Trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với tờ South China Morning Post (SCMP) trước khi tuyên thệ nhậm chức cảnh sát trưởng Hong Kong vào 19-11, ông Chris Tang Ping-keung nói rằng cuộc khủng hoảng này hơn cả một vấn đề trị an.
Ông Chris Tang Ping-keung sẽ tuyên thệ nhậm chức cảnh sát trưởng Hong Kong ngày 19-11. Ảnh: SCMP
Đảm nhiệm chức vụ cảnh sát trưởng Hong Kong vào thời điểm cảnh sát Hong Kong đang đối mặt với làn sóng chỉ trích không ngớt vì cáo buộc dùng vũ lực quá mức, ông Tang mong rằng người dân Hong Kong sẽ lên án bạo lực, nói rằng sự im lặng và dung thứ của họ chỉ khuyến khích những kẻ cực đoan đeo mặt nạ tàn phá.
Ông bày tỏ lo ngại rằng người dân chỉ chỉ tay vào cảnh sát nhưng lại nhắm mắt làm ngơ với bạo lực.
“Quá đủ rồi. Bất kể niềm tin của các bạn là gì, đừng ca ngợi và chấp nhận bạo lực. Đừng để đám đông tiếp tục thúc đẩy bản thân họ và trở nên cực đoan hơn nữa”, ông Tang nói.
“Nếu ai ai trước đó cũng đứng ra lên án bạo lực, xã hội sẽ không biến thành trình trạng này trong năm tháng qua. Chúng tôi chỉ có thể chấm dứt tình trạng bất ổn bằng sự lên án của xã hội, sự soi chiếu từ chính những đối tượng bạo động cộng với những chiến thuật thích hợp của chúng tôi”, ông Tang nói.
Ông Chris Tang Ping-keung, 54 tuổi, sẽ tuyên thệ nhậm chức cảnh sát trưởng Hong Kong vào ngày 19-11, thay thế ông Stephen Lo Wai-chung, 58 tuổi, từ chức hôm 11-11.
Kể từ đó, ông Tang dẫn đầu chiến dịch với tên mã Tiderider nhằm đối phó các cuộc biểu tình đường phố ở Hong Kong xuất phát từ dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Cảnh sát Hong Kong bị cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức khi trấn áp biểu tình. Ảnh: SCMP
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong, giờ bước sang tháng thứ 6, đã dẫn tới 4.491 vụ bắt giữ, trong đó người bị bắt giữ nhỏ tuổi nhất là 11 tuổi. Những phần tử cực đoan đeo mặt nạ đã vây chiếm các con đường, đốt lửa trên các tuyến tường, đập phá các trạm ga tàu điện ngầm, ngân hàng và chiếm các trường đại học.
Những người biểu tình đã tấn công lực lượng cảnh sát, ném bom xăng, gạch đá và dùng cung tên để bắn cảnh sát.
Ông Tang cho rằng tình trạng bạo lực đang lan tràn không chỉ “rất đau lòng” mà còn đi đến “rất gần khủng bố”.
Ở Mỹ, các nhà lập pháp đã thúc đẩy một dự luật cho phép hành động ngoại giao và trừng phạt kinh tế chống lại Hong Kong vì tình trạng bạo lực tiếp tục.
Làn sóng biểu tình ở Hong Kong nổ ra vào tháng 6 ban đầu nhằm phản đối dự luật dẫn độ , trong đó cho phép đưa người phạm tội sang Trung Quốc đại lục xét xử. Dự luật đã được rút lại, song người biểu tình vẫn còn bốn yêu cầu khác: điều tra độc lập hành vi của cảnh sát khi xử lý biểu tình, chấm dứt gọi người biểu tình là bạo động, tha bổng những người bị bắt và tổ chức bầu cử phổ thông.