35 tuổi chưa kết hôn, chàng trai bỏ tiền triệu "thuê bạn gái" về quê ăn Tết nhưng sát ngày nhận được tin nhắn: "Không đến nữa"

Thùy Linh |

Cứ ngỡ chi tiền là có thể thoát khỏi áp lực giục kết hôn ngày Tết của họ hàng, chàng trai không ngờ bản thân rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Gần kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, nhiều người thường xuyên tăng cường hoạt động mua sắm, chuyển tiền, và tìm kiếm cơ hội làm thêm. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà những hình thức lừa đảo trở nên phổ biến. Những kẻ gian thường sử dụng các chiêu thức tinh vi để chiếm đoạt tiền bạc, tài sản, hoặc thông tin cá nhân của những người có thể dễ tin. Những kẻ lừa đảo xuất hiện theo nhóm và sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để đánh lừa mọi người, khiến chúng khó bị phát hiện.

Tại Trung Quốc, đây cũng là thời điểm chứng kiến nhiều vụ lừa đảo liên quan tới "dịch vụ cho thuê bạn gái".

"Tôi là nam, 35 tuổi, ở Thâm Quyến, có thu nhập ổn định. Bố mẹ tôi đang nóng lòng thúc giục kết hôn. Tôi muốn tìm một người phụ nữ (yêu cầu trên 23 tuổi) để giả làm người yêu về đón Tết Nguyên đán cùng tôi. Chi phí là 500-800 NDT mỗi ngày."

Đây là yêu cầu mà người đàn ông Trung Quốc họ Lý đã phải đăng tải lên một diễn đàn được cho là "nền tảng cho thuê bạn bè" trên Internet. Anh Lý cho biết, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, khi về nhà nghỉ lễ, các cô dì chú bác ở quê đều không ngừng hỏi thăm về tình hình gia đình và sự nghiệp. Ai chưa có người yêu thì giục yêu đương, có người yêu rồi thì giục kết hôn, kết hôn rồi thì giục sinh con, có một con rồi thì giục "đẻ thêm đứa nữa"... Đủ loại yêu cầu lạ lùng được đưa ra khiến anh Lý cảm thấy áp lực với người thân, bạn bè.

Vì thế, để được đón Tết yên bình và thảnh thơi tâm trí, năm nay, anh Lý quyết định tìm đến một nền tảng được giới thiệu có thể "thuê bạn bè". Trên trang web này, anh không ngần ngại nạp 800 NDT (tương đương khoảng 2,7 triệu VNĐ) để trở thành người dùng VIP, vì chỉ thành viên VIP mới có thể xem trước ảnh và thông tin của người phụ nữ. Sau đó, anh Lý đặt dịch vụ "thuê bạn gái" với yêu cầu cùng về quê đón Tết, bao gồm việc cùng tham dự các buổi tiệc, bữa liên hoan cùng người thân, bạn bè….

35 tuổi chưa kết hôn, chàng trai bỏ tiền triệu

Ảnh minh họa: Internet

Chủ động trao đổi xong, hai bên thống nhất rằng, anh Lý sẽ gửi cho người phụ nữ này một bao lì xì 1.000 NDT/ngày, đồng thời anh cũng sẽ là người thanh toán các khoản chi phí đi lại, ăn uống và chỗ ở cho người phụ nữ.

Theo thỏa thuận, anh Lý trả trước cho người phụ nữ một khoản tiền đặt cọc và chi phí đi lại. Không ngờ mấy ngày sau, đến sát thời điểm về quê ăn Tết, người phụ nữ này vẫn không xuất hiện. Anh Lý gọi điện nhưng không liên lạc được. Cuối cùng, anh chỉ nhận được 1 tin nhắn cho biết "Không đến nữa" rồi bị chặn luôn số điện thoại.

Vì đây là một giao dịch "thỏa thuận ngầm", không ký kết hợp đồng gì, anh Lý chẳng những không có "bạn gái" dịp Tết, bị lừa một khoản tiền không nhỏ, mà còn không thể báo cảnh sát.

35 tuổi chưa kết hôn, chàng trai bỏ tiền triệu

Ảnh minh họa: Internet

Trong một vài năm gần đây, do áp lực kết hôn quá lớn, một số người trẻ Trung Quốc đã lựa chọn cách thuê bạn trai / bạn gái trên mạng như vậy để dẫn về ra mắt gia đình. Tờ SCMP từng đăng tải hiện tượng này vào tháng 3 năm 2023. Theo đó, một cô gái 29 tuổi, tốt nghiệp cử nhân tại một trường đại học bình thường, hiện đang làm nhân viên văn phòng với lương hàng tháng 5.000 NDT, nhưng vào dịp cận Tết có thể kiếm tới 40.000 NDT (khoảng 140 triệu VNĐ) khi nhận lời giả làm bạn gái của người khác. Khách hàng của cô sống trên khắp đất nước, độ tuổi trung bình khoảng 30 và thường phải đối mặt với áp lực kết hôn từ gia đình.

Cô gái này cũng tiết lộ, mức phí ngày thường của cô thường là 1.000 NDT (khoảng 3,4 triệu đồng), cộng thêm 500 NDT trả trước và 350 NDT phụ phí cho bất kỳ yêu cầu nào khác. Mumu nói nếu muốn xem ảnh trước thì phải trả thêm 20 NDT (khoảng 70 nghìn đồng). Còn vào những dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán, lễ Quốc khánh, mức phí sẽ tăng lên tới 2.500 NDT/ngày (khoảng 8,6 triệu đồng). Tuy mức giá khá cao nhưng cô lúc nào cũng kín lịch.

Thực tế, cách làm này chỉ mang tính "đối phó" trong một giai đoạn ngắn, không đem lại kết quả hay giải quyết được bất cứ vấn đề nào. Sau khi bị phát hiện, người thân cũng cảm thấy đau lòng và tổn thương vì bị lừa dối.

Mặt khác, các thỏa thuận này hầu hết đều không được ký kết hợp đồng mang tính chất pháp lý mà chỉ có 2 bên thỏa thuận ngầm với nhau. Do đó, nhiều vụ tranh chấp liên quan đã nảy sinh, được báo chí thường xuyên đưa tin. Một số kẻ lừa đảo còn lợi dụng tâm lý áp lực của nạn nhân để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Vì thế, mọi người nên đề cao cảnh giác, chủ động tăng cường cơ hội giao tiếp, mở rộng quan hệ xã hội, hoặc trực tiếp trao đổi với gia đình, người thân để giải quyết căn bản vấn đề tình yêu và hôn nhân của bản thân, không nên sa đà vào những tình huống như anh Lý kể trên.

*Nguồn: ifeng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại