, khi suất đầu tư cho mỗi mét đường nội đô Hoàng Cầu-Voi Phục bị đẩy lên tới 3,5 tỷ đồng thì bất hợp lý đã lên tới đỉnh điểm.

Lãng phí quá lớn

Theo ông Biền, trước đây khi xây dựng tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, tính cả tiền đền bù giải phóng mặt bằng và tiền làm đường lên đến hơn 1 tỷ đồng cho mỗi mét dài đã khiến nhiều người choáng váng và đã gọi đây là tuyến đường “đắt nhất hành tinh”.

Ông Biền cho hay, ngay tại thời điểm làm tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa, bản thân ông và nhiều cơ quan chức năng cũng đã nhìn thấy bất hợp lý này và đều thấy phải giải phóng mặt bằng rộng hơn để thu hồi thêm đất hai bên đường làm quỹ đất đấu giá bù vào chi phí xây dựng đường.

“Bản thân người dân được tái định cư tại chỗ thì cũng vui vẻ hơn khi nhà nước thu hồi đất. Những người có đất ở phía sau cũng không còn tình trạng “đổi đời” quá dễ dàng như hiện nay, bỗng nhiên nhà đất tăng giá gấp cả chục lần từ việc nhà nước bỏ tiền ra đầu tư mở đường.

Trong khi đó, ngân sách phải còng lưng để gánh khoản đầu tư bồi thường quá lớn. Tiềm năng từ đất đai, chênh lệch địa tô không được khai thác”, ông Biền nói.

Vì sao đề xuất không được chấp thuận?

Mặc dù đã 18 năm trôi qua nhưng đến nay ông Đào Văn Bầu, nguyên Phó Giám đốc Sở Địa chính Nhà đất Hà Nội (nay là Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội) vẫn đau đáu với đề xuất mở đường đi kèm với xây dựng tuyến phố.

Đề xuất của ông đã được tập thể lãnh đạo Sở thông qua và thống nhất trình UBND thành phố năm 1999 và dự án đầu tiên được đề xuất thực hiện theo phương thức này chính là “con đường đắt nhất hành tinh” Kim Liên - Ô Chợ Dừa!

Theo phương án này, để giảm khó khăn trong quản lý trật tự xây dựng, tạo cảnh quan văn minh đô thị và đặc biệt là giảm chi phí mở đường từ việc khai thác giá trị địa tô khi đấu giá quỹ đất hai bên đường.

Ông Bầu tính toán: Nếu thực hiện theo phương án đề xuất thì khi mở đường sẽ thu hồi thêm hai bên đường mỗi bên 50m. Quỹ đất này chia làm hai phần bằng một tuyến đường nội bộ, một phần sát mặt đường lớn thì đấu giá xây dựng các công trình lớn, thiết kế đẹp và hiện đại.

Phần còn lại sẽ dùng vào việc tái định cư cho chính những người trước đây ở mặt đường phải di dời dành đất xây đường. Như vậy sẽ bớt đi tình trạng bất công giữa người phải di dời và những người có nhà phía sau trong ngõ ngách bỗng dưng ngày đẹp trời lại ra mặt đường.

“Người ở mặt đường được tái định cư tại chỗ, vẫn ở nhà mặt đường tuy có thể nhỏ hơn. Như vậy tranh chấp, khiếu kiện cũng sẽ bớt đi. Người dân sẽ vui vẻ với việc mở đường”, ông Bầu nói.

Cũng theo ông Đào Văn Bầu, sở dĩ đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa bị dư luận phê phán nhiều vì chỉ vỏn vẹn có 1km đường nhưng chi phí tại thời điểm năm 2000 đã lên tới 1.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ đồng/mét đường. Trong đó hơn 90% chi phí phải đi lo giải phóng mặt bằng, đền bù.

“Theo đề xuất của tôi, nếu đấu giá quỹ đất hai bên tuyến đường này thời điểm đó đã thừa tiền để làm đường, tiền bồi thường cho nhà trong ngõ cũng giảm rất nhiều”, ông Bầu phân tích.

PV Tiền Phong đặt câu hỏi: Vì sao UBND thành phố không chấp thuận đề xuất của ông? Ông Bầu cho biết: “Không ai phản bác tôi nhưng tờ trình bị lờ đi và cuối cùng cũng không ai trả lời cụ thể là vì sao!”, ông Đào Văn Bầu nói.

Ai là người được hưởng lợi từ suất đầu tư “lập kỷ lục thế giới” này và vì sao việc khai thác chênh lệch địa tô để bù đắp chi phí đầu tư dù đã được đề xuất nhưng vẫn không được chấp nhận? Công luận mong chờ câu trả lời từ thành phố Hà Nội.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Tuyến đường này có chiều dài trên 2,2 km, chiều rộng 50 m, diện tích hơn 153.000 m2, bao gồm 2 cầu vượt tại các nút Giảng Võ - Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 đến 2020 với tổng mức đầu tư gần 7.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội và các nguồn hợp pháp khác.

Tuy nhiên, một đại diện BQLDA Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp thành phố Hà Nội – Chủ đầu tư dự án Đường vành đai 1 cho biết chi phí dành cho GPMB chiếm 82% tổng vốn đầu tư, tương đương 6.400 tỷ đồng, trong khi phần dành cho xây lắp khoảng 1.100 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại