30 nước muốn gia nhập, BRICS lộ diện "cái tên nóng": 1 ông lớn phản đối kịch liệt bỗng đổi ý sát giờ G?

Minh Minh |

Trước đó, Ngoại trưởng Belarus Maxim Ryzhenkov bất ngờ tiết lộ BRICS "sẽ kết nạp thêm khoảng 10 thành viên mới tại Hội nghị thượng đỉnh ở Kazan (Nga)".

30 nước muốn gia nhập, BRICS sẽ thêm 10 thành viên mới?

Đài phát thanh Jovem Pan (Brazil) dẫn lời cố vấn của Điện Kremlin về các vấn đề quốc tế Yuri Ushakov cho hay, các thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đang nghiên cứu khả năng chấp nhận 15 quốc gia tham gia với tư cách đối tác.

Thông tin được đưa ra không lâu trước khi Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 chính thức khai mạc tại thành phố Kazan (Nga) từ ngày 22-24/10.

"Các nhà lãnh đạo của BRICS sẽ quyết định nhóm quốc gia nào có thể được đưa vào danh mục quốc gia đối tác. Hiện tại, 15 quốc gia đang được xem xét" – Ông Ushakov nói.

Cố vấn Điện Kremlin giải thích rằng, các nước đối tác sẽ được BRICS lựa chọn theo một số tiêu chí, chẳng hạn như sức ảnh hưởng trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

 - Ảnh 1.

Nhiều quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Ảnh: Latindadd

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo, khoảng 30 quốc gia đang quan tâm tới việc gia nhập BRICS bằng những hình thức khác nhau.

Trong số các quốc gia công khai bày tỏ mong muốn gia nhập nhóm có Belarus, Cuba, Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Malaysia, Pakistan,...

Cuối tháng 6 năm nay, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố BRICS sẽ tạm ngừng kết nạp thành viên nhằm hoàn tất việc hội nhập cho các thành viên mới gia nhập khối vào đầu năm.

Tuy nhiên, tới cuối tháng 9 vừa qua, Ngoại trưởng Belarus Maxim Ryzhenkov bất ngờ tiết lộ, BRICS "sẽ kết nạp thêm khoảng 10 thành viên mới tại Hội nghị thượng đỉnh ở Kazan".

Phát biểu bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York hôm 28/9, ông Ryzhenkov cho biết rằng Nga – trên cương vị chủ tịch BRICS năm nay – đang hoàn thiện danh sách các quốc gia tiềm năng để mở rộng khối. Ông đồng thời bày tỏ sự lạc quan rằng đơn xin gia nhập BRICS của Belarus sẽ được chấp thuận.

 - Ảnh 3.

Ấn Độ ban đầu phản đối kịch liệt việc để Pakistan gia nhập BRICS. Ảnh: One India

Ấn Độ đổi ý, "cái tên nóng" có cơ hội vào BRICS lộ diện?

Trong lúc danh sách "các ứng viên tiềm năng" vẫn chưa được tiết lộ, kênh tinh tức ABP Live (Ấn Độ) mới đây tung ra một thông tin gây chú ý: Theo thông tin "độc quyền" mà hãng tin này có được, New Delhi nhiều khả năng sẽ ủng hộ Pakistan – quốc gia được xem là "kỳ phùng địch thủ" của Ấn Độ trong khu vực - gia nhập BRICS.

"Một trong những nội dung chính của Hội nghị thượng đỉnh BRICS có thể là 'tín hiệu xanh' mà Ấn Độ dành cho Pakistan đối với nỗ lực lâu nay của Islamabad nhằm gia nhập khối" – ABP Live cho hay.

ABP dẫn "các nguồn tin chính thức" cho biết, New Delhi đã ủng hộ quá trình mở rộng BRICS bằng việc kết nạp thêm thành viên dựa trên cơ sở đồng thuận.

"Với các thành viên mới, BRICS sẽ nổi lên như một tiếng nói mạnh mẽ hơn của Nam Toàn cầu. Ấn Độ ủng hộ quá trình hội nhập liền mạch của các thành viên mới vào các cơ chế hợp tác khác nhau của BRICS" – Một nguồn tin nói.

Theo ABP Live, Ấn Độ trước đó đã kịch liệt phản đối nỗ lực gia nhập BRICS của Pakistan kể từ khi Islamabad chính thức nộp đơn vào tháng 8/2023. Tờ Economic Times (Ấn Độ) cho biết, Trung Quốc từ lâu đã hậu thuẫn Pakistan gia nhập BRICS do Islamabad là một đồng minh quan trọng của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Nga ban đầu có vẻ thờ ơ với mong muốn của Pakistan nhưng tới tháng 9 năm nay, Phó Thủ tướng Nga Alexei Overchuk đã có chuyến thăm tới Pakistan và tuyên bố Moscow sẽ ủng hộ Islamabad gia nhập BRICS.

 - Ảnh 4.

Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar tới Islamabad (trái) bắt tay Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif tại Hội nghị của SCO hôm 16/10. Ảnh: Reuters

Trong số các thành viên cốt cán của BRICS, chỉ có Ấn Độ phản đối Pakistan gia nhập. Lý do là bởi New Delhi tin rằng, Pakistan "sẽ không thể có đóng góp ý nghĩa nào cho BRICS, mà ngược lại, có thể mang tới thêm các vấn đề gây bất lợi cho khối này".

Theo ABP Live, việc Ấn Độ thay đổi thái độ vào phút chót khi ủng hộ Pakistan gia nhập BRICS có thể xuất phát từ chuyến thăm mang tính bước ngoặt của Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar tới Islamabad để tham dự cuộc họp Hội đồng các nguyên thủ quốc gia của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào đầu tuần trước.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Ấn Độ đến Pakistan kể từ năm 2015.

Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) nhận định, việc ông Jaishankar đến thăm Pakistan bất chấp căng thẳng giữa hai phía đã phản ánh tầm quan trọng mà Ấn Độ dành cho SCO, đồng thời cho thấy quan hệ song phương giữa hai nước đã đạt "mức độ ổn định mới".

Cũng theo ABP Live, một lý do khác khiến Ấn Độ nhiều khả năng "bật đèn xanh" cho Pakistan là vì tất cả các thành viên khác trong khối đều ít nhiều đồng ý để Islamabad gia nhập.

Tuy nhiên, ông Jagannath Panda, giám đốc Trung tâm Stockholm về các vấn đề Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (SCSA-IPA), cho rằng New Delhi vẫn nên phản đối Pakistan gia nhập BRICS.

"Bất kỳ khả năng hoặc đề xuất nào về việc đưa Pakistan vào BRICS sẽ khiến nhóm này trở thành một tổ chức không nghiêm túc.

Việc đưa Pakistan vào sẽ chỉ ra rằng BRICS đang tiếp tục trở thành một tổ chức tập trung nhiều hơn vào khu vực Âu-Á do Trung Quốc lãnh đạo, xa rời mục đích ban đầu là phát triển thành một tổ chức kinh tế đa phương mới nổi" – Ông Panda nhận định.

Vị chuyên gia đánh giá, "Pakistan không đủ điều kiện để được đưa vào đề xuất BRICS+. Nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn, không mang lại bất kỳ hy vọng lạc quan nào về sự phối hợp có thể mang lại lợi ích cho thế giới kinh tế mới nổi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại