Tiết kiệm giỏi có đồng nghĩa với chi tiêu giỏi không?
Nếu câu trả lời của bạn là có, vậy thì chúng ta có cùng suy nghĩ. Cách đây hơn chục năm, khi còn là độc thân, chưa vướng bận chuyện gia đình và cũng chẳng có nhiều áp lực tài chính, tôi mặc định tiết kiệm giỏi chính là chi tiêu giỏi, vì phải biết quản lý, lên kế hoạch chi tiêu thì mới có dư mà tiết kiệm được chứ!
Rõ ràng đó là điều hiển nhiên, nhưng chỉ vì thế mà đánh đồng “tiết kiệm giỏi = chi tiêu giỏi” là sai lắm.
Sau khi làm mẹ, gắn 1 phần cuộc đời mình với cuộc đời của con, tôi nhận ra muốn cải thiện chất lượng cuộc sống về lâu về dài, tiết kiệm thôi là không đủ, quan trọng hơn là phải biết cách tiêu dùng bền vững - chi tiền cho những thứ thật sự xứng đáng, dù chúng có đắt đỏ đến mấy.
1 - Đầu tư vào việc giáo dục con cái
Giáo dục là nền tảng của tương lai, cũng là sự đảm bảo cho cuộc sống của cả gia đình sau này, không riêng gì đứa trẻ.
Ngày xưa hồi còn bé, tôi có hàng xóm bằng tuổi, tên Tiểu San. Nhà gần như sát vách nên chúng tôi dính lấy nhau từ mẫu giáo cho tới khi tốt nghiệp Trung học. Sau đó mỗi đứa đều có một hướng đi, một lựa chọn riêng, chẳng còn bó mình ở vùng quê nhỏ, việc liên lạc thưa thớt dần, chủ yếu chỉ là theo dõi cuộc sống của nhau trên mạng xã hội.
Kỳ nghỉ hè vừa qua, khi về nhà ngoại chơi, nghe mẹ kể chuyện, tôi mới biết Nguyệt San vừa đón bố mẹ sang Châu Âu ở hẳn 2 tháng. Chưa hết, cô còn mua tặng anh trai ruột 1 căn nhà rộng 185m2 ở thành phố, để anh chị chuẩn bị đón bố mẹ lên ở cùng. Nguyệt San đã định cư nước ngoài, không có điều kiện chăm sóc bố mẹ thường xuyên, nên đó coi như là cách cô báo hiếu. Nghe đến là nể!
Hồi còn là những đứa trẻ ngày ngày í ới rủ nhau đi học, tôi vẫn nhớ có những hôm Nguyệt San mặt rầu rĩ chỉ vì đến hạn nộp học phí, nhưng lại không dám nhắc mẹ, vì sợ mẹ không có tiền.
Dù bố mẹ Nguyệt San chỉ làm nông, nhưng 2 anh em cô chưa bao giờ vắng mặt trong bất kỳ lớp học thêm nào. Năm cuối Trung học, có lần Nguyệt San từng kể với tôi “bố mẹ tao vừa phải bán 2 con bò để có tiền cho anh tao đóng học phí Đại học và cho tao đi học thêm”.
Tôi nghĩ rằng bố mẹ Nguyệt San đã vét sạch vốn liếng để đầu tư cho việc giáo dục con cái - theo đúng nghĩa đen. Thật may, cả Nguyệt San và anh trai đều là những đứa trẻ chăm chỉ học hành, tu chí làm ăn. Cả một đời vất vả, kiếm được bao nhiêu cũng chi hết cho con đi học, giờ ở tuổi xế chiều, bố mẹ Nguyệt San cũng được sống thảnh thơi sung sướng, chẳng cần bận lòng chuyện tiền bạc.
Thời của chúng ta, có lẽ chẳng còn mấy ai khó khăn đến mức phải bán cả “cần câu cơm” mới có tiền cho con đi học. Nhưng nỗi lòng người làm cha làm mẹ thì chắc thời nào cũng như nhau. Sinh con ra, ai cũng muốn cho ăn đàng hoàng, để sau này lớn lên, con có điều kiện sống sung sướng hơn mình. Con tự lập, con hạnh phúc, mình không phải bận lòng lo lắng cho nó nữa cũng đã là một sự được nhờ.
Chứ thử nghĩ xem, “đứa trẻ” 30-40-50 tuổi đầu rồi vẫn còn về xin tiền cha mẹ, chẳng có nghề ngỗng, là bố mẹ, làm sao không khổ tâm cho được. Thế nên mới nói, đầu tư cho việc giáo dục con cái không bao giờ là thừa, dù có phải vét sạch vốn liếng.
2 - Đầu tư cho bộ não của bản thân
Là một người mẹ, thành thật mà nói tôi không bao giờ tiếc con mình bất cứ điều gì, nhưng tôi cũng không phải kiểu phụ nữ “vì con, quên mình”. Tôi vừa muốn làm một người mẹ tốt, vừa muốn sống cuộc đời của riêng mình - trở thành người phụ nữ có công việc, có thể sống độc lập, không vì sự rời đi của bất cứ ai mà chao đảo gục ngã.
Tôi biết việc ấy không đơn giản. Một ngày của ai cũng chỉ có 24 tiếng, vừa làm mẹ, vừa làm việc mà lại muốn bản thân phải tiến lên chứ không được dậm chân tại chỗ, cách duy nhất chỉ có thể là không ngừng học hỏi, đầu tư cho não bộ.
Thật may, tôi vốn là người thích học, lâu lâu mà thấy bản thân không biết thêm thứ gì mới là không yên tâm. Khoảng chục năm trước, gần như mỗi năm tôi đều đăng ký học 1-2 khóa học gì đó, có thể là một ngôn ngữ mới, một kỹ năng mới,... Lúc đó, tôi đi học chủ yếu là vì chán, vì vui chơi mãi thì lại có cảm giác bản thân vô ích.
Nhưng đến khi 32-33 tuổi, khi ngồi trong hàng ngũ thế hệ nhân sự “cao tuổi” nhất trong công ty, tôi mới nhận ra việc mình đi học thêm từ cả chục năm trước phát huy tác dụng tới nhường nào.
Thế hệ trẻ ngày nay thực sự giỏi, chúng chỉ thiếu kinh nghiệm làm việc vì chưa có nhiều thời gian cọ sát thôi chứ đứa nào cũng thông thạo ít nhất 1 ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ, thông thạo gần như tất cả các công cụ mà dân văn phòng sử dụng. Nhìn đàn em mà tôi chợt nghĩ nếu ngày xưa mình không chăm chỉ học hành, giờ chắc chẳng có cửa mà cạnh tranh với giới trẻ.
Chưa kể những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo phát triển như vũ bão, có lĩnh vực mà Robot, AI đã có thể thay thế con người. Càng nghĩ, càng không thể tìm ra lý do để từ chối đầu tư cho não bộ của bản thân. Là đầu tư cho “não bộ” - cho trí tuệ ấy, chứ không phải đầu tư cho bản thân bằng cách mua quần áo, giày dép bừa phứa ra đâu!
3 - Đầu tư cho sức khỏe
Không bị ốm cũng là một cách tiết kiệm tiền. Sự thật này, phải đến khi bước vào độ tuổi mà cơ thể trở thành chiếc máy dự báo thời tiết chính xác hơn bất kỳ chương trình nào, bạn mới thấm thía được.
Có một cơ thể khỏe mạnh là điều kiện tiên quyết để tạo ra mọi thứ, nhưng đáng tiếc rằng sức khỏe lại là khoản đầu tư dễ bị lãng quên nhất. Sau khi sinh con năm 29 tuổi, tôi mới nhận ra sức khỏe của mình đã “xuống cấp trầm trọng” về cả mặt thể chất lẫn tinh thần.
Tôi uể oải, mệt rũ ra nhưng lại không thể ngủ được. Và thế là tôi tốn cả mớ tiền khám bệnh, chỉ để có thể ăn ngủ như một người bình thường. Từ đó cho tới nay cũng được gần 6 năm rồi. 6 năm tôi eat clean, duy trì việc tập yoga 30 phút mỗi ngày, đi ngủ lúc 11h đêm và thức dậy lúc 6h sáng. Ở tuổi 35, tôi cảm thấy mình còn khỏe hơn hồi 29 nhưng hàng năm, tôi vẫn đi khám sức khỏe tổng quát và sàng lọc ung thư 1 lần.
Chi phí cho khoản thăm khám này không hề rẻ, ngót nghét 2 tháng lương, nhưng tôi nghĩ nó rất xứng đáng vì tiền có thể kiếm lại được, chứ sức khỏe mà đã mất đi rồi thì khó lắm!