315 tỉ, "vì dân, vì lợi ích quốc gia" hay thời của hài kịch?

Bùi Hải |

Rất nhiều màn hài kịch xuất sắc nhất lại không xuất hiện trên sân khấu hài mà vụt hiện giữa đời thường.

"Tiền ở đâu mà rong chơi lắm thế?"

Trên báo Tuổi trẻ, các phượt thủ "không được bố mẹ chu cấp, không trúng số độc đắc" đã mách nhau cách để có thể đi phượt bụi một cách hiệu quả nhất.

Nhiều người phải lao động vất vả tích lũy 6 năm trời để trang trải một chuyến đi trải nghiệm.

Nhưng trên đường phượt, họ cũng phải làm đủ mọi thứ nghề để kiếm đồng tiền sạch cho chuyến đi sạch của mình: viết báo kiếm nhuận bút, bán tem, làm bồi bàn, nhận việc online, dạy ngoại ngữ.

Đa số những phượt thủ kiểu ấy, đều có nhiều cách giúp đỡ đỡ cộng đồng.

Không ít chuyến đi nước ngoài của quan tham, chẳng những đã được nhà nước lo công tác phí, chỗ ăn ở, mà còn được doanh nhân như Nguyễn Xuân Sơn tặng quà "tình nghĩa", mà cái họ đem về chỉ là những dự án đốt tiền dân.

Dân phượt thường bị người khác chọc "tiền ở đâu mà rong chơi lắm thế?". Câu chọc này đúng với đối tượng nào nhất trong xã hội, hẳn bạn đọc đã nhận ra.

315 tỉ và các chuyến "phượt" tiền tỉ

315 tỉ, vì dân, vì lợi ích quốc gia hay thời của hài kịch? - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trả lời Hội đồng xét xử. Ảnh: Tiền Phong

Người bị đề nghị án tử trong đại án Ocean Bank, Nguyễn Xuân Sơn khai rằng mình đã dùng tới 315 tỉ đồng để "chăm sóc", tặng quà "tình nghĩa" cho các tổ chức và cá nhân (có cả vụ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng).

Giá trị của món quà "tình nghĩa" kiểu này lên tới 50-200 triệu đồng/người.

Dù nói là tình nghĩa nhưng chính Sơn đã phải cay đắng thốt ra nỗi khổ lớn của doanh nghiệp "được đi tặng quà là vui, lo tiền quà còn khổ hơn nữa".

Nhiều doanh nghiệp đã kể với chúng tôi rằng, danh sách ngày lễ, tết cần "ngoại giao" của họ bây giờ phải kéo dài hơn bao giờ hết.

Ngày trước chỉ có Tết âm thì hiện giờ cứ đến ngày 30.4, 2.9, tết trung thu, tết dương lịch…là đều phải rồng rắn lên mây đi "tình nghĩa".

Được tặng quà là vui thì ắt hẳn việc nhận quà còn vui nữa. Nếu tất cả là vui và tình nghĩa, tại sao trong lời cuối phiên tòa, Sơn lại đau khổ kêu gọi những ai đã nhận tiền "tình nghĩa" của mình nên hoàn trả để "tâm hồn thanh thản".

Một trong những chi tiết tiếu lâm nhất của vụ tư túi 315 tỉ, theo lời khai của Sơn, là chi nhiều tỉ tháp tùng lãnh đạo đi nước ngoài (một phượt thủ bạn tôi đã chép miệng nói rằng đây là những chuyến "phượt" tiền tỉ).

Theo Sơn, khoản chi này là phục vụ "lợi ích quốc gia".

Sức khỏe quốc gia sẽ thế nào khi có nhiều phiên bản "công tử Bạc Liêu thời nay": Tiền của mình thì găm ngân hàng, cho con đi du học, nhưng lại rất sành điệu "đốt" tiền chùa – tiền thuế của dân?

Khi đề án hơn 11.000 tỉ xây lại Bảo tàng lịch sử Quốc gia được trình; Khi khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc 34.000 tỉ được trình; khi rất nhiều công trình ngàn tỉ đang đắp chiếu được trình…, thì đương nhiên trong rất nhiều lý do để xây dựng, lý do "vì lợi ích quốc gia", "vì dân" sẽ luôn đứng đầu.

Nhưng những dự án, bảo tàng đó thực sự vì dân, vì quốc gia bao nhiêu phần trăm lại là câu hỏi rất khó trả lời.

Trong thời buổi đất nước có vô số "bảo tàng nghèo đói", "bảo tàng bệnh tật", "bảo tàng đu dây qua sông đi học" cần sửa chữa, nâng cấp, đập bỏ, thì những thứ cả chục ngàn tỉ nêu trên, giống như một chi tiết hài trên sân khấu chính kịch.

Nếu sai cũng… lợi cho dân

Có một khoản tiền 300 tỉ đồng trên giấy khác cũng đã được Thanh Hóa lý giải rất tài tình.

Thanh Hóa đã báo cáo rằng cơn bão số 10 làm tỉnh thiệt hại 1.000 tỉ đồng, riêng huyện Hoằng Hóa thiệt hại 940 tỉ.

Sau khi dư luận thấy lạ vì tỉnh này không bị bão đổ bộ trực tiếp, thì con số thiệt hại của huyện Hoằng Hóa lập tức giảm hẳn 300 tỉ, chỉ còn 640 tỉ.

Khoản chênh lệch tới 300 tỉ, được một phó chủ tịch huyện lý giải nhẹ như lông hồng là vì dân: "Dù báo cáo sai hay đúng thì cũng có được cái gì đâu, có được thì được cho dân thôi".

Một vị phó chủ tịch tỉnh cũng nhẹ nhàng "cái đó thì để anh em rút kinh nghiệm thôi".

Chưa thấy dân được lợi thế nào, chỉ thấy họ mất niềm tin vào sự trung thực và tính trách nhiệm của chính quyền. Thực tế đã cho thấy, đã có không ít nơi trục lợi chính sách từ hậu quả của thiên tai.

315 tỉ, vì dân, vì lợi ích quốc gia hay thời của hài kịch? - Ảnh 2.

Sau khi Điều ước thứ 7 được phát sóng, "người cha vĩ đại" Quốc Tuấn đã kiên quyết nói không với việc trục lợi tình thương.

Hiện tại anh không muốn nhận thêm bất cứ sự ủng hộ vật chất nào, và mong những Mạnh Thường Quân hãy dành tiền cho nhiều số phận éo le hơn.

Là một diễn viên mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả trong "Người vác tù và hàng tổng", Quốc Tuấn đã đóng một vai chính kịch thực sự tử tế trong đời.

Câu chuyện của bố con anh ban đầu là một bi kịch, nhưng kết thúc có hậu. Cái kết có hậu tuyệt vời nhất là anh không muốn vun vén cho mình và Bôm, dù Quốc Tuấn có quyền làm điều đó.

Nhưng không phải ai cũng làm được như Quốc Tuấn.

Sân khấu hài ở Việt Nam đang nở rộ và những nghệ sĩ hài kịch luôn đắt show. Tuy nhiên, đôi lúc những vở hài kịch xuất sắc nhất và diễn viên hài chói sáng nhất, lại không xuất hiện trên sân khấu hài, mà vụt hiện ngoài đời thực.

Kết thúc bài bình luận này, lần đầu tiên xin gửi đến Quý độc giả hai câu chuyện bi hài.

99% câu chuyện ấy có vẻ ngoài "hoàn toàn nghiêm túc", hoàn toàn "vì cái chung, vì, sự minh bạch". Chỉ đến khi 3 từ cuối cùng được nói ra, bi hài kịch mới lộ diện:

Thanh niên triển vọng 1

Đọc xong quyết định bổ nhiệm, giám đốc công ty dắt tay một thanh niên trẻ ra trước hội trường:

– Thưa các đồng chí, đây là tân phó giám đốc công ty – một thanh niên rất có triển vọng. Anh ấy đã phấn đấu rất tốt, vào đây như một người thợ bình thường.

Sau hai tháng đã có tay nghề chuyên môn giỏi, được đi học, được giao nhiệm vụ quản lý và đã thăng tiến rất nhanh lên phó phòng.

Nhờ ý chí và sự cầu thị, đặc biệt là tinh thần học hỏi từ cấp trên và người đi trước, hai tháng sau anh ấy được bổ nhiệm trưởng phòng.

Và hôm nay, tất cả chúng ta xin chúc mừng tân giám đốc trẻ nhất Việt Nam. Những gì anh ấy được hưởng xứng đáng với năng lực của anh ấy.

Nói rồi sếp quay sang chàng thanh niên:

– Cậu có điều gì muốn nói với mọi người?

– Thưa bố, không ạ!

Thanh niên triển vọng 2

Trong một cuộc phỏng vấn tuyển dụng, TGĐ hỏi ứng viên:

- Vì sao cậu lại tìm đến công ty chúng tôi?

Chàng trai đáp gọn lỏn:

- Vì muốn làm Phó tổng giám đốc ạ.

Tổng giám đốc cười hài lòng:

- Rất tốt, công ty chúng tôi chính là cần những thanh niên to gan táo bạo bất chấp thách thức như cậu. Vậy cậu muốn mức lương như nào?

Chàng trai đáp không suy nghĩ:

- 30 triệu là được.

Giám đốc gật gù:

- Không tệ, ai có năng lực cống hiến thì xứng đáng được đền đáp.

- 30 triệu là lương một ngày thôi ạ - anh chàng vội tiếp lời.

Vị giám đốc cười lớn:

- Ồ, đúng là đã không đánh giá sai cậu. Vậy bao giờ cậu đến làm việc?

Chàng trai lạnh lùng:

- Tuỳ tâm trạng.

Giám đốc gật đầu hài lòng:

- Được lắm, rất bản lĩnh, khí khái, không run sợ trước cấp trên. Tôi vẫn sẽ trả lương đầy đủ từ ngày mai. Vậy còn có vấn đề gì nữa không?

Chàng trai đứng dậy bước ra cửa, ngoái đầu lại nói:

- Không bố ạ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại