Nhân dịp 35 năm bắt đầu công cuộc cải tổ Perestroika ở Liên Xô, nhiều chính trị gia Nga đã bày tỏ ý kiến của mình, đánh giá về công cuộc cải tổ Perestroika cuả giới lãnh đạo Liên Xô khi đó. Những người trong cuộc nói gì? Một số phát biểu của họ về vấn đề này đã được đăng tải trên báo "Sự thật - Pravda", cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF).
Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev: Không thể "sổ toẹt" tầm quan trọng của công cuộc cải tổ
Cựu Tổng thống Liên Xô cho rằng, trách nhiệm trong việc phá vỡ chính sách cải tổ Perestroika và sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết là thuộc về các thành viên của Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp và những người đã lợi dụng tình hình sau cuộc bạo loạn xảy ra vào tháng 8/1991 để huỷ hoại đất nước và làm tan rã nhà nước liên bang.
Việc Liên Xô tan rã không thể "sổ toẹt" tất cả tầm quan trọng của công cuộc cải tổ Perestroika, bởi vì chỉ trong vài năm nó đã làm thay đổi đáng kể trạng thái của xã hội Xô Viết. Người dân được tự do đi lại, họ không còn sợ hãi nữa.
Gorbachev thừa nhận rằng, ông và các cộng sự của ông đã không có một lịch trình cải cách, nhưng họ biết phải đi theo hướng nào. Tuy nhiên, ông không phủ nhận rằng cải cách đã diễn ra hết sức khó khăn và đã để xảy ra nhiều sai lầm. Năm ngoái, ông Gorbachev tuyên bố, ông không hối tiếc về Perestroika, vì lúc đó tình hình trở nên không thể sống như trước được nữa.
Ngày 23/4/1985, phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) tại Moscow, Gorbachev đã tuyên bố cần thiết phải cải cách hệ thống nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Liên Xô. Công cuộc cải tổ được bắt đầu như vậy.
Chủ tịch đảng Cộng sản Liên bang Nga (CPRF) Gennady Zyuganov: Thuật ngữ "Cải tổ- Perestroika" được sinh ra trong các phòng thí nghiệm của Mỹ.
Ngày 23/4/1985, Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev tuyên bố cần phải đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ thời điểm đó, Perestroika được bắt đầu ở Liên Xô. Tuy nhiên, lúc đó Gorbachev chỉ nói về sự cần thiết phải cải cách kinh tế thôi.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn cùa báo Pravda, Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Liên bang Nga Gennady Zyuganov đã đánh giá hậu quả của chính sách cải tổ được đưa ra 35 năm trước đây.
Ông nói: "Nếu bạn sống trong một ngôi nhà, bạn biết rất rõ rằng cứ sau 20-25 năm, không đơn giản chỉ là sửa chữa, mà còn phải sửa chữa lớn. Bộ máy nhà nước cũng vậy. Nó cần phải được sửa chữa, cần phải được nâng cấp, đào tạo cán bộ cũng như trang bị các thiết bị mới hiện đại".
Ông G. Zyuganov khẳng định cần thiết phải thay đổi. Điều này cũng được ban lãnh đạo Liên Xô lúc ấy hiểu rõ. Ngay cả Yuri Andropov, Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô cũng nói: "Chúng ta hiểu biết rất ít về xã hội mà chúng ta đang sống. Hãy cùng nhau hiện đại hoá nó lên". Mọi người đang điều chỉnh rất tốt và một giai đoạn mới đã bắt đầu. Nhưng, ở đây họ lại công bố Perestroika".
Ông cho rằng, người Mỹ đã nghĩ ra Perestroika. Ông nói: "Thuật ngữ Perestroika" được sinh ra trong các phòng thí nghiệm của Mỹ. Một chương trình Perestroika, cải cách và lật đổ toàn bộ nước Nga của chúng ta đã được chuẩn bị ở Mỹ. Perestroika không đi theo các kế hoạch của đảng, mà là theo chương trình được người đứng đầu Uỷ ban tuyên truyền Trung ương đảng CPSU Alexander Yakovlev, một đặc vụ được họ tuyển dụng vào lúc ấy đưa về đất nước chúng ta và cùng với M. Gorbachev quảng bá cho nó.
Tiếp theo, ông Zyuganov cho biết, tình hình lúc đó phát triển như sau: "Họ đưa ra hai khái niệm "công khai - Glasnost" và cái gọi là "dân chủ". Công khai được thể hiện bằng các hành động công kích mọi thứ, sai trái, phê phán lịch sử và phá hủy tất cả các giá trị cơ bản của đất nước. Đó là một sự phá hoại đối với lương tâm của nhân dân, chống lại những người có tài của đất nước chúng ta. Tất cả thời đại Xô Viết vĩ đại, một đất nước với những chiến thắng huy hoàng, đã bị người ta đổ vào kênh nước thải".
Gennadi Zyuganov khẳng định chẳng có cuộc nói chuyện nào về dân chủ cả. Có một nhóm người đã chiếm đoạt quyền này cho chính họ và tiêu hủy nó. Gorbachev cũng hét lên: "Các anh ép từ dưới lên và chúng tôi sẽ ép từ trên xuống". Vậy thì ép ai, nếu không phải là những người ủng hộ chính quyền Xô Viết và bộ máy của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã tham gia vào xây dựng và phát triển đất nước.
Về vai trò lãnh đạo đất nước, ông Zyuganov đã phê phán kịch liệt Mikhail Gorbachev. Ông nói: "Nếu ông ta có một cái đầu và ông ta định làm một việc gì đó ... CPSU không chỉ là một đảng, đó là một hệ thống điều khiển. Nếu ông ta bẻ gãy tay lái của một chiếc ô tô, mọi người sẽ cho ông là "một thằng ngốc". Nhưng ông ta đã bẻ gãy tay lái của cả một con tàu quốc gia, một con tàu không thể dừng lại dù chỉ một giây. Và họ đã phá vỡ, điều chỉnh sai và rồi tất cả đều sụp đổ".
Sau đó, các vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Boris Yeltsin xuất hiện cùng với cái gọi là "người tiên phong của Perestroika". Thực tế, đó chỉ là những kẻ phản bội, tệ hại và ghê tởm. Họ đã lôi kéo Quốc hội để thông qua ba nghị quyết. Nghị quyết đầu tiên là tuyên bố chủ quyền của Nga, trong đó điểm thứ năm coi luật pháp Nga cao hơn luật pháp Liên bang. Với chếc gậy này, họ đã phá huỷ một nhà nước duy nhất. Đây không phải là Perestroika, đây là một tội ác tầm quốc gia.
Và hai bộ luật nữa do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) soạn thảo - "về tự do giá cả" và "tự do thương mại". Kết quả là, họ làm tê liệt toàn bộ nền kinh tế, đồng tiền mất giá, nhà nước mất đi quyền kiểm soát nền kinh tế của đất nước.
Một quốc gia sản xuất 20% sản phẩm của thế giới, 26% điện tử thế giới, 1/3 hành khách trên thế giới bay trên máy bay Iliushin và Tupolev của Liên Xô, tìm ra 1/3 phát minh của thế giới... Một cường quốc vĩ đại bỗng chốc sụp đổ trước những người điều khiển con rối từ Mỹ. Ông Zyuganov nói, những gì đã xảy ra không thể gọi là "Perestroika", đây là một vụ xả súng, là sự phản bội, là tội phản dân tộc. Lịch sử sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng".
Ngày 18/3/1991, 77% người dân đã bỏ phiếu ủng hộ duy trì Liên bang Xô Viết. Ý nguyện của nhân dân là thiêng liêng. Vì vậy, những người làm tan rã Liên bang, dù còn sống hay chết cũng sẽ phải bị kết án cho tại phiên tòa của lịch sử - ông Zyuganov kết luận.
Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDPR) Vladimir Zhirinovsky:Lẽ ra chúng ta có thể cứu vãn được Liên bang Xô Viết
Ông V. Zhirinovsky nói, trước tháng 4/1985, nước ta là một quốc gia hùng mạnh, đứng thứ hai thế giới, nhưng đứng thứ nhất về sức mạnh quân sự. Lúc đó Trung Quốc chưa nằm trong top 10.
Ông nói, lẽ ra chúng ta cần làm một điều gì đó giống như chính sách kinh tế mới. Cho phép mọi người có quyền tự chủ trong công việc. Chẳng hạn như cho người ta đất. Một người muốn có một trang trại ư - xin mời. Chúng ta có rất nhiều đất, mọi người có thể được phân một mảnh đất bên cạnh nông trường quốc doanh để liên kết với nhau. Trong nhà máy có thể thành lập các hợp tác xã để người ta có thể sẽ làm thêm kiếm tiền sau giờ làm việc và trong những ngày nghỉ cuối tuần.
V. Zhirinovsky nói thêm, tiền nằm trong dân. Lẽ ra có thể cho phép họ mua nhà làm văn phòng cho thuê, mở hiệu làm tóc, làm móng hoặc tiệm làm bánh mì, bánh ngọt. Các ngành công nghiệp lớn cứ giữ nguyên như vậy. Các lực lượng vũ trang nên được giảm bớt. Quân đội 7 triệu người để làm gì? Nó thể giảm bớt 2-3 lần. Ít xe tăng, tên lửa hơn, hàng tiêu dùng nhiều hơn. Giữ độc quyền ngoại thương, không đưa vốn ra nước ngoài. Các hợp tác xã có quyền lấy tiền từ tài khoản của mình để trả lương. Giảm bớt sử dụng tiền mặt....
Cứ như vậy, dần dần trong 20-30 năm thực hiện cải cách. Mỗi người đều có thể đầu tư tiền của mình vào kinh doanh. Đây là cách chúng ta sẽ dần dần hiện đại hóa đất nước và sẽ không có sự sụp đổ nào cả và hôm nay chúng ta đã là nước số một, là nước hùng mạnh nhất trên thế giới.